Thực hiện Chỉ thị số 38, ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, năm 2007, Chi cục Lâm nghiệp Thái Nguyên đã phối hợp với huyện Võ Nhai tiến hành rà soát, quy hoạch lại diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất với hơn 62,5 nghìn ha rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập…
Có thể nói, việc rà soát, quy hoạch hoạch lại 3 loại đất rừng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Nhà nước nhằm xác định rõ diện tích các loại rừng để làm cơ sở cho việc tổ chức sắp xếp lại sản xuất trong ngành Lâm nghiệp, thực hiện các chủ trương, chính sách về đầu tư, giao rừng, khoán bảo vệ rừng... Thực tế cho thấy, việc quy hoạch lại 3 loại rừng ở Võ Nhai đã cơ bản khắc phục được những bất hợp lý trước đó. Ông Lương Huy Bắc, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Trước thời điểm năm 2007, diện tích các khoảnh rừng nằm trong lòng hồ và ven hồ Quán Chẽ đều là rừng sản xuất. Hiện nay, diện tích rừng ở khu vực này đã được quy hoạch vào rừng phòng hộ. Quy hoạch lại như vậy là hoàn toàn hợp lý, bởi đây khu rừng có tác dụng ngăn chặn nguy cơ lũ lụt, sạt lở hệ thống công trình hồ Quán Chẽ...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc rà soát, quy hoạch, cắm mốc lại 3 loại rừng đã nảy sinh những điểm bất hợp lý: diện tích lẽ ra là rừng sản xuất lại bị quy hoạch thành rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng. Diện tích lẽ ra là rừng phòng hộ lại bị quy hoạch thành rừng sản xuất hoặc đặc dụng. Diện tích lẽ ra là rừng đặc dụng lại bị quy hoạch thành rừng phòng hộ hoặc sản xuất. Đến nay, các loại rừng tuy đã được điều chỉnh lại trên bản đồ cho phù hợp với thực tế nhưng chưa triển khai cắm lại mốc giới.
Theo số liệu do xã cung cấp, sau quy hoạch lại 3 loại rừng, toàn bộ diện tích rừng của Dân Tiến đã bị biến thành rừng phòng hộ. Trong khi đó, thực tế diện tích rừng ở khoảnh 2 và 3, thuộc Tiểu khu 116 (quy định trên bản đồ) là những vị trí không nằm trong lòng hồ và ven hồ Quán Chẽ, là nơi mà Lâm trường Võ Nhai và người dân khu Làng Giang (xóm Làng Mười) vẫn đang trồng rừng sản xuất. Nếu cắm mốc là rừng phòng hộ như vậy thì người dân sẽ không còn quỹ đất để sản xuất. Tương tự như Dân Tiến, xã Vũ Chấn có 20 cột mốc để phân định 3 loại rừng. Tuy nhiên, sau khi xã tiến hành rà soát lại việc cắm mốc này đã phát hiện những điểm bất hợp lý. Cụ thể, một phần diện tích khoảnh 1, một phần khoảnh 5 thuộc Tiểu thu 91 thực tế là rừng nghèo nàn không phải khu rừng đầu nguồn lại bị quy hoạch thành rừng phòng hộ...
Bà Nguyễn Mai Huyên, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Công tác điều tra, quy hoạch 3 loại đất rừng được thực hiện bởi Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) và Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Đông Bắc bộ. Sau khi rà soát, quy hoạch và triển khai cắm các mốc giới, người dân ở các địa phương đã có ý kiến, kiến nghị về những điểm bất hợp lý trong việc phân định 3 loại rừng. Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện có văn bản chỉ đạo các xã rà soát lại những diện tích rừng quy hoạch chưa phù hợp với thực tế để điều chỉnh kịp thời. Sau đó, UBND huyện đã có báo cáo kết quả quá trình kiểm tra, rà soát điều chỉnh trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm tra, rà soát của các xã, thị trấn về tỉnh. Theo đó, tổng diện tích đề nghị điều chỉnh là 8.790,64ha, trong đó diện tích rừng sản xuất chuyển sang rừng phòng hộ là 2.318ha, diện tích rừng phòng hộ chuyển sang rừng đặc dụng là 752,53ha, diện tích rừng đặc dụng chuyển sang rừng sản xuất là trên 821ha, diện tích rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất là trên 4.846ha và diện tích rừng đặc dụng chuyển sang rừng phòng hộ là 51,5ha. Từ thực tế này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp phối hợp với đơn vị tư vấn điều chỉnh trên bản đồ. Tuy nhiên, đến nay, việc cắm lại các mốc giới theo điều chỉnh trên bản đồ vẫn chưa được thực hiện…
Chính vì việc chậm tiến hành cắm lại các mốc giới sau khi đã điều chỉnh trên bản đồ đã khiến nhiều người dân vẫn bức xúc và chưa thể yên tâm sản xuất. Ông Phan Thanh Tề, Bí thư Chi bộ xóm Na Hấu, xã Nghinh Tường cho biết: việc cắm các cột mốc như hiện nay, toàn bộ diện tích rừng của nhân dân trong xóm đều bị quy hoạch vào rừng phòng hộ. Bà con trong xóm đang rất lo lắng vì không còn quỹ đất để sản xuất. Chúng tôi đã kiến nghị điều chỉnh một phần diện tích sang rừng sản xuất, Tuy nhiên đến nay, các cột mốc này vẫn chưa được điều chỉnh. Chung tình cảnh như vậy, gia đình ông Hà Văn Đệ ở xóm Nà Lẹng, xã Nghinh Tường cũng đang hoang mang không biết tới đây cả nhà sẽ sống ở đâu, bởi diện tích đất nhà ở và toàn bộ 15ha rừng được Nhà nước giao khoán khoanh nuôi bảo vệ đã được quy hoạch thành rừng đặc dụng...
Sớm điều chỉnh và cắm mốc lại các loại rừng phù hợp, sát với nhu cầu thực tế là mong mỏi lớn nhất của người dân Võ Nhai đang sinh sống trong khu vực có rừng...