Doanh nghiệp, công nhân thời khó khăn

14:14, 10/12/2012

Những năm qua, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh chóng, kéo theo đó là hàng trăm héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi, hàng nghìn nông dân trở thành công nhân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng lao đao, cuộc sống của người công nhân gặp nhiều khó khăn…

Kỳ I: Doanh nghiệp lao đao, công nhân “thắt lưng buộc bụng”

 

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.317 doanh nghiệp (DN - chủ yếu là các DN nhỏ và vừa) đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hai năm trở lại đây, nền kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn bởi lạm phát tăng cao, cắt giảm đầu tư công, tín dụng thắt chặt, sức mua giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, do đó nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, hoạt động cầm chừng, thậm chí, một số DN phải ngừng hoạt động hay đứng trước nguy cơ giải thể.

 

Cách đây 3 năm (tháng 10/2009), Công ty cổ phần Sản xuất Gang Hoa Trung chính thức đi vào hoạt động với công suất chạy thử 30 tấn/ngày, có hai sản phẩm chính là gang luyện thép và gang đúc. Sự kiện này không chỉ khẳng định sự nỗ lực của DN mà còn là niềm vui của trên 200 lao động khi được tạo việc làm với thu nhập trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, bước sang năm 2011, sản xuất kinh doanh của Công ty bắt đầu gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với mặt hàng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến năm 2012, Công ty đã phải dừng hoạt động, hàng trăm công nhân cũng mất việc làm.

 

Ông Bùi Văn Khánh, Giám đốc Công ty phân trần: Quả thực chưa bao giờ các DN lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay, nhất là đối với các DN sản xuất gang, thép và vật liệu xây dựng. Giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất cao, tiêu thụ sản phẩm chậm đã đành, các DN lại phải đối mặt với các sản phẩm nhập khẩu thép ồ ạt từ Trung Quốc. Với Công ty chúng tôi đã phải dừng hoạt động và không biết bao giờ mới có thể "hồi phục”.

 

Mặc dù mới bước vào sản xuất với công nghệ hiện đại (từ tháng 7-2011) và cho ra những sản phẩm đạt chất lượng nhưng Nhà máy gạch Tuynel Hóa Trung (thuộc Công ty cổ phần Thái Sơn) cũng không tránh khỏi những tác động, thách thức của sự suy thoái. Do tiêu thụ rất khó khăn nên gạch sản xuất của Nhà máy bị tồn kho với số lượng lớn. Còn với Nhà máy Xi măng Quang Sơn, sang năm 2012, đơn vị phải dừng hoạt động khoảng 6 tháng, điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Trong thời gian hoạt động, Nhà máy chỉ chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế, doanh thu năm nay dụ kiến chỉ đạt 65% kế hoạch.

 

Đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng không kém phần ảm đạm. Tính đến thời điểm này giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty chỉ đạt trên 2.000 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch năm.

 

Để chèo chống qua cơn nguy khó, các DN phải tự điều chỉnh nguồn lao động, cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, tiền thưởng cho công nhân. Theo thống kê (chưa đầy đủ) của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng công nhân ở một số DN đã giảm xuống đáng kể (so với thời điểm 31-12-2011) với nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn như: Công ty cổ phần Thép Thái Nguyên giảm 50/265 lao động; Công ty cổ phần Công nghệ cao Sao Xanh giảm 48/98 lao động; Công ty TNHH Wiha Việt Nam giảm 19/307 lao động; Nhà máy Kẽm Điện phân Thái Nguyên giảm 13/486 lao động… Trong khi đó, Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng; Nhà máy Kết cấu, cốp pha thép Thái Hưng, Công ty cổ phần Thép Tân Quang thì đã phải ngừng sản xuất.

 

Theo thông tin từ Sở Kế hoach và Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2012, trên địa bàn tỉnh đã có 63 DN xin tạm dừng hoạt động và 36 DN giải thể (năm 2011 con số này là 37 DN). Trong hai năm 2011, 2012, có đến trên 260 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh (phần lớn là do chủ DN bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh). Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khó khăn trong kinh doanh và vốn. Từ thực trạng này đã khiến hàng trăm công nhân không có việc làm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm an sinh xã hội và tác động trực tiếp đến đời sống của người công nhân.

 

Phải chờ đến 6 giờ chiều một ngày đầu tháng 12 này, chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Nhà máy TNG Sông Công. Khu trọ tuềnh toàng nơi chị Hoa đang ở chỉ toàn công nhà máy may, phòng của chị thuê với giá 200 nghìn đồng/tháng. Chị Hoa cho biết: Khu trọ có 6 phòng, trước đây lúc nào cũng chật kín. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ít việc, thu nhập giảm nên một số người đã bỏ về quê làm ruộng, khu trọ chỉ còn lại 3 người... Bản thân chị Hoa từ nhiều tháng nay chủ yếu làm việc trong khung giờ hành chính, ít được tăng ca nên thu nhập tháng cao nhất cũng chỉ được 2,5 triệu đồng (giảm gần 1 triệu đồng so với trước). Với đồng lương đó, trừ tiền trọ, ăn uống, chi tiêu sinh hoạt, mỗi tháng chị chỉ tiết kiệm được chưa tới 1 triệu đồng. Cạnh phòng chị Hoa có chị Phạm Thị Liễu và chị Dương Thị Thu, làm ở cùng Nhà máy TNG Sông Công. Do vẫn trong giai đoạn thử việc nên hai chị này chỉ được hưởng lương trên 1,5 triệu đồng/tháng, mặc dù đã chi tiêu hết sức tằn tiện nhưng vẫn phải xin thêm tiền của gia đình.

 

 

 Tìm hiểu tại một số khu nhà trọ khác ở gần Khu công nghiệp Sông Công, chúng tôi nhận thấy nhiều phòng trọ đóng cửa do không có người thuê. Trong lúc sản xuất gặp khó khăn, thu nhập giảm, rất nhiều công nhân đã chọn cách sáng đi tối về nhà riêng thay vì ở trọ như trước để giảm bớt một số khoản chi tiêu. Tại quán cơm tại phố Làng Mới (phường Bách Quang), chúng tôi chứng kiến cảnh các công nhân tranh thủ ăn bữa trưa với những suất cơm hết sức bình dân. 2-3 người ăn chung cùng một “mâm” hoặc mỗi người một suất theo kiểu “cơm sinh viên” nhưng đều với mức giá 15 nghìn đồng/suất. Khẩu phần ăn cũng rất đạm bạc: cơm, rau, dưa, thêm miếng cá hoặc vài miếng thịt lợn thái mỏng. Chị Thủy, chủ quán cơm cho biết: Công nhân chủ yếu ăn bữa trưa ở quán, còn buổi tối về nhà riêng. Họ thường ăn uống tằn tiện, chỉ 15 nghìn đồng/suất, ít khi gọi thêm đồ uống.

 

Anh Toàn, một công nhân của Công ty TNHH Wiha Việt Nam chia sẻ: Mặc dù nhà riêng cách Công ty gần 20km nhưng tôi vẫn cố gắng về nhà vào buổi tối, tuy vất vả một chút, lại thêm chi phí xăng xe nhưng bù lại tôi không phải mất tiền trọ, giảm bớt chi phí ăn uống, lại tranh thủ làm thêm được công việc gia đình. Công việc ít, mức lương bị cắt giảm (chỉ còn trên 2 triệu đồng/tháng, giảm hơn 1 triệu đồng so với trước), chúng tôi đều phải cố gắng hạn chế tối đa chi phí sinh hoạt mới mong dành dụm được chút tiền cho gia đình, con cái…

 

Không chỉ ở Khu công nghiệp Sông Công, công nhân của nhiều công ty, nhà máy khác trên địa bàn tỉnh cũng bị cắt giảm lương do ít việc. Do vậy, cuộc sống thường ngày của họ bị ảnh hưởng khá lớn, nhiều người lâm vào cảnh rất khó khăn. Thực trạng này đòi hỏi giải pháp từ nhiều phía, trong đó sự tự thân vận động vượt khó của từng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp, ngành chức năng là vô cùng cần thiết.

 

 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Nhà máy Gạch tuynel Hóa Trung: Chúng tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất giá trị trên 37 tỷ đồng. Với dây chuyền này, Nhà máy có thể sản xuất 80 nghìn viên gạch/ngày. Nhưng từ khi vận hành đến nay, Nhà máy chỉ duy trì ở mức 30 đến 40% công suất hoạt động. Vậy mà sản phẩm làm ra vẫn phải thường xuyên “chất đống” vì lượng tiêu thụ thấp.

Chị Dương Thị Hường, xóm Vạn, xã Bảo Lý (Phú Bình): Tôi làm công nhân tai Nhà máy TNG đã gần 3 năm. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán năm ngoài, lượng hàng nhiều tôi đạt mức lương gần 5 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay đơn hàng ít, không mấy khi tăng ca nên thu nhập giảm rất nhiều. Lương trung bình mỗi tháng của tôi đạt khoảng 2,5 triệu đồng. Tạm đủ chi tiêu trong gia đình ở mức độ dè xẻn.