Bảo vệ đàn vật nuôi ở Đồng Hỷ: Không chủ quan với thời tiết

09:30, 20/12/2012

Huyện Đồng Hỷ hiện có trên 11.000 con trâu, bò; 65.000 con lợn và trên 700.000 con gia cầm. Để bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông năm nay, huyện đã triển khai nhiều phương án, phòng chống rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết: Vụ đông năm nay thời tiết có thể diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại, sương muối xảy ra nhiều ngày kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao. Đây là nguyên nhân chính làm gia súc, gia cầm chết hàng loạt và dịch bệnh phát sinh lây lan. Để chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và bảo vệ phát triển đàn vật nuôi, đầu tháng 11, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống rét và dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y, hướng dẫn cho hộ chăn nuôi các biện pháp bảo vệ đàn gia súc của mình. Đồng thời, phối hợp với các phòng ngành liên quan thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến thời tiết bất thường hoặc dịch bệnh có thể xảy ra để các địa phương chủ động ứng phó kịp thời khi có rét đậm, rét hại.

 

Để công tác trên đạt hiệu quả cao, cán bộ nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân khi thời tiết rét đậm không nên chăn thả gia súc ngoài trời mà phải nhốt trong chuồng có sử dụng bạt, nứa, nilon che gió nhằm giữ ấm cho trâu, bò. Đặc biệt, đối với những xã vùng cao như: Văn Lăng, Quang Sơn, Tân Long… thường có gió mạnh, nhiệt độ thấp thì công tác chăm sóc, bảo vệ vật nuôi càng phải được chú trọng bằng cách giữ cho chuống trại luôn kín gió và được vệ sinh sạch sẽ. Các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động tích trữ nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương (rơm, rạ, cây chuối, cỏ khô), kết hợp bổ sung thức ăn tinh, giàu đạm (cám gạo, bột ngô, bột sắn) và cho trâu, bò uống nước ấm pha muối loãng khi thời tiết rét đậm, rét hại xảy ra để tăng sức đề kháng và khả năng chống đói, rét, bệnh tật cho gia súc. Thời gian này thường xảy ra hiện tượng mưa phùn gió bấc, nhiệt độ xuống thấp làm cho cơ thể vật nuôi tốn nhiều năng lượng để chống rét dẫn đến giảm sức đề kháng của cơ thể, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có điều kiện bùng phát như: dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồng long móng, bệnh đường hô hấp... nên người nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thuốc thú y, thực hiện tiêm phòng định kỳ, phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tránh các loại vi khuẩn gây hại xâm nhập. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe gia súc, gia cầm. Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh phải tiến hành cách ly ngay và báo cho thú y cơ sở, tuyệt đối không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm chết.

 

Xã Nam Hòa hiện là địa phương có số lượng gia súc, gia cầm tập trung nhiều nhất trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với gần 1.400 con trâu, bò; trên 4.000 con lợn và khoảng 50.000 con gia cầm. Những năm gần đây, để bảo vệ đàn vật nuôi, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể thì người dân trong xã đã chú trọng hơn đến việc phòng, chống đói rét cho trâu, bò khi thời tiết chuyển mùa bằng cách chủ động thu gom, tích trữ rơm, rạ làm thức ăn trong mùa rét, tiến hành che chắn chuồng trại để tránh gió lùa và tiêm phòng vacxin đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Do đó, 5 năm trở lại đây, Nam Hòa không còn xảy ra hiện tượng gia súc, gia cầm ốm chết do đói rét trong mùa đông. Ông Trần Gia Cát, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi luôn xác định việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm của địa phương. Vì vậy, trong những buổi giao ban với các bí thư chi bộ và trưởng xóm hàng tháng, xã đều nhấn mạnh việc chăm sóc, bảo vệ cho đàn vật nuôi trong mùa đông để cán bộ xóm về triển khai tại các địa bàn do mình phụ trách.

 

Ông Trần Văn Tính, ở xóm Na Quán là một trong những hộ điển hình của xã Nam Hòa về công tác chăm sóc gia súc cho biết: Gia đình tôi hiện có 15 con trâu thịt và trâu giống, để phòng chống đói, rét cho chúng trong mùa đông này, tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng 6 ô chuồng trên diện tích 100m2 và trồng trên 1ha cỏ voi làm thức ăn cho trâu. Do luôn có sự chủ động trong việc tích trữ thức ăn và đảm bảo giữ ấm chuồng trại nên hai, ba năm nay đàn trâu nhà tôi không con nào bị chết do đói, rét.

 

Với sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng các phương án phòng, chống đói rét cho tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện Đồng Hỷ và sự chú trọng thực hiện của các hộ dân, hy vọng đàn vật nuôi trên toàn huyện sẽ được bảo vệ tốt, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do giá rét.