Kinh tế Hà Nội 2013 ít khả quan

14:53, 09/12/2012

Năm 2012 là năm thứ 2 liên tiếp T.P Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội trong bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều thách thức, khó khăn hơn so với dự báo ban đầu. Trong khi đó, năm 2013 cũng chưa có nhiều triển vọng khả quan hơn.

Ba kịch bản tăng trưởng

 

Năm 2013, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều so với năm 2012. Với Việt Nam, mục tiêu của năm 2013 được xác định là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”.

 

Theo tình hình và dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và xu hướng tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực năm 2012, dự báo tăng trưởng của T.P Hà Nội năm 2013 có thể theo 3 kịch bản.

 

Ở kịch bản 1, được coi là kịch bản xấu nhất với giả định nguy cơ khủng hoảng nợ ở châu Âu chuyển thành khủng hoảng tài chính lớn, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu, tranh chấp quân sự có thể leo thang ở một số quốc gia là thị trường quan trọng của Việt Nam. Kinh tế cả nước khi đó có thể chỉ tăng trưởng dưới 5%, lạm phát trên 10%.

 

Thành phố Hà Nội trong bối cảnh đó cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, xuất khẩu tăng nhỏ hơn 9%. Huy động vốn đầu tư phát triển thấp (tăng thấp hơn 15% so với năm 2012); hiệu quả đầu tư hạn chế, hệ số ICOR tiếp tục ở mức cao (hơn 5,61%); có thể bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh quy mô rộng. Tình hình sản xuất kinh doanh của các DN; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tiếp tục gặp khó khăn; xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực xấu đi; thị trường bất động sản đóng băng.

 

Khi đó, tăng trưởng GRDP của Hà Nội sẽ dưới mức 8%, tăng trưởng đầu tư xã hội dưới 15%, GRDP/người sẽ dưới 52,3 triệu đồng.

 

Kịch bản 2 với giả định là kinh tế thế giới chưa thoát ra khỏi suy thoái, nhưng có dấu hiệu ấm lên; một số nền kinh tế lớn ở châu Á tăng trưởng cao hơn năm 2012 nhờ thực hiện hiệu quả chính sách kích thích tăng trưởng như nới lỏng tiền tệ, mở rộng thị trường, tăng đầu tư để tái thiết nền kinh tế ; khu vực đồng euro bắt đầu đi vào ổn định ; tranh chấp lãnh thổ, xung đột quân sự vẫn tiếp diễn.

 

Kinh tế Việt Nam khi đó sẽ kiểm soát lạm phát ở mức 7- 10%; GDP cả nước tăng từ 5- 6%.

T.P Hà Nội giả định về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, dịch bệnh. Tăng trưởng vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 15,0% - 16,5% so với năm 2012. Hiệu quả đầu tư có cải thiện so với năm 2012; hệ số ICOR thấp hơn 5,5%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội vẫn được đảm bảo; tăng trưởng xuất khẩu khoảng 9- 10%. Sản xuất kinh doanh của các DN, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu dần được khôi phục như mức đầu năm 2012; thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần; niềm tin của DN vào thị trường tăng lên.

 

Trong bối cảnh đó, GRDP của Hà Nội dự kiến đạt 8,0 - 8,5%, tăng trưởng đầu tư xã hội đạt từ 15 - 16,5%, GRDP/người đạt từ 52,3- 52,5 triệu đồng/người.

 

Khó hoàn thành kế hoạch 5 năm

 

Kịch bản lạc quan nhất được nêu ra là kinh tế thế giới bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng cao, các tranh chấp lãnh thổ, xung đột quân sự được giải quyết ổn thỏa, nhu cầu của thị trường bắt đầu tăng lên, khu vực đồng euro đi vào ổn định.

 

Kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên 6%, lạm phát được kiểm soát ở mức 7%. TP Hà Nội không bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nông nghiệp được mùa, tăng trưởng vốn đầu tư phát triển đạt trên 17% so với năm 2012. Hiệu quả đầu tư được cải thiện, hệ số ICOR ở mức khoảng dưới 5,0. Thị trường xuất khẩu của Hà Nội được mở rộng, tăng trưởng xuất khẩu trên 10%. Sản xuất kinh doanh của các DN, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu khôi phục như mức năm 2011; thị trường bất động sản sôi động trở lại; niềm tin của DN vào thị trường tăng.

 

Khi đó, GRDP của Hà Nội sẽ tăng trên 8,5%, tăng trưởng đầu tư xã hội tăng trên 16,5%, GRDP/người tăng trên 52,5 triệu đồng.

 

Được biết, theo chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015, dự kiến tăng trưởng năm 2013 đạt mức 8,5% thì nhiệm vụ còn lại trong hai năm 2014-2015 của TP Hà Nội sẽ là tăng trưởng GRDP từ 16,8 đến 19,5%, tăng trưởng vốn đầu tư phát triển 22,3 đến 24,9%. Tăng trưởng xuất khẩu từ 18,5 đến 21,0%. Với nhiệm vụ còn lại nặng nề, bối cảnh kinh tế xấu ngoài mong đợi như năm qua, khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm này là khó khả thi.