Kinh tế thế giới: Những mảng mầu đan xen

07:50, 29/11/2012

Những số liệu thống kê và dự báo gần đây cho thấy, bức tranh kinh tế toàn cầu đã sáng hơn chút ít khi thị trường việc làm Mỹ được cải thiện; kinh tế Anh đã vượt qua suy thoái và kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm. Tuy nhiên, các yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế vẫn lớn, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công vẫn nghiêm trọng ở châu Âu và có nguy cơ lan rộng.  

Thực tế nêu trên khiến kinh tế toàn cầu đang ở thế giằng co, giống như bức tranh đan xen các mảng mầu sáng - tối. Trong báo cáo mới nhất về "Triển vọng kinh tế thế giới", Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nhìn chung tình hình kinh tế toàn cầu khá ảm đạm khi tăng trưởng trong năm nay của gần như tất cả các nền kinh tế đều giảm. So với báo cáo hồi tháng 7, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,5% xuống 3,3% trong năm 2012, và từ 3,9% xuống 3,6% năm 2013.

 

Ðối mặt các nguy cơ suy thoái mới

 

Việc IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới là do lo ngại "cơn bão nợ công" vẫn đang ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu. Số liệu thống kê chính thức Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố cho thấy, mức nợ công của nhiều nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp tục vượt xa mức trần cho phép, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công đã "hút sạch" ngân khố các quốc gia thuộc Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) và đang lan rộng sang các khu vực khác. Theo Eurostat, trong quý II vừa qua, tổng số nợ công tại 17 nước thành viên Eurozone đã tăng lên 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức hơn 88% trong ba tháng đầu năm 2012. Ðứng đầu danh sách những quốc gia mắc nợ nhiều nhất là Hy Lạp với "núi nợ" lên tới hơn 150% GDP. Các vị trí tiếp theo thuộc về I-ta-li-a (126,1%), Bồ Ðào Nha (117,5%)... Trong khi đó, mức nợ công mà toàn bộ 27 nước thành viên EU đang gánh chịu cũng đã tăng từ 83,5% GDP lên 84,9%.

 

Ðáng lo ngại hơn là "bão nợ" đang có nguy cơ lan rộng sang các khu vực khác trên thế giới. Báo "Bưu điện quốc gia" của Ca-na-đa vừa cảnh báo, nước này nhiều nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công như ở châu Âu. Trong khi đó, LHQ cũng báo động về tình trạng nợ công chồng chất tại các nước đang phát triển. Chủ tịch Ðại hội đồng LHQ khóa 67 V.Giê-rê-mích đã bày tỏ quan ngại về khả năng quản lý nợ của các nước nghèo, đặc biệt khi nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái. Ông cảnh báo, các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng của các nước đã sử dụng phần lớn các khoản dự trữ được tạo ra trong thập kỷ trước suy thoái.

 

Việc khủng hoảng nợ công lan rộng, kinh tế tiếp tục suy thoái tại châu Âu đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á phụ thuộc xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm trong nhiều quý liên tiếp. Kinh tế Nhật Bản cũng trong tình trạng tương tự. Tháng 9 vừa qua là tháng thứ ba liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm. Khối lượng thương mại toàn cầu năm 2012 dự kiến chỉ tăng 2,5%, giảm mạnh so với mức 5% của năm 2011 và 14% của năm 2010.

 

Trong khi đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy thế giới có nguy cơ bước vào một giai đoạn bất ổn tài chính mới. Giới phân tích nhận định, việc các ngân hàng trung ương tiếp tục bơm tiền vào các thị trường tài chính nhằm vực dậy nền kinh tế, sẽ khó giúp cải thiện tình hình. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh M.Kinh cảnh báo rằng, việc tăng nguồn cung tiền đang ngày càng giảm ảnh hưởng đối với nền kinh tế thực. Các ngân hàng trung ương hiện nay đã can dự sâu vào các thị trường tài chính và có thể thua lỗ lớn nếu thị trường sụp đổ.

 

Những điểm sáng hy vọng

 

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế toàn cầu không chỉ toàn mầu xám. Hy vọng về một cuộc "hồi sinh", kéo kinh tế thoát khỏi khủng hoảng đang được nhen nhóm ở một số nền kinh tế lớn. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ,  trong tháng 10, các doanh nghiệp Mỹ tạo ra  171.000 việc làm mới, cao hơn nhiều so với mức dự kiến 125.000 việc làm của các chuyên gia. Tính bình quân trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10, mỗi tháng thị trường lao động được bổ sung 170.000 việc làm, so với con số 104.000 việc làm trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7. Tín hiệu tích cực còn đến từ các lĩnh vực kinh tế khác của Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết số lượng đơn đặt hàng mua các sản phẩm không thuộc lĩnh vực quốc phòng, không kể máy bay, trong tháng 9 tăng 0,2% so với tháng trước đó. Năng suất lao động của công nhân Mỹ cũng tăng 1,9%. Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 10 đã đạt 72,2 điểm so với 68,4 điểm trong tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 2-2008.

 

Những điểm sáng tích cực cũng đã xuất hiện ở các nền kinh tế lớn khác là Anh và Trung Quốc. Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR) vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2012 từ mức âm 0,5% trước đó xuống còn âm 0,1%, sau khi nền kinh tế "xứ sở sương mù" đạt mức tăng trưởng cao hơn mong đợi 1% trong

 

quý III vừa qua. Theo NIESR, nền kinh tế Anh đã chính thức vượt qua "suy thoái kép" khi GDP của nước này tăng 1% trong quý III-2012, cao hơn so với dự báo của các nhà phân tích và đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo từng quý mạnh nhất của nước này trong vòng năm năm qua.

 

Trong khi đó, Tuần báo "Thị trường chứng khoán" (Trung Quốc) công bố một cuộc khảo sát thực hiện với các thể chế tài chính trong nước và quốc tế về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay. Theo đó, trong quý còn lại của năm, mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt khoảng 7,7%. Các chuyên gia cũng dự báo mức tăng trưởng cao trong quý

 

IV-2012 ở các lĩnh vực đầu tư tài sản cố định, doanh số bán lẻ và xuất khẩu, ba động lực chính của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

 

Dù kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều điểm sáng, song tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương vừa diễn ra ở Mê-hi-cô, các quan chức G-20 vẫn lo ngại kinh tế toàn cầu phục hồi chưa vững chắc. Các biện pháp kích thích kinh tế được Ngân hàng Nhật Bản, Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện gần đây vẫn chưa đủ để loại bỏ hoàn toàn những nguy cơ suy thoái kinh tế. Bởi vậy, để kinh tế thế giới thật sự bước ra khỏi khủng hoảng, các chính phủ, các định chế tài chính vẫn cần phải nỗ lực và hành động nhiều hơn nữa.