Doanh nghiệp, công nhân thời khó khăn

09:36, 11/12/2012

Như thông tin chúng tôi đã đưa ở kỳ trước, vì nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) đã không thể trụ vững. Nhưng cũng có nhiều DN kịp thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, có một vấn đề quan trọng đặt ra là Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách thiết thực để hỗ trợ DN. Đồng thời, trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”, bản thân những người công nhân cần lựa chọn cho mình hướng đi đúng, ổn định cuộc sống lâu dài…

Kỳ 2: Cần giải pháp từ nhiều phía


 

Tiếng nói người trong cuộc

 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Nhà máy gạch Tuynel Hóa Trung (Đồng Hỷ) bày tỏ: Các lò gạch thủ công vẫn còn “nhả khói” thì các DN sản xuất gạch công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chúng tôi vừa phải đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại vừa phải chịu thuế suất cao, phí bảo vệ môi trường… Còn ông Bùi Văn Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Gang Hoa Trung không khỏi lo ngại: Nếu Nhà nước không kiểm soát được vấn đề nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép từ Trung Quốc thì các DN sắt, thép trong nước nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa...

 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện nhiều DN khác băn khoăn: Mặc dù Nhà nước đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho các DN (như Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, cùng các văn bản hướng dẫn việc miễn, giãn, giảm thuế cho DN…), nhưng không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được các chính sách này. Cùng với đó, vấn đề quan trọng nhất đối với các DN hiện nay là nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng rất nhiều đơn vị đã không còn tài sản đảm bảo để thế chấp. Nếu DN nào tiếp cận được thì cũng chỉ là nguồn vốn ngắn hạn. Trong khi đó, DN vừa trải qua một thời kỳ “khủng hoảng”, “năng lượng” đã “cạn” nên rất khó có thể “phục hồi” trong một thời gian ngắn. Giá thuê đất kinh doanh cao cũng là một vấn đề không nhỏ của các DN…

 

Từ những ghi nhận trên, thiết nghĩ, để thực sự giúp các DN thoát khỏi cơn “nguy khó” thì Nhà nước, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách cụ thể trên nhiều lĩnh vực, như về thuế, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn cho DN vay phục vụ sản xuất, kinh doanh…

 

Và những nỗ lực đáng biểu dương

 

Đứng trước những khó khăn của nền kinh tế, bên cạnh nhiều DN lao đao thời gian gần đây, không ít DN đã có những biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới... để cố gắng duy trì sản xuất ổn định, đạt nhiều kết quả khả quan. Ví dụ Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển miền núi, đây là DN đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư chế biến sâu quặng titan. DN đã đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến xỉ titan tại xóm Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương) với số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vì đây là sản phẩm hiếm và luôn được thị trường đón nhận nên ngay cả vào thời điểm khó khăn nhất, Nhà máy cũng không phải dừng lò hoặc cho công nhân nghỉ chờ việc. Hiện nay, Nhà máy đang có trên 100 công nhân làm việc, với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. DN còn tiến hành tuyển thêm 60 lao động lành nghề và đầu tư hơn 20 tỷ đồng để trang bị 5 máy xúc, 2 ô tô vận tải cỡ lớn và một số phương tiện phục vụ công tác tuyển nguyên liệu…

 

 Đối với Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1 cũng đã triển khai nhiều nhiều giải pháp hữu hiệu như: Tăng cường tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đổi mới công nghệ. Bên cạnh những sản phẩm đã có thương hiệu, Công ty còn đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, như: gối đỡ ổ bi, ống lót xi-lanh… Với cách làm đó, tính đến hết tháng 11 năm nay, tổng giá trị sản xuất của Công ty đã đạt hơn 600/595 tỷ đồng kế hoạch của năm, đảm bảo việc làm cho trên 1.300 lao động. Ngoài ra, có thể kể đến sự nỗ lực vượt khó của một số DN khác như: Công ty Thép Hà Căn, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng...

 

Qua đó có thể thấy nếu “vững tay chèo”, DN sẽ vượt qua cơn sóng gió để hoàn thành kế hoạch năm hay ít ra cũng duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định. Và đây có thể coi là điểm sáng để nhiều doanh nghiệp khác noi theo.

 

Người lao động nên cân nhắc

 

 Trong thời điểm DN nguy khó, sản xuất đình trệ thì việc cắt giảm công nhân và hạn chế quỹ lương là điều tất yếu. Đối tượng để cắt giảm chủ yếu là lực lượng lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn. Trong khi nhiều người đang cố gắng bám trụ với công ty, nhà máy, chấp nhận mức lương thấp để hy vọng tình hình sẽ được cải thiện, thì ở địa phương nơi họ sinh sống lại đang diễn ra tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi xin lấy ví dụ ở xóm Dộc Mấu, xã Phấn Mễ (Phú Lương). Trưởng xóm Hoàng Minh Sáng chia sẻ: Xóm có khoảng 130 người trong độ tuổi lao động thì có đến hơn 70 người đi làm công nhân và làm thuê, phần lớn là lao động phổ thông tại các nhà máy, khu công nghiệp. Xóm hầu như vắng bóng thanh niên. Vào vụ hái chè, nhà nào cũng chạy đôn chạy đáo đi thuê người cho kịp thời vụ. Thiếu người làm, nhiều gia đình phải chuyển một phần diện tích chè sang trồng rừng, nhiều năm nay xóm cũng không trồng cây màu vụ đông nữa... Được biết, tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các xã thuần nông khác trên địa bàn tỉnh.

           

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên (xóm Hóa, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình) là một ví dụ về sự thoát ly sản xuất nông nghiệp để đi làm công nhân. Gia đình Hoa có 4 nhân khẩu thì có chị và anh trai đi làm công nhân (tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội). Nhà có hơn 1 mẫu ruộng, lại thêm nghề làm đậu phụ, nhưng chỉ có bố mẹ chị gánh vác. Mỗi khi vào vụ gia đình lại phải thuê người làm, giá thuê gặt lúa là 100 nghìn đồng/người/ngày, thuê cấy, làm đất còn đắt hơn. Khi được hỏi, chị Hoa chia sẻ: Nếu so sánh, rõ ràng làm nông nghiệp thu nhập vẫn ổn định hơn so với lương công nhân như của tôi hiện nay... Đây cũng là câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ nhiều công nhân trẻ đang làm việc tại Khu công nghiệp Sông Công.

 

Không thể phủ nhận, việc nhiều nông dân thoát ly sản xuất nông nghiệp để đi làm việc tại các công ty, khu công nghiệp là một quá trình tất yếu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Tuy nhiên, đối với lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn thì cần có sự cân nhắc kỹ, định hướng rõ ràng cho bản thân, nhất là với những thanh niên trẻ: Xin vào làm việc tại các khu công nghiệp với đồng lương ít ỏi, không có tích lũy hoặc tìm hướng học nghề để tham gia phát triển kinh tế bền vững ngay tại quê hương? Thời gian qua, Báo Thái Nguyên đã giới thiệu nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao của nhiều thanh niên, người lao động trên địa bàn tỉnh, rất đáng để nhiều người học tập. Bên cạnh đó, các vùng quê cũng đang rất cần lao động, đặc biệt là sức trẻ, để phục vụ cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân…

 

Thiết nghĩ thực tế này là điều đáng để nhiều bạn trẻ suy nghĩ, lựa chọn trong thời điểm hiện nay, và cả về lâu dài.