Một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đang “móc túi’ người dân

11:27, 27/11/2012

Gần đây, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi (TACN) trên thị trường đã bị cơ sở sản xuất “rút ruột” các chất dinh dưỡng. Điều này đồng nghĩa với việc người chăn nuôi đang bị “móc túi” mà không hay biết.

Thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng

 

Trong đợt kiểm tra hồi tháng 9/2012, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 11 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TACN trên địa bàn thì có tới 4 doanh nghiệp phải nộp phạt với số tiền gần 80 triệu đồng. Trong bảng tính toán phân tích 13 mẫu TACN do Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gửi Viện Khoa học sự sống (xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên) thực hiện cho thấy, nhiều thành phần trong TACN thiếu hoặc vượt chỉ tiêu công bố của chất lượng theo Nghị định số 08/2011/NĐ-CP ngày 25/1/2011 của Chính phủ. Cụ thể, trong số 13 mẫu kiểm tra thì có 3 mẫu thiếu thành phần protein (min) từ 15%-20%; 9 mẫu thừa thành phần muối từ 13%- 155%; 6 mẫu thiếu hoặc vượt thành phần canxi từ 18%-45%; tỷ lệ chất sơ, phốt pho cũng có nhiều mẫu không đạt hoặc vượt chỉ tiêu công bố…

 

Một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bị Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Công ty cổ phần Nam Việt, trụ sở ở khối phố 2, phường Phố Cò, T.X Sông Công. Trong TACN hỗn hợp dành cho vịt, ngan, gà đẻ trứng, bò sữa cao sản… của Công ty này có hàm lượng muối vượt từ 13%-45% trong khi hàm lượng can xi lại thiếu từ 25%-49%. Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn An, Phó Tổng giám đốc Công ty phân bua: “Trong TACN thì đạm là yếu tố quan trọng không thể thiếu, quyết định sự tăng trưởng của vật nuôi, còn một số chất (như muối, xơ thô…) nếu thiếu hoặc thừa một chút cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy việc xử phạt đó không sai, nên đã thu hồi và tái chế toàn bộ lô TACN vi phạm”.

 

Công ty TNHH Ngôi sao hy vọng, có địa chỉ ở xóm Đầu Cầu, xã Đồng Tiến (Phổ Yên) cũng là một trong những doanh nghiệp bị xử phạt do TACN không đảm bảo chất lượng so với chỉ tiêu công bố. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Sĩ Nam, Phó Giám đốc Công ty nói: “Do nhiệt độ thay đổi thất thường, nên khi bảo quản, lưu kho, lượng đạm trong TACN sẽ bị tiêu hao tự nhiên. Hàm lượng muối không cho vào chất lượng của TACN nên việc thiếu hoặc thừa cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Tuy nhiên, việc xử phạt của Đoàn kiểm tra liên ngành cũng thêm một lần nhắc nhở Công ty về chất lượng, chúng tôi đã khắc phục ngay việc này bằng cách xử lý toàn bộ sản phẩm lưu kho không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm để đảm bảo người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm theo đúng cam kết của nhà sản xuất…

 

Người chăn nuôi chịu thiệt

 

Với hàng loạt cơ sở sản xuất TACN có các thành phần dinh dưỡng không đạt các chỉ số như đăng ký trên nhãn mác, bao bì thì người chăn nuôi sẽ phải chịu thiệt, trong khi chưa kể từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 10-12%. Do vậy, nếu người chăn nuôi còn mua phải thức ăn kém chất lượng thì chi phí sẽ bị đội lên. Có khi các cơ sở sản xuất TACN không tăng giá nhưng họ “ăn bớt” các chất dinh dưỡng như đạm, tạo mỡ… thì cũng đồng nghĩa với việc “đánh lừa” người chăn nuôi, nhất là trong thời buổi giá cả nguyên vật liệu tăng cao như hiện nay. Như vậy, đối tượng chịu thiệt thòi nhất do TACN bị "rút ruột" chính là người chăn nuôi.

 

Bà Lê Thị Thanh Tân, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT): TACN không đảm bảo chất lượng thì người chăn nuôi bị thiệt. Người chăn nuôi nên chọn lựa những thương hiệu TACN có uy tín trên thị trường để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

 

 

Theo các chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Hùng Sơn (Đại Từ), các hộ chăn nuôi chỉ biết thử thức ăn bằng hệ số FCR (tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, tức là hao tổn thức ăn/1kg thịt). Tuy nhiên, chỉ số FCR ở Việt Nam là con số ước tính chứ chưa chính xác. Hơn nữa chỉ số FCR phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như con giống, tỷ lệ máu lai, quy mô, mật độ nuôi, kỹ thuật… Chị Vũ Thị Bình, xóm Bắc Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) có trang trại chăn nuôi gà lông trắng cho biết: Gia đình tôi chăn gà hơn chục năm nay, mỗi lứa khoảng 20 nghìn con. Tôi sử dụng cám De Heus (Hà Lan) và thấy phù hợp với giống gà này. Đại lý cung cấp TACN cũng cam kết nếu có vấn đề về chất lượng, Công ty sẽ bồi thường cho người tiêu dùng. Có rất nhiều cơ sở sản xuất TACN đến tiếp thị sử dụng cám nội địa nhưng quả thật chúng tôi chưa dám dùng vì nếu có vấn đề về chất lượng thì nhà nông chúng tôi “sạt nghiệp”…

 

Bà Đỗ Thị Thúy, xóm 4, xã Hùng Sơn (Đại Từ): Tôi đã quen sử dụng TACN của các hãng: CP, Gren Feed (Việt Nam liên doanh với Thái Lan). Tôi nghĩ, chúng ta nên học cách sản xuất và giữ uy tín về chất lượng của các sơ sở sản xuất TACN nước ngoài. Chỉ có chất lượng đảm bảo, người tiêu dùng mới “chung thủy” với sản phẩm.

 

 

 

 

 

 

Nói về ảnh hưởng của TACN không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, bà Lê Thị Thanh Tân, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) ví dụ: Hàm lượng protein là 17% nhưng thực tế chỉ có 15-16% thì mỗi kg thức ăn chăn nuôi, người mua bị thiệt 200-300 đồng. Với các trang trại nuôi lớn, tiêu thụ hàng tấn thức ăn mỗi ngày thì số tiền thiệt hại lên tới cả triệu đồng. Còn với phốt pho và can xi trong thức ăn có thể ví như “một cặp bài trùng”, bởi việc hấp thụ thức ăn của gia súc, gia cầm đối với hai chất trên có sự bổ trợ. Nếu một trong hai chất không đảm bảo tỷ lệ sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất còn lại. Sử dụng TACN thiếu can xi trong thời gian dài sẽ khiến vật vật bị bại chân, gia cầm sinh sản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trứng… Lượng muối thừa quá nhiều trong TACN sẽ làm cho gia cầm sử dụng loại thức ăn này bị tiêu chảy, chậm lớn, sinh sản kém.

 

Một nguyên nhân nữa khiến cho tình trạng TACN không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng là hệ thống quản lý TACN ở địa phương chưa thực sự đồng bộ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý TACN cũng chưa đầy đủ. Chẳng hạn, chúng ta chưa có văn bản quy định rõ ràng danh mục các chất kháng sinh được phép sử dụng làm thức ăn bổ sung trong TACN. Các quy chuẩn kỹ thuật mới chỉ đề cập tới hàm lượng tối đa cho phép của một số loại kháng sinh sử dụng trong TACN. Do đó, để đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng mặt hàng này, trong thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với TACN. Đồng thời, cần phải công khai các tổ chức, cá nhân, cơ sở liên quan đến sản xuất, kinh doanh TACN cả tốt lẫn chưa tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn.