Chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi

14:33, 11/12/2012

Nhằm bảo vệ và duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ổn định sản xuất chăn nuôi, ngay từ đầu tháng 11, UBND huyện Võ Nhai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn chủ động phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết: Ngay từ đầu tháng 11, UBND xã đã chỉ đạo các xóm thống kê cụ thể số lượng đàn gia súc, gia cầm hiện có, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi đến với người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi với quy mô lớn. Qua đó, các hộ chăn nuôi đã có ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi ngay từ khi trời chưa lạnh. Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, hầu hết hộ dân đã củng cố, sửa chữa lại chuồng trại, che chắn kín gió, đảm bảo vừa ấm, vừa khô ráo và dự trữ sẵn rơm, rạ, thức ăn tinh cho vật nuôi trong những ngày giá rét...

 

Cùng với cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò và lợn ở một số xóm của xã Tràng Xá. Điều đầu tiên chúng tôi thấy, công tác vệ sinh chuồng trại đã được các hộ dân đặc biệt coi trọng. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi đều đã chuẩn bị sẵn các phương án, bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong những nhày đông giá rét. Anh Phan Văn Trường, một hộ chăn nuôi lợn ở xóm Lò Gạch cho biết: Gia đình tôi mỗi lứa nuôi từ 100 đến 130 con lợn thịt. Trong những ngày qua, mặc dù thời tiết chưa xuống đến mức rét đậm, rét hại như mọi năm nhưng vợ chồng chúng tôi cũng đã mua 60m2 bạt để quay xung quanh chuồng trại của gia đình để cho đàn lợn không bị rét, đảm bảo phát triển bình thường. Ngoài ra, hằng ngày, chúng tôi đều quét dọn các ngăn chuồng thật sạch sẽ...

 

 Rút kinh nghiệm từ năm trước và được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chóng đói, rét cho vật nuôi thông qua việc tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi trước đó, gia đình ông Chu Văn Đoan, xóm Đồng Mỏ cũng đã chuẩn bị dự trữ 2 đống rơm to để làm thức ăn cho 25 con trâu của gia đình trong những ngày đông giá rét. Ông Chu Văn Đoan cho biết: Để phòng chống các loại bệnh dịch cho đàn trâu, năm nào gia đình tôi cũng đăng ký tiêm vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn trâu, dùng bạt quây xung quanh khu chuồng trâu và dự trữ rơm, rạ, cám ngô làm thức ăn cho trâu trong những ngày trời rét đậm...

 

Hiện nay, Võ Nhai có trên 5.680 con trâu, gần 1.900 con bò và trên 26.300 con lợn. Nhằm chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp và bất thường của thời tiết trong những năm gần đây, giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ổn định sản xuất chăn nuôi, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu với UBND huyện có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã và thị trấn chủ động phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 

Theo đó, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các xã, thị trấn và người chăn nuôi các biện pháp chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh đối với vật nuôi cũng như hướng dẫn kỹ thuật chế biến bảo quản, dự trữ thức ăn trong mùa đông cho cán bộ cơ sở, người chăn nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, các thông tin về dịch bệnh để tham mưu kịp thời với UBND huyện các biện pháp phòng, chống, đói rét và dịch bệnh; Trạm Thú y chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tiêm phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh động vật nhằm kịp thời phát hiện các ổ dịch nếu có xảy ra trên địa bàn...

 

Ông Tạ Xuân Hoàng, Phó Trưởng trạm chuyên trách Trạm Thú y cho biết: Thực hiện Công văn chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã có công văn và phối hợp với các xã và thị trấn tiến hành rà soát, tuyên truyền và khuyến cáo người chăn nuôi ở những xóm có tỷ lệ tiêm phòng thấp tiêm phòng bổ sung một số loại văc-xin như: dịch tả lợn, tụ dấu lợn, lở mồm long móng cho đàn vật nuôi; mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh; tăng cường vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chủ động chuẩn bị các vật liệu chống rét cho vật nuôi như: tấm đan từ tranh tre, bạt quây...

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn đã có sự vào cuộc tích cực ngay từ đầu vụ đông. Đặc biệt, nhận thức của người dân về công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi đã được nâng cao rõ rệt, thể hiện ngay ở việc tự giác, chủ động chuẩn bị tạo nguồn, dự trữ thức ăn, tu sửa, làm mới chuồng trại để tránh đói, rét, phòng các loại dịch bệnh cho vật nuôi trong những ngày mùa đông giá rét. Đến nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện vẫn phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra...