Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được trợ sức

18:52, 08/12/2012

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là chịu tác động nhiều nhất của “khủng hoảng” do khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng như năng lực tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất. Một số doanh nghiệp nhờ biết nắm bắt thị trường, linh hoạt trong sản xuất cùng với các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 13 nên đã trụ vững và đạt mức tăng trưởng cao.

 

Bền bỉ trong gian khó

 

Có mặt tại Công ty TNHH MTV Cơ Khí nằm tại phường Mỏ Chè (T.X Sông Công) một ngày đầu tháng 12 chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương tại các phân xưởng để kịp hoàn thành đơn hàng cho các đối tác. Ông Nguyễn Bá Hữu, Giám đốc Công ty cho biết: “ Đặc thù của đơn vị là sản xuất dụng cụ y tế và các sản phẩm cầm tay với trên 40% doanh thu là xuất khẩu. Năm 2012, kinh tế khó khăn nên đơn đặt hàng của các đối tác truyền thống ở Châu Âu sụt giảm đến gần 90%, cụ thể như công ty UK của Pháp năm 2011 đặt hàng trên 20 tỷ năm nay chỉ đặt 4 tỷ, một số đối tác khác thì dừng đặt hàng.

 

Để duy trì sản xuất Công ty đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, phân phối hàng cho các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ tại các tỉnh, các bệnh viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; đẩy mạnh hợp tác cung cấp hàng cho các công ty liên doanh Nhật Bản tại Việt Nam… Cùng với mở rộng thị trường, Công ty đã tiến hành cải tạo các dây chuyền công nghệ cũ; đầu tư trên 3 tỷ đồng lắp đặt máy tiện, phay công nghệ CNC; cải tạo dây chuyền mạ kẽm quay từ phương pháp thủ công sang tự động, nhờ đó đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành gần 20% so với trước. Hiện nay, ngoài 2 đơn hàng ký kết với Công ty của Nhật bản hồi đầu năm, tháng 11 vừa qua công ty đã ký thêm được một hợp đồng nữa với Công ty Taiko với giá trị đơn hàng của tháng 12 và cả năm 2013 giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra công ty đã được giãn 243 triệu tiền thuế trong các tháng đầu năm, được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền gần 580 triệu đồng. Với các giải pháp của đơn vị và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Công ty TNHH MTV Cơ Khí đã từng bước trụ vững trong gian khó với doanh thu 11 tháng năm 2012 đạt 48 tỷ đồng (đạt gần 80% kế hoạch), nộp ngân sách 3,5 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho trên 260 lao động với mức thu nhập bình quân gần 3,2 triệu đồng/người /tháng.

 

Không chỉ ở Công ty TNHH MTV Cơ Khí mà rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đã biết nắm bắt nhu cầu thị trường, tìm hướng đi phù hợp. Điển hình như công ty Công ty TNHH MTV Vạn Xuân tại cụm công nghiệp Khuynh Thạch (T.X Sông Công) đã biết tận dụng thế mạnh chế tạo khuôn mẫu, dụng cụ cắt gọt dùng trong sản xuất để tạo ra nhiều mẫu mã mới đáp ứng yêu của thị trường.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc công ty cho biết: Do năng lực tài chính của đơn vị hạn chế nên Công ty đã tìm tòi cải tiến công nghệ lập trình để rút ngắn thời gian gia công, giảm chi phí trong sản xuất. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, năm 2012, đơn vị đã đầu tư 3 tỷ đồng mua máy đo 3D hiện đại để kiểm tra chính xác chất lượng sản phẩm và giúp tạo các mẫu sản phẩm khó. Năm 2012, trong lúc đang khó khăn về vốn, Công ty đã được vay trên 3 tỷ đồng (trong 6 tháng) với lãi xuất ưu đãi 10,5% để đầu tư cho sản xuất. Cùng với đó công ty đã được giãn thuế trong các tháng 5,6,7 với số tiền 450 triệu đồng, được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% tiền thuê đất... qua đó đã giảm bớt khó khăn, duy trì được sản xuất. Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị sản xuất của Công ty đạt 39 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 3 tỷ, đảm bảo việc làm cho 101 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. 

 

 Doanh nghiệp cần được trợ sức

 

Qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cho thấy, Nghị quyết 13 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và các chính sách: miễn, giãn, giảm thuế... đã phần nào giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các chính sách trên, đặc biệt là vấn đề vốn vay. Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng: “Giải pháp của Chính phủ có thể coi là “liều thuốc” đặc trị tốt, nhưng triển khai vào thực tế còn nhiều bất cập. Ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất và trước ngày 15/7/2012, lãi suất cho vay với các hợp đồng cũ cũng được đồng loạt kéo giảm còn ở mức dưới 15%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sau một thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn nên khó còn đủ điều kiện để các ngân hàng cho vay vốn, bởi thực tế là hiện nay không ít doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm để vay.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vạn Xuân cho rằng: Việc tiếp cận được nguồn vốn có vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp trong lúc khó khăn, tuy nhiên hiện nay, nếu doanh nghiệp có tiếp cận được vốn thì cũng chỉ là nguồn vốn ngắn hạn (6 tháng). Do đó, chúng tôi tha thiết mong muốn Nhà nước, các ngân hàng xem xét tạo điều điện cho doanh nghiệp được vay trung và dài hạn để đảm bảo quay vòng phát triển sản xuất bền vững.

 

Bên cạnh vấn đề về vốn, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng về giá thuê đất. Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vạn Xuân cho biết: Công ty có diện tích 0,87 ha nằm trong cụm công nghiệp Nguyên Gon (T.X Sông Công) nhưng giá thuê đất lại tính theo giá trục đường thống nhất nên rất cao, năm 2010 giá thuê đất là 35 triệu đồng/năm, bắt đầu từ tháng 3/2011 theo khung giá mới, đơn vị phải trả 270 triệu đồng/năm (tăng 8 lần), áp dụng trong 5 năm. Năm 2011 và 2012, theo chính sách giảm khó khăn cho doanh nghiệp, đơn vị đã được giảm 50% tiền thuê đất nhưng chỉ là trước mắt, năm 2013, nếu không còn chính sách giảm nữa thì doanh nghiệp sẽ phải chịu 270 triệu/năm.

 

Cũng tương tự như vậy, lãnh đạo Công ty TNHH Liên doanh Lửa Việt Best, Cụm công nghiệp Khuynh Thạch (T.X Sông Công) băn khoăn bởi giá thuê đất của đơn vị vừa mới ký đã tăng từ 25 triệu đồng năm 2012 lên 161 triệu đồng từ năm 2013 (với thời gian 5 năm). Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp mong tỉnh nghiên cứu và có sự điều chỉnh hợp lý để doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất.