Nhằm thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), các xã được chọn làm điểm đã cố gắng lựa chọn từ 2 đến 3 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành trong năm. Để thực hiện các tiêu chí, yếu tố hàng đầu vẫn là nguồn vốn: vốn cấp từ nguồn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của nhân dân.
Tuy nhiên, nguồn vốn cấp từ ngân sách Trung ương năm nay phân bổ chậm (đến tháng tháng 8/2012 các huyện mới được thông báo vốn); thủ tục đầu tư đòi hỏi phải qua nhiều khâu, đến hết tháng 10/2012, nguồn vốn giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) đạt thấp: Riêng nguồn vốn đầu tư 14,4 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân đạt gần 13%. Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh chủ yếu cho vay bằng nguồn xi măng. Với các nguồn vốn trên năm nay các xã điểm của tỉnh chủ yếu tập trung xây dựng đường giao thông.
Qua tiếp cận ở các xã chọn làm điểm XDNTM như: Nam Tiến, Hồng Tiến (Phổ Yên); Huống Thượng (Đồng Hỷ); Lâu Thượng (Võ Nhai); Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên); Nhã Lộng (Phú Bình), La Bằng, Cù Vân (Đại Từ) chúng tôi thấy, việc giải ngân nguồn vốn XDNTM chậm (kể cả vốn từ ngân sách tỉnh vay bằng xi măng và vốn của ngân sách Trung ương), cho đến thời điểm này đã gần cuois tháng 11/2012 nhưng tiến độ giải ngân vẫn không khá hơn là do trong quá trình thực hiện một số xã đã gặp những vướng mắc, khó khăn riêng.
Ví như xã Quyết Thắng, theo ông Vũ Công Định, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với mục tiêu phấn đấu năm nay xã phải hoàn thành được tiêu chí quy hoạch và một phần tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn (cả giai đoạn 2011-2015 là 27km) bằng các nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của dân.Tuy nhiên, do chưa được hướng dẫn bằng văn bản cụ thể nên khi áp dụng cơ chế đối ứng, xã gặp vướng mắc: vì cùng là chương trình mục tiêu Quốc gia nhưng cơ chế hỗ trợ lại khác nhau: nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh thì theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 50%, nhân dân đối ứng 50% bằng nguồn vốn vay xi măng; còn nguồn vốn hỗ trợ của T.P Thái Nguyên thì Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đối ứng 30%. Vì thế, xã phải áp dụng cả 2 cơ chế hỗ trợ và tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, hưởng ứng. Đối với những nơi người dân khó khăn hơn thì áp dụng cơ chế 70%/30%; còn lại là thực hiện Nhà nước hỗ trợ vốn 50%, người dân đối ứng 50%.
Đối với nguồn vốn XDNTM của Trung ương, năm nay xã được phân bổ trên 400 triệu đồng, trong đó có 124 triệu đồng để thực hiện công tác quy hoạch; 8 triệu cho công tác tuyên truyền; 300 triệu đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Xã đã dành nguồn vốn đầu tư XDCB trên để xây dựng 2 công trình (một đoạn đường dài 50 m mở đường vào Trạm cai nghiện của xã và dành một phần nguồn vốn để đầu tư nâng cấp mở rộng Trung tâm Giáo dục cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cấp thiết trước mắt). Cho đến thời điểm này, do xã chưa tổ chức họp HĐND để thông qua; các cơ quan chức năng của thành phố chưa thẩm định đơn giá quy hoạch xong; các công trình đang tiến hành cho lập hồ sơ, song, để đảm bảo kịp tiến độ, xã vẫn tiến hành triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng. Vì vậy, đoạn đường vào Trạm cai nghiện đã được khởi công ngày 15/11, nếu có giải ngân được vốn cũng phải chờ có khối lượng hoàn thành. Đây là công trình nhỏ, chỉ chậm về thủ tục đầu tư ban đầu, khi có khối lượng hoàn thành, vấn đề giải ngân vốn không khó khăn (dự kiến cũng vào tháng 12/2012 sẽ xong).
Hoặc ở xã Nhã Lộng (Phú Bình), ông Dương Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã cho biết: năm nay xã được phân bổ tổng nguồn vốn 450 triệu đồng (cả vốn cho công tác quy hoạch, tuyên truyền, XDCB), xã dành 280 triệu đồng đầu tư sửa chữa tuyến kênh mương nội đồng và 150 triệu đồng xây dựng cụm Trường Mầm non Nhã Lộng. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay mới chỉ hoàn thiện được gần 200 mét kênh mương; vốn xây dựng cụm Trường mầm non xã đề nghị chuyển vốn sang làm kênh mương. Hiện nay, xã đang hoàn thiện hồ sơ để thanh quyết toán vốn cho đơn vị thi công với khối lượng kênh mương đã hoàn thành.
Tuy nhiên, cũng có xã đến nay vẫn chưa thi công được công trình: Ông Dương Đình Tân, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến (Phổ Yên) cho biết: năm 2012 xã được phân bổ 300 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương. Xã có kế hoạch xây dựng tuyến kênh dài 270m phục vụ sản xuất lúa cao sản. Đến nay hồ sơ đã phê duyệt xong, nhưng cũng phải cuối tháng 11 mới khởi công được công trình.
Đối với các xã còn lại, các công trình được phê duyệt đã và đang triển khai thi công. Hiện tại chỉ còn hoàn tất hồ sơ để thanh toán vốn. Ông Nông Văn Em, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai cho biết: với nguồn vốn được phân bổ, hiện nay các đơn vị đang thi công hai tuyến đường (một tuyến làm đường chính dài trên 500m và một tuyến đường liên thôn, liên xóm bằng nguồn vốn vay xi măng dài 9m). Muốn giải ngân xong cũng phải chờ có khối lượng hoàn thành mới được thanh toán vốn.
Mặc dù hầu hết các xã có khối lượng đầu tư đạt từ 50% đến 80%; hoặc có xã công trình hoàn thành đã đưa vào sử dụng; hoặc có xã chưa triển khai thi công được công trình như nêu ở trên cũng đã và đang hoàn tất thủ tục hồ sơ, thẩm định để quyết toán vốn. Vấn đề còn lại là ở việc các cơ quan liên quan (thanh toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư) có hướng dẫn, đôn đốc hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán vốn nhanh hay không để giải ngân.
Quyết toán vốn là khâu cuối cùng rất quan trọng trong công tác đầu tư. Không riêng gì nguồn vốn XDNTM mà cả các nguồn vốn XDCB khác, lâu nay, một phần do các chủ đầu tư và nhà thầu chưa quan tâm lắm đến khâu này nên nhiều công trình đưa vào sử dụng rồi vẫn chưa quyết toán vốn. Phần khác, thông qua tìm hiểu chúng tôi được biết có trách nhiệm một phần của các cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn, thanh toán vốn. Theo quy định, các cơ quan này phải hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư đầy đủ, đúng nội dung, đúng thời gian quy định và hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong quá trình phát sinh quyết toán vốn. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn lại chưa thực sự làm tốt nhiệm vụ này, trong khi đó, hiện nay, do nhiều xã bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác trên trình độ còn hạn chế, lại không được hướng dẫn tận tình. Vì vậy, các báo cáo quyết toán thường không đầy đủ, chưa đảm bảo hồ sơ “nay thiếu cái này, mai hoàn chỉnh cái khác” nên cứ phải làm đi, làm lại nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian. Đó là chưa kể trong quá trình triển khai, chủ đầu tư lại gặp vướng mắc. Vì vậy, cho đến thời điểm này, nhiều xã vẫn chưa giải ngân được vốn để trả cho nhà thầu.
Mặc dù các xã rất “lạc quan” cho rằng từ nay đến cuối năm nguồn vốn trên sẽ được giải ngân xong. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là nếu như tất cả các nguồn vốn đều tập trung vào cuối năm mới thanh, quyết toán thì sẽ đẩy áp lực rất lớn cho cơ quan thanh toán vốn. Bởi vì không chỉ riêng nguồn vốn XDNTM mà còn rất nhiều dự án, công trình khác cần phải thanh, quyết toán vào cuối năm. Thói quen “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp rút” là tư tưởng cố hữu cần được khắc phục để giải ngân các dự án đúng tiến độ. Đây cũng là cách tránh gây lãnh phí nguồn tài chính, sớm phát huy hiệu quả các công trình nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đòi hỏi trách nhiệm cao của tất cả mọi người: từ các chủ đầu tư đến nhà thầu, các cơ quan thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn; thanh toán vốn.