Trụ vững nhờ "dám làm"

15:28, 22/11/2012

Để trụ vững trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay là điều không đơn giản đối với bất cứ cá nhân hay tập thể làm kinh tế nào nhưng anh Trần Kiên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi Chồn nhung đen ở xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng (Phú Lương) đã tự tin vượt qua sóng gió nhờ đầu tư đúng hướng: chăn nuôi Chồn nhung đen.

Từ một mô hình chăn nuôi cá thể, anh đã mở rộng quy mô theo mô hình hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động với mức thu nhập ổn định trên 2 triệu đồng/người/tháng. Ban đầu chỉ có số vốn trên 200 triệu đồng, nay tổng giá trị đầu tư của Hợp tác xã đã tăng lên gần 10 lần. Hợp tác xã do anh Trần Kiên làm Chủ nhiệm trở thành hợp tác xã đầu tiên của tỉnh (tính đến thời điểm này) chăn nuôi Chồn nhung đen.

 

Bao đời nay, người dân ở quê anh chỉ quen sống dựa vào cây lúa và cây chè, nói đến chăn nuôi thì cũng chỉ con lợn, con gà… theo kiểu tự cung tự cấp, chứ con Chồn nhung đen thì nghe nói đã thấy "lạ", chẳng ai dám "liều" mà bỏ ra vài triệu đồng để mua giống về nuôi, chứ nói gì tới vài trăm triệu đồng để phát triển thành quy mô trang trại, rồi hợp tác xã, nhưng anh Trần Kiên dám làm điều đó. Anh bảo: Mình còn trẻ phải dám nghĩ, dám làm, nếu thất bại thì cũng có được bài học để rút kinh nghiệm làm tốt hơn những việc khác, nếu thành công sẽ làm gương cho bà con cùng làm theo để nhanh thoát nghèo.

 

Chồn nhung đen là loại động vật ăn cỏ, thịt thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành thuốc tẩm bổ cho sức khỏe. Thịt chồn có rất nhiều công dụng như tráng dương, làm đẹp da, tăng trí thông minh, lưu thông khí huyết… nhưng lại rất dễ nuôi. Nuôi chồn có thể tận dụng được cơ bản các phế phẩm của các loại cây nông nghiệp như rơm, rạ, thân lá cây ngô, lạc, lá chuối, các loại cỏ dại mọc quanh vườn nhà… Tôi tin mình sẽ thành công vì khi tìm hiểu qua sách, báo, trên mạng Internet, thấy có nhiều người đã thành công từ mô hình này.

 

Ban đầu, với số vốn dành dụm được cùng với tiền vay ngân hàng được hơn 200 triệu đồng, anh Kiên đã đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi gần 300 đôi chồn nhung đen, cùng với đó, anh tranh thủ các mối quan hệ quen biết trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá về con chồn, dần dần anh đã có được những bạn hàng đến từ các tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Đắc Lắc… Số chồn giống sinh sản thường không đủ cung cấp giống ra thị trường, nhưng anh luôn ưu tiên cho những hộ nghèo ở quê hương mua trước. Nếu ai không có đủ vốn, anh sẵn sàng bán chịu.

 

Nhờ làm ăn có uy tín, trách nhiệm, trang trại chăn nuôi Chồn nhung đen của gia đình anh Kiên ngày càng phát triển, anh quyết định thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Chồn nhung đen để có điều kiện quy hợp người có cùng sở thích chăn nuôi con vật này, đồng lòng, hợp sức cùng làm ăn phát triển, giúp các xã viên vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Nguyễn Khả Trung, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Lương nhận xét: Anh Kiên là người năng động, dám nghĩ, dám làm. Anh là người đầu tiên đưa con Chồn nhung đen về nuôi trên địa bàn huyện Phú Lương cách đây 3 năm, nay toàn huyện đã có hàng trăm hộ nuôi con vật này.

 

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Kiên còn tham gia tích cực các phong trào ở địa phương cũng như nhiệt tình giúp đỡ người dân cùng phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, anh đã giúp đỡ được hơn 10 hộ nuôi Chồn nhung đen theo hình thức bán giống chịu, trả dần, với tổng số vốn trên 30 triệu đồng, không tính lãi. Ngoài ra, anh Kiên cũng sẵn sàng tư vấn miễn phí kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn cho những người có nhu cầu.