Để vực dậy nghề mây tre đan

10:57, 09/11/2012

Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Tân Thành, xã Ôn Lương (Phú Lương) được thành lập tháng 6/2007. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã ngừng hoạt động, nhà xưởng phải tháo dỡ, còn dụng cụ, máy móc được đầu tư gần 1 tỷ đồng đang “nằm” một chỗ hoen gỉ theo thời gian.

Nói về nguyên nhân khiến HTX mây tre đan Tân Thành ngừng hoạt động, ông Nguyễn Văn Tính, Chủ nhiệm HTX cho biết: Nguyên liệu để làm đĩa ghép sơn mài (sản phẩm chính của HTX) là cây nứa ngộ ở địa phương. Tuy nhiên, từ cuối năm 2009 thì loại nứa này lại bị ra hoa nên lụi dần, khô và chết nên nguồn nguyên liệu rơi vào khan hiếm. Hơn nữa, tay nghề của xã viên còn hẹn chế nên mới chỉ làm gia công được những mẫu sản phẩm đơn giản, thông thường. Trong khi đó, mẫu mã sản phẩm lại thường xuyên thay đổi theo yêu cầu thị trường. Đầu ra sản phẩm của HTX phải phụ thuộc hoàn toàn vào đơn đặt hàng mà các cơ sở thu mua yêu cầu, không ổn định, nhiều khi bị ép giá. Một nguyên nhân nữa là giá trị ngày công lao động thấp, nếu thu hái chè hoặc cấy, gặt thuê (tuy vất vả hơn) thì 1 ngày công được từ 100 đến 120 nghìn đồng, trong khi đó làm mây tre đan chỉ được từ 25.000 đến 40.000 đồng…

 

Bên cạnh những nguyên nhân đã nêu, thực tế cho thấy Ban Quản lý HTX chưa thật sự năng động, chủ động tìm kiếm các mối tiêu thụ sản phẩm, đào tạo tay nghề cho xã viên cũng như chủ động tiếp cận với các mẫu sản phẩm mới để dạy cho xã viên. Cùng với đó là kiến thức quản lý, tổ chức sản xuất, xây dựng các phương án hoạt động kinh doanh còn hạn chế… nên từ khi đi vào hoạt động đến giữa năm 2010, HTX mới làm được trên 22 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí, HTX thu về chưa đầy 30 triệu đồng.

 

Không chỉ có HTX Mây tre đan Tân Thành mà trên địa bàn tỉnh còn có một số HTX đã và đang rơi vào tình trạng tương tự. Trao đổi với ông Lê Huy Nhỡn, Chủ nhiệm Liên minh HTX tỉnh, được biết: Cả tỉnh có 3 HTX làm nghề đan lát là: HTX Mây tre đan Tân Thành; HTX Mây tre đan Ngọc Lý, xã Tân Đức (Phú Bình) và HTX Mây tre đan và kinh doanh tổng hợp Tân Phú, xã Tân Phú (Phổ Yên). Các HTX này chủ yếu làm gia công cho các công ty, cơ sở thu mua trong nước với một số mặt hàng như: lẵng hoa, lẵng quả, đĩa ghép sơn mài, khay, giỏ lọ lục bình… HTX Mây tre đan Ngọc Lý được thành lập năm 2006, đã xuất bán được gần 40 nghìn sản phẩm (chủ yếu là khay, giỏ, đĩa, giỏ tích, lọ lục bình) nên doanh thu được 3,2 tỷ đồng. Nhưng, từ cuối năm 2010, HTX đã tạm dừng hoạt động do thị trường tiêu thụ khó khăn, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào lại cao, không có vốn. Tháng 9/2012, HTX chuyển sang mô hình làm chổi chít bởi đây là mặt hàng đang được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Hiện, HTX đang tổ chức dạy nghề mới cho bà con, đầu năm 2013, HTX mới có thể đi vào hoạt động. Còn HTX Mây tre đan và kinh doanh tổng hợp Tân Phú được thành lập năm 2008, đến đầu năm 2010 cũng đã ngừng sản xuất sản phẩm mây tre đan để chuyển sang kinh doanh chè và đan len. Như vậy, thời điểm “ăn nên làm ra” của 3 HTX chỉ vỏn vẹn được 2 năm, sau đó đã rơi vào cảnh “ảm đạm”, chuyển loại hình sản xuất, kinh doanh, thậm chí là ngừng hẳn hoạt động…

 

Có thể thấy, dường như các HTX mây tre đan được hình thành chủ yếu xuất phát từ “nghề” ở xóm, mới chỉ đáp ứng nhu cầu việc làm của một bộ phận lao động mà chưa tính đến triển vọng phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, với cách làm “ăn sổi ở thì” về lợi ích kinh tế trước mắt, dường như những người trong làng nghề chưa phát huy được giá trị bền vững của nghề truyền thống nếu biết cách phát triển. Theo ý kiến của ông Lê Huy Nhỡn, hiện nay thị trường sản phẩm mây tre đan tuy có bị lắng lại do khó khăn chung của nền kinh tế. Nhưng đây vẫn là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng vì tính thiên nhiên, không độc hại và mang giá trị nghệ thuật cao. Về lâu dài, để phát triển được nghề mây tre đan, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, ngành chức năng thì các ban quản lý HTX và địa phương cần chủ động được nguyên liệu đầu vào, nguồn nhân lực có tay nghề, vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nhân tố quyết định đến sự đi lên của nghề là phải xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Theo khảo sát của chúng tôi tại thị trường T.P Thái Nguyên, sản phẩm mây tre đan như rọ tích, khay, lọ lục bình tiêu thụ rất chậm, nhưng với lẵng hoa, lẵng quả thì số lượng tiêu thụ hàng ngày khá nhiều. Trong khi đó, loại lẵng này làm cũng rất đơn giản,. Vậy mà, các HTX mây tre đan trong tỉnh lại không bán được sản phẩm. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết hầu hết các sản phẩm mây tre đan được tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh, nhất là địa bàn Thành phố, lại được các chủ cửa hàng hoa nhập qua cơ sở thu mua ở làng nghề có tiếng của tỉnh ngoài…

 

Làm thế nào để vực nghề mây tre đan trở lại hoạt động có hiệu quả cũng như gìn giữ nghề truyền thống ở các địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động? Thiết nghĩ, ngoài lựa chọn người có năng lực, tâm huyết với nghề để kiện toàn lại bộ máy ban quản lý của các HTX, mời gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư nhà xưởng, đào tạo tay nghề cho xã viên, mở rộng quy mô hoạt động, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường… thì rất cần sự năng động, chủ động trong tiếp cận thị trường của ban quản lý các HTX cũng như  sự gắn bó, tâm huyết “sống” bằng nghề của bà con ở mỗi làng nghề.