Từ năm 2009 đến nay, tỉnh ta có 13 mô hình áp dụng quy trình VietGAP, trong đó có 6 mô hình chè; 4 mô hình rau, củ, quả; 2 mô hình nhãn quả; 1 mô hình vải quả. Hiện nay, chỉ còn 7 mô hình, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAp vẫn còn hiệu lực.
Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là nhằm cung ứng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sống. 3 năm trước, mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP đầu tiên được thực hiện tại tỉnh ta (mô hình sản xuất chè). Thời điểm đó, các hộ tham gia mô hình ở xóm Tân Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) rất phấn khởi khi sản phẩm chè làm ra được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tiếp theo đó, nhiều hộ dân trồng chè ở Minh Lập (Đồng Hỷ), Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Trung Hội và Sơn Phú (Định Hóa)…; các hộ trồng nhãn ở Phúc Thuận (Phổ Yên); vải ở Hợp Tiến (Đồng Hỷ); rau ở xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên)… cũng áp dụng quy trình VietGAP.
Dù được nông dân đón nhận; ngành Nông nghiệp đã cử cán bộ hướng dẫn nông dân về quy trình kỹ thuật và hỗ trợ một phần kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm một số máy móc thiết yếu phục vụ xây dựng mô hình nhưng sau 3 năm, các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vẫn chưa được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đây là một nghịch lý khi mà nhu cầu về việc sử dụng sản phẩm VietGAP của người dân ngày càng cao và họ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được sản phẩm an toàn, nhất là rau, quả, thịt, trứng…
Được biết, ở tỉnh ta, quy trình VietGAP mới chỉ được áp dụng trong trồng trọt. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Khó khăn trong việc nhân rộng các mô hình là chưa có tổ chức, cá nhân nào tự bỏ tiền ra để đăng ký chứng nhận VietGAP. Từ trước đến nay, tất cả các mô hình chứng nhận VietGAP đều do Nhà nước hỗ trợ nên khi các chương trình, dự án kết thúc thì mô hình cũng kết thúc theo. Đơn cử như năm 2011, gần 10ha vải của một số hộ dân ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, sang năm 2012, khi dự án hỗ trợ của ngành Nông nghiệp kết thúc thì diện tích trên đã không còn đạt tiêu chuẩn VietGAP nữa, các hộ trồng vải đã quay lại phương thức truyền thống.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những khó khăn trong việc nhân rộng mô hình VietGAP nữa là hầu hết đất sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh còn manh mún, khi đăng ký sản xuất theo quy trình này, mặc dù đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhưng diện tích đăng ký chứng nhận ít, trong khi hộ dân tham gia nhiều nên khó khăn cho quá trình đánh giá, giám sát của tổ chức chứng nhận và ban quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã. Bên cạnh đó, do thói quen, nông dân thường ghi chép nhật ký không đúng, không cập nhật đủ thông tin. Anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Nhiều người, phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè hoặc rau xong, không ghi ngay ngày, giờ phun vào sổ nhật ký nên chỉ nhớ mang máng.
Đối với sản xuất rau, củ, quả, hầu hết các mô hình đăng ký chứng nhận đều chưa được đầu tư khu sơ chế đảm bảo theo quy định. Hơn nữa, phần lớn các mô hình rau, quả, chè được cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không có đầu ra ổn định, chỉ có một phần nhỏ sản phẩm được bán ra thị trường với giá cao hơn sản phẩm sản xuất thông thường, phần còn lại bán tự do tại chợ với giá không cao hơn so với phương pháp trồng truyền thống và chưa được người tiêu dùng tin tưởng... Anh Nông Văn Hải, xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đang sản xuất 5 sào chè theo quy trình VietGAP. Bằng mắt thường không thể nhận biết được đâu là chè sản xuất theo quy trình VietGAP, đâu là chè sản xuất theo phương thức truyền thống nên tôi rất lo khi được cấp Giấy chứng nhận rồi, sản phẩm chè của mình vẫn không được đánh giá tương xứng với giá trị thật của nó. Trong khi đó, áp dụng quy trình này, người nông dân chúng tôi phải bỏ ra nhiều công sức hơn so với sản xuất chè theo phương thức truyền thống.
Trước thực tế trên, các nhà chuyên môn cho rằng muốn nhân rộng các mô hình VietGAP, đặc biệt là thu hút các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình này, các địa phương cần chỉ đạo quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng sản xuất tập trung và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trạm bơm, hệ thống điện... Ngành chức năng cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí tập huấn, thuê tư vấn lập dự án; phân tích mẫu đất, nước, chất lượng rau, củ, quả, chè và công bố sản phẩm an toàn phù hợp tiêu chuẩn VietGAP đến người tiêu dùng; chủ động đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bao bì và xúc tiến thương mại cho sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất đại trà. Các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh, kiểm tra, chỉ rõ cho người tiêu dùng những địa chỉ sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, có nguồn gốc để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Về phía các hộ nông dân cần kiên trì thực hiện mô hình VietGAP và liên kết với nhau để có sản phẩm quy mô đủ lớn, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu thị trường; đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước và công bố với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường bằng cách trực tiếp đưa sản phẩm tới khách hàng hoặc hợp đồng liên kết với hệ thống bán lẻ, các đơn vị tiêu dùng với số lượng lớn như bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn hoặc các nhà máy chế biến, xuất khẩu…