Gian nan “cuộc chiến” giữ rừng

09:23, 28/11/2012

Trong khi các ngành chức năng, chính quyền địa phương đang ráo riết thực hiện các biện pháp giữ rừng tận gốc thì “lâm tặc” vẫn luồn lách trong rừng sâu núi đá tìm cách đốn hạ những cây gỗ lớn còn lại. “Cuộc chiến” bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn đang rất gian nan, nhất là tại các khu rừng già còn nhiều gỗ quý hiếm ở huyện Võ Nhai.

Kỳ 1: Những cánh rừng già bị tàn phá

 

Ở Thái Nguyên hiện nay có lẽ chỉ còn duy nhất huyện Võ Nhai là tồn tại những cánh rừng già với nhiều loại gỗ quý. Tất cả đều tập trung ở 6 xã phía Bắc của huyện, nơi có nhiều núi đá tai mèo, dân cư sinh sống thưa thớt. Mặc dù nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, được bảo vệ đặc biệt, song những cánh rừng này vẫn có nhiều nguy cơ bị tàn phá. 

 

Rừng chưa hết “chảy máu”

 

Theo báo cáo 3 năm gần đây của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cho thấy, lượng gỗ bị khai thác, vận chuyển trái phép mà lực lượng Kiểm lâm phát hiện, xử lý tại đây là tương đối lớn. Năm 2010, xử lý 83 vụ vi phạm, tịch thu trên 31m3 gỗ quy tròn các loại, 27 xe máy, 6 cưa xăng, thu nộp ngân sách 146 triệu đồng. Năm 2011, số vụ vi phạm đã tăng lên 232 vụ với số gỗ bị tịch thu là hơn 490m3, trong đó đáng lưu ý có gần 90m3 gỗ quý hiếm (thuộc nhóm II). Lực lượng chức năng đã tịch thu 53 xe máy, 4 cưa xăng, thu nộp ngân sách gần 1,4 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2012, tại đây, lực lượng chức năng đã xử lý tới 179 vụ vi phạm Lâm luật, trong đó có 2 vụ vượt thẩm quyền phải chuyển UBND tỉnh xử lý và 1 vụ xử lý hình sự. Tổng khối lượng lâm sản bị tịch thu là gần 430m3, trong đó có trên 70m3 gỗ nhóm II; tịch thu 70 xe máy, 8 cưa xăng, thu nộp ngân sách trên 1,3 tỷ đồng. Như vậy, theo từng năm, số vụ vi phạm Lâm luật tại Khu Bảo tồn vẫn tăng (chưa kể các trường hợp lâm sản được khai thác, vận chuyển trót lọt). Điều đó chứng tỏ tình trạng phá rừng vẫn diễn ra khá phức tạp.

 

Trong những chuyến thực tế tại vùng lõi Khu Bảo tồn thời gian gần đây, chúng tôi đã được chứng kiến một số cây gỗ lớn mới bị các đối tượng “lâm tặc” đốn hạ và xẻ theo nhiều quy cách để mang đi tiêu thụ. Tại khu rừng Lân Nghiềng, khu Lân Đất Đỏ… thuộc xã Sảng Mộc, Nghinh Tường, những thân gỗ có đường kính hàng mét vẫn còn tồn tại. Đây là những cánh rừng già hiếm có trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại đây vẫn còn những cây gỗ nghiến, trai, lý, sến thuộc loại quý hiếm. Thời gian qua, tại các khu rừng già này, nhiều đối tượng đã kéo lên lập trại, ăn nằm cả tháng trời để chờ cơ hội khai thác trộm. Chúng mang cưa xăng, lợi dụng thời tiết không thuận lợi để “ra tay”, sau đó mang vác hoặc dùng trâu kéo gỗ tuồn ra bên ngoài. Những con đường nhẵn thín vết kéo gỗ được hình thành tạo lối ra thuận tiện đến các cung đường gần bìa rừng mà ở đó “đầu nậu” gỗ đã chờ sẵn. Được biết, thời gian vừa qua lực lượng Kiểm lâm Khu Bảo tồn đã phối hợp với các địa phương vùng giáp ranh tổ chức truy quét, thiêu hủy trên 40 lán trại của các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tại khu rừng Lân Đất Đỏ. Tuy nhiên, ngay sau khi lực lượng truy quét rời đi, các đối tượng “lâm tặc” lại quay về tiếp tục lập lán trại. Một người dân sinh sống tại khu vực này (xin được giấu tên) cho biết: Các đối tượng sau khi đốn hạ gỗ rừng thường thuê người dân địa phương dùng trâu kéo ra ngoài. Những thân gỗ lớn gần đây đã vãn đi nhiều. Sống và gắn bó với rừng từ nhỏ nên tôi thấy rất xót xa mà không làm gì được…

 

 

Phút “trải lòng” của các “đầu nậu”

 

Thông qua lực lượng Kiểm lâm, không khó để chúng tôi tiếp cận được những đối tượng từng vác cưa lên rừng hoặc làm “đầu nậu” thu mua gỗ trái phép tại các xã trong Khu Bảo tồn. Điều đó cho thấy lực lượng Kiểm lâm ở đây đã nắm quá rõ nhân thân cũng như quá trình tham gia phá rừng của các đối tượng này. Anh Hứa Văn Tiến, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường cho hay: “Chúng tôi vừa rà soát và thống kê tại khu vực này có trên 80 đối tượng là “đầu nậu” gỗ. Họ gần như đều là những người dân địa phương. Tìm gặp không kho, nhưng để họ có những phút trải lòng thật sự thì quả không phải dễ. Trong vai một người từ nơi khác đến, từng có thời gian vác gỗ thuê ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, chúng tôi mới được nghe những lời bộc bạch từ đáy lòng họ. Nông Văn Vàng, ở xóm Bản Trang, là một trong những đối tượng vận chuyển gỗ lậu có tiếng ở xã Nghinh Tường. Ông Vàng tâm sự: “Mấy tháng trước mình vẫn còn túc tắc vận chuyển và thu mua lâm sản, giờ Kiểm lâm làm chặt hơn nên tạm thời không đi gỗ nữa. Nói là làm “đầu nậu” nhưng ráo mồ hôi cũng hết tiền ấy mà. Chỉ có những ông chủ ở nơi khác lên thu mua với khối lượng lớn mang đi trót lọt là thu lợi nhiều thôi”. Được biết, ông Vàng có một chiếc xe mô tô hiệu Yamaha, sau khi mua về ông đã cải hoán bằng cách hàn thêm các thanh sắt vào yên xe, nâng đời bộ kéo để có thể vận chuyển được vài chục song nghiến xẻ.

 

Với Hà Văn Doanh, một “đầu nậu” ở xóm Bản Nưa thì việc luồn lách, tránh mặt lực lượng Kiểm lâm mỗi khi chuyển gỗ lậu từ rừng ra ngoài là chuyện thường tình. Cả đất Nghinh Tường đều không lạ mặt nhân vật này. Hôm chúng tôi tìm gặp, anh ta đang bán quán ăn và đồ tạp hoá cùng với vợ tại khu vực trung tâm xã. Không giống như ông Vàng, khi mới gặp người lạ anh này có vẻ khá thận trọng: “Em bán hàng là chính ấy mà, có mấy khi đi gỗ đâu”. Nhưng sau khi nhấp mấy chén chè, nói chuyện “vào gam”, Doanh thổ lộ: “Chúng em ở đây nhận chạy gỗ và thu gom cho mấy ông chủ ở dưới xuôi. Lúc đói việc thì lên rừng vác gỗ thuê, khi tình hình êm êm (tức là lực lượng chức năng không làm gắt - P.V) thì túa nhau chạy xe chở gỗ về điểm tập kết. Dạo này xã, huyện và Kiểm lâm truy quét suốt nên tạm nghỉ ở nhà phụ vợ bán hàng thôi. Nói thật, hãn hữu lắm em mới bị Kiểm lâm giữ. Em thường chạy đường tắt, luồn lách trong rừng, trên nương, họ không thể biết được”.

 

Trong tất cả các xã thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa -  Phượng Hoàng thì gần như xã nào cũng có các “đầu nậu” thu gom gỗ lậu hoạt động. Ở xã Cúc Đường có khoảng 13 đối tượng với những tên tuổi như: Tú Hùng, Giang “đen”, Tùng “béo”, Quý Chi…; ở Thượng Nung có 10 đối tượng như: Tuyên Hằng, Chường Long, Long Vịnh, Phượng Mùi…; ở xã Sảng Mộc có khoảng 11 đối tượng gồm: Thuỷ Thừa, Học “Mán”, Ánh Hiền, Đại Linh; ở Nghinh Tường có 21 đối tượng gồm: Quyên “sứt”, Đại Bàng, Bảo “Mán”, Thành “chân Đất”, Huế “ngọng”…; xã Vũ Chấn có 8 đối tượng gồm: Hồng Đông, Lập Nghiệp, Tương “béo”, Trình “Mán”…

 

 

 

Tiếp chuyện chúng tôi ngay tại cửa rừng là Lường Văn Chuyên và Lường Văn Oai, trú tại xã Sảng Mộc, hai đối tượng chuyên lên rừng chặt gỗ lậu. Chuyên và Oai còn rất trẻ, khoảng chừng 25, 26 tuổi, nhưng đã có “thâm niên” vác cưa lên rừng và vận chuyển gỗ thuê cho “đầu nậu”. Lường Văn Chuyên kể: Có hôm đang chuyển gỗ thì gặp lực lượng Kiểm lâm chặn phía trước. Đi cũng dở mà bỏ xe và gỗ lại cũng không đành, nên em quyết định quay xe chạy. Lực lượng Kiểm lâm phát hiện đuổi theo, em liền dừng lại và đẩy cả xe và gỗ xuống vực rồi chạy bộ vào rừng trốn. Khi Kiểm lâm đi rồi em mới gọi mấy thằng bạn ra vác gỗ lên. Xe hỏng thì được “đầu nậu” hỗ trợ một nửa để mua mới hoặc sửa lại. Lường Văn Oai cũng khoe “thành tích”: Hoạt động của lực lượng Kiểm lâm bọn em theo dõi và “nắm” được hết nên khi mình chạy ít bị bắt lắm. Làm gì cũng phải “có hội, có thuyền” mới thành công được. Bọn em chạy gỗ cũng phải có nhóm hỗ trợ nhau, nếu làm một mình thì rất dễ bị tóm...

 

Anh Phạm Ngọc Long, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường: Lực lượng chức năng ở chỗ “sáng” trong khi các đối tượng phá rừng lại nấp trong “bóng tối” nên công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng phá rừng gặp rất nhiều khó khăn. Xe Kiểm lâm đi tuần thường bị đánh chông xịt lốp giữa rừng, nhiều khi phải gọi anh em vào kéo mới ra được…



(Còn nữa)