Phát huy truyền thống, duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển

08:49, 28/11/2012

Sau gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh, luôn xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành Công nghiệp Luyện kim Việt Nam.

Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, tiền thân của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên ngày nay (TISCO), được thành lập ngày 4/06/1959, là một trong những công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Hội nghị thứ XIV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 1-1958). Đây là khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt, than mỡ, luyện cốc, thiêu kết, luyện gang, luyện thép và cán thép.

 

Theo tiếng gọi của Đảng, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội và nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc đã hội tụ về đây, cùng nhau hăng say lao động, không ngại khó khăn, gian khổ, san đồi, bạt núi, bốc xúc hàng triệu m3 đất đá, đổ hàng vạn tấn bê tông, xây dựng nên những nhà máy, phân xưởng, mỏ với diện tích rộng gần 160ha. Sau hơn 4 năm nỗ lực xây dựng, ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên ra lò trong tiếng còi báo tin vui, đã đánh dấu mốc son quan trọng, mở ra một hướng phát triển mới của ngành Công nghiệp Luyện kim. Để ghi lại mốc son lịch sử đó, tháng 11/1966, Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty quyết định lấy ngày 29/11/1963 là Ngày truyền thống công nhân Gang thép.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã trải qua những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh để bảo vệ Nhà máy, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Đây là thời kỳ thử thách ác liệt nhất của Công ty. Với tinh thần “bám máy, bám lò, coi vị trí sản xuất là vị trí chiến đấu”, tinh thần “sẵn sàng đổi máu lấy thép” cán bộ công nhân Công ty đã dũng cảm chiến đấu ngoan cường đánh trả máy bay giặc Mỹ, bám trụ sản xuất dưới mưa bom bão đạn để dòng gang, dòng thép vẫn rực rỡ ra lò. Trong giai đoạn 1975-1999, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết  Đại hội VI của Đảng, cán bộ, CNVC và người lao động của Công ty cũng đổi mới tư duy, chuyển mình cùng đất nước. Công ty đã nhanh chóng tiếp cận, vận dụng sáng tạo cơ chế quản lý mới, không ngừng nâng cao trình độ trên mọi mặt, tích cực đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, đa dạng hoá sản xuất, sản phẩm như: chuyển đổi lò điện luyện thép 30tấn/mẻ thay thế lò bằng, cải tạo dây chuyền cán 650, sửa chữa cải tạo 45 buồng cốc... 

 

Từ năm 1999-2003 được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã tập trung đổi mới công tác quản lý, điều hành sản xuất, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, triển khai thực hiện Dự án cải tạo kỹ thuật sản xuất giai đoạn I với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên và sử dụng tới 50-60% gang lỏng vào luyện thép…Kết quả của công tác đầu tư và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giúp các sản phẩm thép của Công ty với thương hiệu TISCO ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao liên tục trong nhiều năm liền. Sản phẩm thép TISCO không những đến với các công trình trọng điểm của trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước EU, Nhật Bản, Canada, Mỹ các nước Đông Nam Á… 

 

Trong những năm gần đây, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, chính sách thắt chặt tài chính, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, đặc biệt là thị trường bất động sản tụt dốc khiến cho việc sản xuất kinh doanh của Công ty gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm, quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu hao, giá và chất lượng vật tư, nguyên liệu đầu vào…nên Công ty vẫn duy trì sản xuất kinh doanh ổn định và có sự tăng trưởng. Cụ thể, năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2,281 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2010; tổng doanh thu đạt trên 9.250 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 567 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2010; bảo đảm việc làm ổn định cho 6.080 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/tháng. Kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2012: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.719 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 7.028 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 303 tỷ đồng; bảo đảm việc làm ổn định cho gần 6.000 lao động với mức thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh việc đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh , Công ty còn quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, cải tạo môi trường, cảnh quan văn minh sạch đẹp, xây dựng môi trường thân thiện, đẩy mạnh hoạt động văn hoá thể thao trong cán bộ, CNVC và người lao động. Quan tâm đến các hoạt động xã hội từ thiện, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... chỉ tính riêng 5 năm gần đây, Công ty đã ủng hộ trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trường học, trạm y tế, nhà trẻ...và ủng hộ các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Nạn nhân chất độc da cam, Xóa đói giảm nghèo và quỹ Khuyến học…

 

Sau gần 50 năm xây dựng và phát triển, với những thành tích đặc biệt đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đất nước, Công ty và các tổ chức đoàn thể, các cá nhân, đơn vị thành viên trong Công ty đã được Đảng và Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Thái Nguyên phong tặng nhiều danh hiệu, huân, huy chương, cờ thi đua và bằng khen các loại: Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3 Huân chương Độc lập (nhất, nhì, ba); gần 100 Huân chương Lao động (nhất, nhì, ba); Huân chương Chiến công, Huân chương bảo vệ Tổ quốc....

 

Với mục tiêu nâng duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, đảm bảo quyền lợi của của các cổ đông…trong thời gian tới, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tiếp tục đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng: Tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II; tiếp tục tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, phát huy tối đa lợi thế công nghệ truyền thống, chỉ đạo quyết liệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, góp phần bình ổn giá thép trên thị trường và tạo đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.