Một trong 6 chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh dự ước không hoàn thành kế hoạch năm nay chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP). Đây là vấn đề đáng quan tâm bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người mà còn khó cho công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch những năm tiếp theo.
Mặc dù chỉ tiêu kế hoạch đề ra cả năm 2012 là phải đạt 11%, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm nay dự ước chỉ đạt 7,2%. Lý giải về sự sụt giảm này, ông Hoàng Gia Hinh, Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, nguyên do chủ yếu là bởi khu vực công nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá trị sản xuất đạt thấp. Sản lượng các sản phẩm chủ lực trong ngành công nghiệp như thép cán, than, thiếc giảm khá lớn so với năm trước do tiêu thụ chậm, tồn kho lớn. Lao động trong nhiều doanh nghiệp phải nghỉ việc luân phiên, lợi nhuận thấp. Ước tính giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ đạt khoảng 7,12%.
Đồng quan điểm với những phân tích trên, ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất công nghiệp bởi xét về cơ cấu kinh tế của tỉnh thì công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Do vậy, khi công nghiệp khó khăn, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Khi xây dựng kế hoạch cho lĩnh vực công nghiệp, các nhà hoạch định chủ yếu dựa trên những tính toán, dự báo về giá trị tăng thêm của ngành này. Trong báo cáo bổ sung của Sở Công Thương gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến chỉ tiêu kế hoạch năm nay cũng đã làm rõ vấn đề này.
Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Chỉ tiêu mà ngành đề ra năm nay là tăng giá trị sản xuất công nghiệp 16,3% so với năm 2011, tức là tương đương giá trị tăng thêm 2.200 tỷ đồng. Trong đó, dự báo tăng nội tại 10%, tương đương khoảng 1.320 tỷ đồng và năng lực mới tăng thêm khoảng 880 tỷ đồng. Tuy nhiên, do yếu tố thị trường không tốt, cung vượt cầu nên sản xuất hạn chế kéo theo giá trị tụt giảm dẫn đến tăng trưởng thấp. Thực tế, các dự án quy mô lớn năm nay lại chưa đi vào hoạt động; một vài dự án mới phát sinh trong năm nhưng lại không đáng kể; các dự án đang hoạt động lại có giá trị sản xuất thấp hơn dự kiến… Bởi vậy, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh cả năm 2012 dự ước đạt khoảng 89,2% kế hoạch.
Mặc dù giá trị tăng thêm của các khu vực khác như nông, lâm nghiệp, dịch vụ vẫn tăng khá cao (nông, lâm nghiệp tăng 58%, dịch vụ tăng khoảng 70%), song không đủ bù vào khoảng thiếu hụt lớn của khu vực công nghiệp, xây dựng. Bởi, theo cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2012 thì khu vực nông, lâm nghiệp chỉ chiếm 20,97%, dịch vụ chiếm 37,77%, trong khi công nghiệp, xây dựng chiếm 41,25%. Hơn nữa, trong tốc độ tăng trưởng kinh tế chung 7,2% của tỉnh năm nay thì đóng góp của khu vực công nghiệp, xây dựng vẫn là chủ đạo với 3,33%, còn lại là nông, lâm nghiệp chiếm 1,19%, dịch vụ 2,68%.
Trước thực tế đó, liệu năm 2013, kế hoạch tăng trưởng của tỉnh sẽ ở mức nào thì khả thi và điều đó có ảnh hưởng gì đến chỉ tiêu tăng trưởng toàn khóa mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra? Đó thực sự là bài toán không dễ đối với những nhà xây dựng kế hoạch của tỉnh bởi Nghị quyết chỉ rõ, mỗi năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh phải đạt từ 12%-13%. Năm 2012, chúng ta đã xây dựng kế hoạch ở mức 11% (tức là thấp hơn so với Nghị quyết), nhưng thực tế tăng trưởng của chúng ta chỉ đạt 7,2%. Bởi vậy, năm 2013, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng khá khiêm tốn: 9%. Theo ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì với mức tăng trưởng 9%, tính khả thi sẽ là rất cao. Tuy nhiên, chỉ tiêu đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến chỉ tiêu tăng trưởng chung của cả nhiệm kỳ. Ngoài ra, sự thụt giảm chỉ tiêu tăng trưởng cũng sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.
Năm nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp nên chỉ tiêu về tăng thu nhập bình quân đầu người cũng không hoàn thành kế hoạch đề ra (chỉ đạt 25,7 triệu đồng trong khi kế hoạch là 27 triệu đồng). Như vậy, mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân 45 triệu đồng đến năm 2015 như Nghị quyết đề ra là không phải dễ thực hiện. Cũng theo ông Lê Văn Ninh thì việc xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế được thực hiện trên cơ sở cân đối hài hòa, hợp lý giữa các yếu tố, trong đó không thể xa rời thực tế, năng lực tăng thêm và quan trọng là vẫn phải bám sát chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng.
Năm 2013 là năm kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục được dự báo còn gặp khó khăn, áp lực lạm phát lớn, thị trường tiêu thụ chưa thể hồi phục... Trước những khó khăn đó, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 9%, khu vực công nghiệp vẫn được chọn là chủ đạo của tỉnh với tổng giá trị sản xuất dự kiến đạt 34.529 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Năng lực tăng thêm mà ngành công nghiệp dựa vào vẫn là Dự án xây dựng Nhà máy cán thép Thái Trung và Dự án Khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo (đóng góp khoảng 2.000 tỷ đồng) cùng với một số dự án khác (khoảng 100 tỷ đồng)…
Việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 không phải chỉ xảy ra với Thái Nguyên mà là thực trạng chung của cả nước. Dự ước cả năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn quốc đạt 5,2% trong khi kế hoạch đề ra là 6,5%- 7%. Do vậy, đây là bài toán chung mà tất cả các địa phương, trong đó có tỉnh ta phải chú tâm tìm lời giải trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
|