Cam Canh trên đất Phúc Thuận

09:40, 25/12/2012

“Chỉ sau hơn 3 trồng và chăm sóc, đến nay, mỗi cây cam Canh đã cho thu khoảng 40kg quả/lứa với giá bán trung bình 60 nghìn đồng/kg, thu được 2,4 triệu đồng. Với 50 gốc cam, mỗi năm gia đình tôi cũng thu về 120 triệu đồng”. Vừa nhanh tay bóc những quả cam Canh chín đỏ mời chúng tôi thưởng thức, ông Nguyễn Đình Dũng, chủ vườn cam Canh ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) vừa cho biết.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Dũng tâm sự: Gia đình tôi quê gốc ở Hưng Yên lên đây lập nghiệp. Bắt đầu từ những năm 1990, bà con chúng tôi tiến hành cải tạo đất, trồng giống nhãn lồng Hưng Yên. Nhưng cây nhãn chỉ cho thu hoạch 1 vụ/năm, còn lại thời gian nông nhàn chúng tôi không có việc làm. Vì thế, tôi đã về quê Hưng Yên để học kỹ thuật trồng cây cam Canh. Năm 2008, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 50 gốc với quy trình lấy mắt cây cam Canh ghép vào cành bưởi. Cây bưởi có bộ rễ chùm, khả năng hút chất dinh dưỡng nuôi cây tốt, vì thế quả cam thường mọng nước, ngọt. Cam Canh được thị trường ưa chuộng vì có vị ngọt mát, để tươi lâu, màu đẹp. Vừa trồng vừa đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, đến nay, 50 gốc cam nhà tôi đã cho thu hoạch năm thứ 2. Nói rồi, ông dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam sai trĩu trịt, ngắm quả nào quả nấy căng mọng, đang chuyển dần từ màu vàng sang sắc đỏ xen lẫn trong đám lá màu xanh trông thật thích mắt.

 

Ông Dũng nói: Giống cam này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh (từ 3 đến 4 năm cây cho thu hoạch); khi thu hoạch, trung bình một cây cho từ 40 đến 50kg quả, thậm chí có cây đạt 70kg quả. Nếu chăm sóc tốt, cây sẽ cho thu hoạch trên dưới 10 năm, rồi mới cằn cỗi dần. Chất đất cũng ảnh hưởng đến chất lượng quả. Nếu trồng cam trên đất cằn, tuy cây không xanh tốt, quả ít nhưng lại ngọt. Còn trồng ở đất nhiều dinh dưỡng thì dễ chăm sóc, cây có sức chống chịu cao, số lượng quả nhiều hơn nhưng độ ngọt kém. Thời điểm thu hoạch cam vào tháng 11, 12 Âm lịch hàng năm, bán rất chạy trong dịp Tết Nguyên đán. Vì chưa có nhiều người trồng loại cây này nên vườn cam của gia đình ông Dũng luôn có tư thương đến tận nơi thu mua. Hiện nay, với diện tích 2.700m2, ngoài trồng cam Canh và nhãn lồng Hưng Yên, ông Dũng còn trồng hơn 100 cây bưởi Diễn và bưởi Phúc Trạch, phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi cây cũng cho thu 60 quả với giá bán 20 nghìn đồng/quả. Nhờ trồng cây ăn quả, đời sống gia đình ông Dũng đã khấm khá hơn.

 

Nói về kinh nghiệm trồng cam Canh, ông Dũng chia sẻ: Đây là một loại cây ăn quả “khó tính” nên đòi hỏi người trồng phải chăm sóc rất tỉ mỉ, phải nắm biết được thời tiết khi nào chuẩn bị trời rét đậm để trước đó xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam. Những mắt ghép được chọn phải là mắt ở những cành to khỏe, không bị sâu bệnh. Sau khi mắt lên chồi non phải chú ý khâu bón phân, làm cỏ, tưới nước để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây. Đặc biệt, trồng giống cam này cần quan tâm phòng, trừ kịp thời các loại sâu bệnh như: Sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nấm sương mai... nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả. Sau mỗi lần thu hoạch cần đốn tỉa bỏ cành nhỏ, cành sâu bệnh, vệ sinh xung quanh tán cây và tiếp tục chăm sóc, tạo thuận lợi cho việc hình thành quả. Trồng cam không khó nhưng cần sự đam mê và phải đầu tư.

 

Ông Lê Vĩnh Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận cho biết: Vài năm trở lại đây, nhờ năng động, cần cù chịu khó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như các mô hình trồng Thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, cam Vinh; đặc biệt là mô hình trồng cây cam Canh bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, thu hút nhiều khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp sẽ tạo điều kiện để người dân Khe Đù, xã Phúc Thuận hướng tới xây dựng vùng trồng cây cam Canh có “thương hiệu”, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các hộ dân còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất, bà con mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn nhiều hơn.