Sản lượng tôm nuôi nước lợ có khả năng không đạt kế hoạch

17:05, 13/11/2012

Theo Tổng cục Thủy sản, mức độ thiệt hại do dịch bệnh trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng năm nay khá lớn nên có khả năng sản lượng tôm thu hoạch năm 2012 không đạt được chỉ tiêu kế hoạch 450.000 tấn.

Đến hết tháng 10/2012, diện tích thả giống tôm cả nước là 657.114 ha (bằng 101,2% so với cùng kỳ năm 2011), trong đó diện tích bị thiệt hại là 78.796 ha (bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2011). Sản lượng tôm thu hoạch cả nước chỉ đạt 286.242 tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái nên khả năng sẽ không đạt kế hoạch năm 2012.

 

Tổng cục Thủy sản cho biết, từ đầu năm đến nay, hiện tượng tôm chết sau khi thả 15-40 ngày biểu hiện gan tụy bị teo lan trên diện rộng, tập trung ở đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung.

 

Trước tình trạng này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trong việc tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Bộ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tôm với sự tham gia của Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1,2,3 và Trường Đại học Cần Thơ thực hiện các biện pháp khoa học, phân tích mẫu bệnh, môi trường tìm tác nhân vô sinh, hữu sinh nhưng đến nay chưa xác định rõ tác nhân.

 

Hiện nay dịch bệnh này được gọi là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính. Theo các nhà nghiên cứu cho biết, hiện tượng này cũng đã xảy ra tại một số nước trên thế giới trong những năm gần đây và gọi là Hội chứng chết sớm ở tôm nuôi. Đây là vấn đề hết sức phức tạp thế giới cũng chưa xác định được tác nhân gây chết nên chưa có biện pháp khắc phục tốt nhất.

 

Tại Việt Nam, Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính bắt đầu xảy ra ở Thừa Thiên Huế năm 2010 gây thiệt hại cho khoảng 900 ha; năm 2011 xảy ra ở Sóc Trăng và một vài đại phương, riêng Sóc Trăng bị thiệt hại khoảng 25.000 ha; năm 2012 lan rộng ra nhiều địa phương gây thiệt hại trên 30.000 ha. Những vùng bị thiệt hại sau khi xử lý ao nuôi thả lại giống vẫn tiếp tục bị thiệt hại làm mất mùa cả năm.

 

Nhiều đánh giá cho rằng nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do con giống kém chất lượng và nhiễm bệnh. Song thực tế tại cùng bị thiệt hại không kể mua con giống có uy tín, giá cao hay cơ sở bán trôi nổi giá rẻ thì tôm nuôi đều bị thiệt hại. Kinh nghiệm của các nước là cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào. Khi phát hiện ra khu vực nào xảy ra hiện tượng tôm bị hoại tử gan tụy thì phải khẩn trương khoanh vùng, xử lý hóa chất tiêu diệt để không cho phát tán ra ngoài đã có hiệu quả rõ rệt.