Xây dựng nông thôn mới: Cách làm ở Đắc Sơn

09:19, 15/11/2012

Đến thời điểm này, xã Đắc Sơn (Phổ Yên) đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân, tận dụng mọi ưu thế, nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới là cách làm mà Đắc Sơn đã và đang thực hiện có hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Viện, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới, Đắc Sơn còn không ít khó khăn bởi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, thu nhập thấp, trình độ dân trí không đồng đều, thiếu vốn, hạ tầng chưa hoàn thiện... Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, chúng tôi xác định đây sẽ là cơ hội để nâng cao mức sống cho người dân, tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Năm 2010, xã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và xây dựng kế hoạch, triển khai tuyên truyền đến 23/23 xóm; đồng thời vạch ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trước hết, xã xác định phải khuyến khích người dân phát triển kinh tế, đa dạng hóa các loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho bà con, hằng năm, xã phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức trên dưới 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 600 lượt người tham gia.

 

Cùng với đó, vận động bà con đưa các giống lúa lai: GS9, Syn 6 vào sản xuất thay thế giống của địa phương năng suất thấp. Các loại cây màu như: ngô lai, khoai tây, đỗ tương... được trồng trong vụ đông với diện tích khoảng 200ha, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, bà con trong xã còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm với các giống như: lợn siêu nạc, lợn nái, gà lai mía… Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện về thủ tục giấy tờ cho các hộ có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 25% (năm 2010), xuống còn 17% (tương đương 400 hộ) hiện nay.

 

Đặc biệt, quá trình dựng xây dựng và thực hiện đề án quy hoạch nông thôn mới, chính quyền xã đã có cách làm hay, đó là tận dụng tối đa được nguồn nhân công lao động và nguồn nguyên vật liệu sẵn có trên địa bàn. Cụ thể, đối với công trình do xã làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cho mời thầu rộng rãi để các hộ dân trong xã có đủ điều kiện, năng lực tham gia. Đối với những xóm kinh tế còn khó khăn, Ban quản lý dự án cho nhân dân tham gia đóng góp vốn đối ứng bằng ngày công lao động hay các nguyên vật liệu xây dựng như: gạch, cát, sỏi... sẵn có của địa phương; ưu tiên xây dựng trước ở những thôn, xóm có khả năng, có mặt bằng.

 

Đối với những dự án, hạng mục công trình cần nhiều lao động, chính quyền xã cũng ưu tiên thuê nhân công là người trong xã nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ban giám sát xây dựng do người dân bầu ra có nhiệm vụ theo dõi tiến độ, đánh giá chất lượng công trình. Nhờ thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên các dự án, chương trình trọng điểm của địa phương đều được đông đảo người dân nhiệt tình ủng hộ, tham gia đóng góp.

 

Chị Trần Thị Hạnh, người xóm Đài 2 nói: “Làm đường bê tông liên xóm, nhà tôi bị ảnh hưởng 10m2 đất và phải phá dãy tường rào quanh nhà trị giá khoảng gần chục triệu đồng, nhưng thấy được lợi ích của con đường đem lại nên chúng tôi không thấy tiếc”. Đến nay, trong tổng số gần 50 km đường liên xã, liên thôn, tỷ lệ cứng hóa đã đạt 85%, rất thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản của người dân.

 

Nhờ có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Đắc Sơn đã hoàn thành được 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đó là: quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, bưu điện, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự vững mạnh. Giai đoạn 2012-2015, xã tập trung cải tạo, nâng cấp 100% các tuyến đường liên xã, xóm đảm bảo theo tiêu chuẩn bề mặt rộng 3,5 m, dày 0,16m; tu bổ hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất; đầu tư nâng cấp hệ thống điện, xây dựng chợ nông thôn, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân...

 

 

Có thể thấy, đời sống người dân đã và đang không ngừng được cải thiện, kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, chính quyền địa phương và người dân đồng sức đồng lòng; đó là những thành quả vững chắc để Đắc Sơn có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.