Nhìn từ việc đấu giá quyền sử dụng đất

09:13, 30/11/2012

Thu tiền cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) là khoản thu thông qua công tác đấu giá  QSDĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của giới chuyên môn, thị trường bất động sản từ năm 2011 đến nay hết sức “trầm lắng” không chỉ đối với tỉnh mà là tình trạng chung của cả nước. Ngay cả Thủ đô Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, là nơi vốn rất sôi động về thị trường nhà, đất đến nay cũng xuống giá chỉ còn 60%, tần xuất giao dịch giảm tới 60%.

Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư Pháp) đã thực hiện nghiêm túc các quy định đấu giá, phối hợp tích cực với UBND các huyện, thị, thành, các cơ quan liên quan, trong đó coi trọng công tác quảng cáo, thông tin tuyên truyền để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất đủ điều kiện; thu nộp kịp thời số tiền trúng đấu giá QSDĐ vào ngân sách Nhà nước. Các phiên đấu giá thực hiện công khai, minh bạch, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia. Việc xây dựng giá khởi điểm về cơ bản đã bám sát bảng giá, khung giá đất và giá trị thực tế của lô đất, thửa đất nên định giá đất cơ bản sát giá thị trường, người mua chấp nhận được…

 

Vì vậy, tính đến ngày 30/10, đã có một số đơn vị, địa phương thực hiện đấu giá đạt kết quả cao như: Phú Lương, Phú Bình, Võ Nhai (đạt 100%); Trung tâm Phát triển Quỹ nhà đất và Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh, Công ty cấp thoát nước (trên 90%); T.P Thái Nguyên (đạt trên 60%). Đây là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất của tỉnh (dự toán năm 2012 tỉnh giao là 700 tỷ đồng). Tính đến ngày 27/11, toàn tỉnh đã thực hiện được 574,2 tỷ tỷ đồng, bằng 115% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 82% dự toán tỉnh giao, bằng 110% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, kết quả trên là đáng ghi nhận (được biết, so với Hà Nội đến thời điểm này, thu ngân sách với khoản thu cấp QSDĐ mới đạt 1/5 so với dự toán). Anh Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ nhà đất và Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh cho biết: “Từ khi thành lập (năm 2008) đến nay, Trung tâm đã và đang thực hiện 8 dự án khu dân cư nhằm tạo quỹ đất để đấu giá QSDĐ (trong đó có 1 dự án đô thị mới ở thị xã Sông Công với diện tích 150ha đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đến năm 2013 sẽ tổ chức đấu giá). Do các thủ tục hành chính, công tác đấu giá được thực hiện công khai, minh bạch; xác định giá bám sát với giá thành (giữa giá đấu với giá sàn chênh lệch bình quân chỉ 300 đến 400 nghìn đồng/m2); tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật được Trung tâm thực hiện theo đúng quy hoạch, đúng thời gian; sau khi trúng thầu người dân được làm thủ tục và bàn giao mặt bằng nhanh (chỉ 1 tháng), nên đã thu hút khá đông người dân tham gia. Tại các phiên đấu giá vẫn khả quan, ngay cả thời điểm này, các khu dân cư đưa ra đấu giá hầu hết đã được lấp đầy. Thông qua đấu giá đất, Trung tâm còn góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã thu ngân sách qua đấu giá trên 360 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, Trung tâm đã đưa ra đấu ra được 177 ô đất với số tiền đấu giá thành công 111 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 12 tới, Trung tâm sẽ đưa ra đấu giá một số ô đất ở  khu dân cư Tân Thịnh giai đoạn 2.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc đấu giá QSDĐ thì vẫn còn địa phương đạt kết quả đấu giá đất giá rất thấp như: Sông Công, đưa ra đấu giá 232 ô đất nhưng cũng chỉ bán được 13 ô (đạt 5,6%); Phổ Yên đấu giá 96 ô nhưng không bán được ô đất nào. Theo chị Nguyễn Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản cho biết: So với các địa phương khác, ở thị xã Sông Công được tuyên truyền rất nhiều, cán bộ còn tiếp cận đến tận cơ quan, đơn vị, người dân nhưng người dân vẫn không mặn mà mặc dù họ có nhu cầu. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, nguyên nhân ở hai địa phương trên đạt kết quả đấu giá thấp một phần là do: Số lượng người tham gia mua đất năm nay chủ yếu vào mục đích sử dụng làm nhà ở là nhiều, song do tình hình tài chính khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng nên nhiều người còn đắn đo, “nghe ngóng” xem có thay đổi về giá cả theo chiều hướng hạ; một phần cũng do việc xác định giá một số ô đất còn cao. Ví dụ, ở thị xã Sông Công, tại một số ô đất như: khu dân cư tổ dân phố số 8, phường Mỏ Chè, từ đầu năm đến nay đã 4 lần đấu giá không thành và có thông báo xét giao nhưng vẫn không có người tham gia do giá cao (giá lần 1 là 4 triệu đồng; đã điều chỉnh giá lần 2 còn 3,5 triệu đồng và đã đề nghị giảm tiếp 30%; hoặc quy hoạch chi tiết khu dân cư đường Thống Nhất, phường Cải Đan đã 2 lần đấu giá không thành và có thông báo xét giao nhưng vẫn không có người tham gia, đã đề nghị giảm giá 20%. Ở Phổ Yên các ô đất đang đề nghị giảm giá xuống 15% so với giá lần đầu. Ngoài ra, một số dự án khu dân cư chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố kém hấp dẫn người mua.

 

Chị Nguyễn Thị Quyên cho biết thêm: Hiện một số đơn vị, địa phương đã ký hợp đồng với Trung tâm dự kiến tổ chức đấu giá 183 ô đất vào đầu tháng 12, trong đó: Phổ Yên 96 ô giá trị khoảng 37 tỷ đồng; Sông Công 47 ô, giá trị khoảng 20,4 tỷ đồng;  Đại Từ 10 ô, giá trị khoảng 1,4 tỷ đồng, Trung tâm Phát triển Quỹ nhà đất và Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh 30 ô, giá trị khoảng 28 tỷ đồng. Với tình hình nêu trên, dự kiến chỉ bán được khoảng 50% số ô đất trên.

 

Theo ý kiến của giới chuyên môn, trên thực tế, nhu cầu và sức mua của người dân còn rất lớn. Để thu hút được người mua thì các khu dân cư phải đảm bảo các yếu tố: vị trí lô đất thuận tiện, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đúng quy hoạch, giá đất phù hợp; các thủ tục phải được thực hiện nhanh gọn. Chỉ cần thiếu đi một vài yếu tố trên có thể dẫn đến ô đất đấu giá không thành hoặc kết quả không cao. Đây là vấn đề các địa phương, đơn vị, chủ dự án có đất đấu gia cần lưu tâm để thực hiện đấu giá đất thành công và đảm bảo dự toán thu ngân sách cho tỉnh đối với khoản thu này.