Xung quanh việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường

15:20, 03/11/2012

Căn cứ thực tế sử dụng đất của các nông, lâm trường (NLT), tỉnh yêu cầu các đơn vị này phải bàn giao trên 70 nghìn ha đất không còn nhu cầu sử dụng cho địa phương quản lý, sử dụng. Tuy vậy, cho đến nay, các NLT mới tiến hành bàn giao được gần 2 nghìn ha...

Kỳ II: Quyết liệt thực hiện những giải pháp gỡ khó

 Các NLT cần tích cực vào cuộc

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các NLT, từ ngày 16/7/2012, tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn các NLT tiến hành đo đạc, xác định ranh giới, cắm mốc, rà soát, lập hồ sơ địa chính để ký hợp đồng thuê đất đối với phần đất các NLT có nhu cầu sử dụng. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các đơn vị. Riêng với những diện tích không còn nhu cầu sử dụng, các NLT cần làm thủ tục bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng. Theo đó, Sở Tài nguyên - Môi trường đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát quy hoạch sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp (chính là các NLT). Đồng thời, tổ chức làm việc với các NLT và đề nghị các đơn vị này rà soát lại diện tích đất đang quản lý, chậm nhất là đến ngày 15/10/2012 phải hoàn thành.

 

 Thế nhưng, đến hết tháng 10 mới chỉ có 2 đơn vị cơ bản đã rà soát xong, gồm: Công ty CP Chè Quân Chu đã rà soát và bàn giao lại cho địa phương quản lý khoảng 1.500ha đất (hiện nay, Công ty cũng đã hoàn tất hồ sơ trình UBND huyện Đại Từ đề nghị bàn giao tiếp hơn 300ha, đồng thời đang tiến hành rà soát gần 200ha đất trồng chè và ao, hồ còn lại); đối với Chi nhánh chè Sông Cầu cũng đã xác định được ranh giới đất và hiện đang làm thủ tục để bàn giao. Còn các đơn vị khác thì chưa rà soát xong, thậm chí có nơi việc rà soát vẫn chưa được triển khai.

 

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Đoan, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân cho biết là do đơn vị này không có nguồn kinh phí để tiến hành đo đạc đất. Bởi, theo đơn giá của tỉnh hiện nay, để đo đạc bản đồ địa chính 1ha đất thì phải mất kinh phí khoảng 4-5 triệu đồng, trong khi Chi nhánh đang quản lý trên 3.000ha đất thì sẽ phải chi 3-4 tỷ đồng cho việc này. Mà, Chi nhánh đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phải chật vật chăm lo đời sống cho công nhân (hiện Chi nhánh có trên 30 công nhân làm việc thường xuyên, ngoài ra còn có hàng trăm lao động làm việc theo thời vụ). Mỗi năm Chi nhánh được khai thác 70-100ha rừng, doanh thu chỉ đạt trên 2 tỷ đồng (chưa trừ chi phí) nên không thể bố trí nguồn kinh phí để thuê đo đạc diện tích đất...

 

Qua trao đổi với lãnh đạo các NLT còn lại, chúng tôi nhận thấy hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí giống như ở Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân. Đây chính là nguyên nhân khiến các NLT mặc dù muốn bàn giao lại diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng cho địa phương quản lý, nhưng lại chưa thể tiến hành rà soát để làm thủ tục bàn giao. Vì thế cho đến nay, toàn tỉnh mới bàn giao được trên 2 nghìn ha đất của các NLT cho địa phương quản lý, sử dụng, chiếm 2,5% tổng diện tích cần phải bàn giao.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu ở 2 đơn vị đã tiến hành rà soát, được biết, ngoài việc thuê đơn vị đo đạc để xác định lại diện tích đất thì vẫn còn có cách làm khác. Đơn cử như ở Chi nhánh Chè Sông Cầu, trước đây, đơn vị cũng không xác định được ranh giới cũng như diện tích đất cụ thể, nhưng sau khi tỉnh có chỉ đạo, được Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn, Chi nhánh đã phối hợp với những địa phương liên quan căn cứ vào bản đồ địa chính của các xã, thị trấn và giấy tờ giao đất của đơn vị trước đây để xác định được ranh giới, diện tích đất hiện nay đơn vị đang quản lý. Từ đó, Chi nhánh đang hoàn thiện hồ sơ để xin thuê đất đối với diện tích còn nhu cầu sử dụng (hơn 2ha), phần còn lại sẽ làm thủ tục bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng…

 

Qua đây có thể thấy, ngoài việc thuê đơn vị chuyên môn tiến hành đo đạc đất, các NLT có thể sử dụng những nguồn tài liệu hiện có trong quá trình rà soát (nhưng phải phù hợp với thực tế), đồng thời nhờ các địa phương liên quan hỗ trợ thêm nhằm tiết kiệm chi phí. Quan trọng là các NLT phải vào cuộc một cách tích cực để tìm ra cách làm có lợi nhất trong quá trình này.

 

Diện tích chưa rà soát xong trong năm 2012 sẽ kiến nghị thu hồi

 

 

Về quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong vấn đề này, mới đây, trong cuộc làm việc với lãnh đạo Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân (Phổ Yên), đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi những diện tích đất sử dụng kém hiệu quả của các NLT. Đồng thời, yêu cầu các NLT cần khẩn trương thực hiện việc rà soát đất đai. Trước tiên, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Phổ Yên cùng các địa phương có liên quan tập trung nguồn lực, xây dựng phương án giúp Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân tiến hành đo đạc, rà soát lại diện tích đất để làm điểm, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai tiếp việc này ở các NLT còn lại.

 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Về trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan liên quan trong việc rà soát lại diện tích đất của các NLT đã được Sở làm rõ. Theo đó, đối với các Ban quản lý (BQL) rừng, đơn vị chủ quản là Sở Nông nghiệp - PTNT có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc để các BQL rừng thực hiện việc rà soát quỹ đất. Đối với các công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh quản lý đã được đo đạc bản đồ địa chính thì tiến hành rà soát và lập hồ sơ gửi về Sở để làm thủ tục cấp GCNQSD đất. Riêng đối với các công ty thuộc Trung ương quản lý và các công ty cổ phần cần chủ động rà soát, xác định rõ diện tích đất đã được đo đạc bản đồ địa chính hoặc chưa, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đủ điều kiện. Để việc bàn giao những diện tích đất các NLT không còn nhu cầu sử dụng cho địa phương quản lý, sử dụng được thực hiện nhanh gọn, chúng tôi đề xuất cách làm cuốn chiếu, cụ thể là: Với diện tích đất đã rà soát mà không có vướng mắc (do nhân dân các địa phương đang sử dụng) thì sẽ đề nghị lập hồ sơ để cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ cho nhân dân trước; còn với diện tích đang bị vướng mắc, tranh chấp thì sẽ tiến hành rà soát lại, sau đó làm thủ tục bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng. Vấn đề quan trọng trong việc này là các NLT có thực sự vào cuộc một cách tích cực hay không. Đến ngày 31/12/2012, với những diện tích đất chưa rà soát xong ở các NLT, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi…

 

Theo mục tiêu mới được Sở Tài nguyên - Môi trường đưa ra thì việc bàn giao toàn bộ diện tích đất mà các NLT không còn nhu cầu sử dụng sẽ phải thực hiện xong trong năm nay. Trong khi đó chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, do vậy Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân sẽ phải dốc toàn lực để tiến hành rà soát, tiếp đó các NLT còn lại cũng sẽ đồng loạt thực hiện việc này một cách tích cực thì mới có thể đáp ứng yêu cầu tiến độ. Nhằm giải quyết những khó khăn trong khâu rà soát lại diện tích đất ở các NLT, hiện Sở Tài nguyên - Môi trường đã có phương án đề nghị tỉnh cho phép khoản kinh phí phục vụ việc đo đạc sẽ được trừ vào tiền thuê đất hàng năm của các đơn vị. Có thể khẳng định đây là một giải pháp hữu hiệu trong thời điểm hiện nay, khi các NLT trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, không thể bố trí nguồn kinh phí phục vụ việc đo đạc, rà soát lại diện tích đất. Qua đó góp phần giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong khâu quản lý, sử dụng đất liên quan đến các NLT hiện nay, tránh để nảy sinh thêm vấn đề phức tạp…