Cách đây không lâu, tôi có dịp theo đoàn công tác đi qua làng rèn Phúc Sen, (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng). Tuy chỉ thoáng chốc nhưng tiếng đe, tiếng búa vang rộn từ đầu làng đến cuối làng thôi thúc tôi muốn tìm hiểu về làng nghề này. Thật may mắn, tại Tuần lễ văn hóa “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam” (tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong tháng 10 vừa qua), tôi được gặp lại những “nghệ nhân rèn sắt” đến từ làng nghề tôi đã đi qua.
Có chứng kiến các nghệ nhân lao động mới thấy được sự công phu, khéo léo của họ. Những thanh sắt to bản, đen đúa cho vào lò than đỏ rực trở nên mềm dẻo được cắt gọt theo hình thù đã định. Trong khi một người kẹp chặt khối sắt hồng trên đe thì 2, 3 người khác nện búa xuống liên tiếp. Cứ thế, tiếng keng, chát ròn rã, việc tôi, rèn được lặp đi lặp lại cho đến khi thanh sắt biến thành con dao, lưỡi cuốc cùng những giọt mồ hôi lăn trên má, thấm ướt thân áo.
Với giọng đặc trưng của người dân tộc miền núi Cao Bằng, anh Nông Hùng Quốc, người của “tổ rèn” cho biết: Nhóm chúng tôi gồm 7 người đều ở thôn Phja Chang, một trong 6 thôn có truyền thống làm nghề rèn của làng Phúc Sen. Thôn tôi, gần như nhà nào cũng có lò rèn. Tôi cũng chẳng biết nghề rèn có từ bao giờ, theo lời kể của những người già thì nó đã có cách đây đến cả nghìn năm. Đối với tôi, khi sinh ra đã nghe tiếng sắt nện sắt vang ra từ lò rèn của gia đình. Đến năm tôi học lớp 6, khi cầm chắc được cán búa thì cũng bắt đầu theo cha ông học nghề. Nay cũng đã gần 20 năm gắn bó với đe, búa và sắt.
Người Nùng An là một nhóm người thuộc dân tộc Nùng, chủ yếu cư trú ở huyện Quảng Uyên có nhiều nghề thủ công đặc trưng như: trồng bông kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, mộc, đan lát, làm giấy, làm hương, làm ngói, đục đẽo đá… Trong đó, nổi bật nhất có lẽ là nghề rèn. Phúc Sen có 10 thôn thì có đến 6 thôn làm nghề rèn với khoảng 160 lò rèn. Mỗi lò rèn có từ 2 đến 3 thợ lành nghề. Đây là nghề truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác. Sản phẩm của họ chủ yếu là những dụng cụ cầm tay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như con dao, cái cuốc, lưỡi cày… Đối với nhóm thợ rèn này thì đây là lần đầu tiên họ có mặt ở Thái Nguyên. Họ được Ban tổ chức triển lãm lên tận Cao Bằng mời về dự để trình diễn nghề rèn và quảng bá sản phẩm.
Ông Nông Minh Nhật, người lớn tuổi nhất (sinh năm 1943) trong nhóm có mặt tại triển lãm lần này cho biết: Học nghề rèn thường phải mất 3 năm. Kỹ thuật rèn thủ công ở Phúc Sen không có công thức mà chỉ cảm nhận bằng sự tinh tế của tai, mắt và đôi tay. Người thợ có thể xác định được độ chín của từng sản phẩm trong lò than để kịp đem nhúng vào chậu nước để tôi. Có như vậy, những con dao, cái kéo, chiếc rìu… mới đạt độ cứng, dẻo cần thiết phù hợp với công dụng của nó, đạt chất lượng hoàn hảo. Dao của chúng tôi tuy không sáng loáng như các loại dao Trung Quốc, dao Thái nhưng rất sắc và dùng bền, không sứt mẻ, khi cùn chỉ cần mài bằng đá suối. Chính vì vậy mà từ lâu, sản phẩm rèn của chúng tôi đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nên làm ra bao nhiều bán hết đến đó.
Thợ rèn Phúc Sen thường lấy nhíp ô tô là nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm của mình. Than đốt lò phải là than củi. Theo anh Quốc thì trung bình mỗi ngày mỗi lò làm được trên chục sản phẩm. Nghề này cũng cho thu nhập khá nhưng người Phúc Sen vẫn coi trọng sản xuất nông nghiệp. Anh Quốc tiết lộ: trong gần 1 tuần vừa làm vừa bán tại Thái Nguyên, chúng tôi đã bán được gần 200 con dao các loại. Mỗi con có giá từ 100 đến 150 nghìn đồng. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hộ gia đình ở Phúc Sen đã đầu tư những phương tiện sản xuất như máy cắt, máy mài, quạt gió chạy điện để làm ra được nhiều sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp hơn.
Chị Phương (Đồng Hỷ) vừa chọn mua dao vừa phấn khởi nói: Nghe mọi người kháo nhau là dao của Phúc Sen tốt lắm, đã mấy lần tôi nhờ người tìm mua nhưng không được. Lần này, tôi không chỉ mua được những con dao ưng ý mà còn được tận mắt chứng kiến họ làm tại đây, thật là may mắn.
Còn anh Quốc thì tự hào: “Từ việc làm ra các công cụ lao động để phục vụ cho nhu cầu của gia đình đình mà dần dần, sản phẩm từ nghề rèn chúng tôi nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Những năm trở lại đây, làng rèn Phúc Sen còn được coi như một địa điểm hấp dẫn khách du lịch khi đến với Cao Bằng. Đó cũng chính là lý do những người thợ rèn có ý thức giữ nghề, giữ uy tín và lửa lò rèn được truyền tiếp từ đời này sang đời khác không bao giờ tắt”.