Bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua con giống, đầu tư thức ăn chăn nuôi và mất nhiều công chăm sóc nhưng sản phẩm đầu ra không có người mua, dẫn đến bị thua lỗ. Đó là kết quả của một số mô hình nuôi con đặc sản trên địa bàn huyện Phổ Yên thời gian qua.
Dẫn chúng tôi đi thăm dãy chuồng trại chăn nuôi nhím của gia đình, ông Đinh Văn Cát, xóm Soi, xã Đông Cao kể: Năm 2009, nhận thấy mô hình nuôi nhím ở các địa phương khác đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhà tôi đã đầu tư mua 3 đôi nhím hết gần 60 triệu đồng đem về nuôi. Thức ăn chăn nuôi nhím cũng đơn giản, chỉ là rau, củ, quả... rất dễ kiếm. Đến nay, 3 đôi nhím của nhà tôi đã đẻ được hơn chục con. Năm ngoái, có người đến trả 4 triệu đồng/đôi nhím giống, tôi thấy giá rẻ quá nên không bán. Năm nay thậm chí chẳng có ai đến hỏi mua, trong khi cả tiền con giống, tiền thức ăn chăn nuôi cũng ngốn hết gần trăm triệu đồng. Số tiền đó ở nhà nông chúng tôi không phải là dễ có được. Giờ tôi cứ nuôi để đấy thôi chứ cũng không biết đến bao giờ mới bán được.
Gia đình ông Trần Văn Huệ, ở xóm Vàng, xã Tân Hương cũng đã từng rơi vào tình cảnh “ế ẩm” tương tự. Năm 2008, ông đầu tư chuồng trại nuôi chồn nhung đen giống và chồn thương phẩm. Ông chia sẻ: Nuôi loài vật này tôi thấy giá cả lên xuống rất thất thường, lúc đắt thì không có hàng để bán, lúc thì giá rẻ bán cũng chẳng có ai mua. Ngoài ra, chúng tôi vẫn chưa có đầu ra ổn định, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là người này giới thiệu cho người kia mua con giống về nuôi. Khi con vật bị mắc dịch bệnh, chúng tôi chưa biết cách điều trị, chủ yếu theo kinh nghiệm của mỗi người. Thấy không hiệu quả, tôi đã bỏ nuôi chồn để chuồng trại trống trơn.
Không chỉ riêng mô hình nuôi chồn nhung đen, nhím phải đối mặt với nhiều rủi ro mà hiện nay, nhiều hộ dân nuôi các loài vật đặc sản như: rắn, ba ba, lợn rừng, hươu sao... cũng đang trong tình trạng muốn giải nghệ do biến động của thị trường đầu ra, giá cả bấp bênh, bị thua lỗ. Người chăn nuôi khi có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm không thể đem con đặc sản ra ngoài chợ bán dễ như gà, vịt, lợn. Được biết, vào thời điểm từ năm 2007 đến 2010, giá các con vật đặc sản lên cơn sốt, người dân đổ xô đi lùng mua khiến nguồn giống không có đủ để cung cấp, một số nhà hàng kinh doanh ăn uống trong tình trạng “đói” thịt dù đặt mua với giá cao, người dân thu lãi lớn. Thấy vậy, nhiều hộ dân trong huyện Phổ Yên đã đầu tư nuôi tràn lan. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi con giống đã bão hòa, giá giảm chỉ còn bằng 1/4 so với thời điểm sốt giá, khiến nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần bởi số vốn bỏ ra ban đầu khá cao.
Chị Dương Thị Chai, Phó Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên cho biết: Đối với loài động vật được coi là đặc sản, trước khi nuôi, bà con nông dân nên cân nhắc thật kỹ đầu ra, bởi giống những loại động vật này thường rất đắt. Hơn nữa, người dân rất dễ gặp rủi ro khi chưa được trang bị kiến thức, kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng, chữa dịch bệnh đầy đủ; nếu không cẩn thận thì có thể dẫn tới nguy cơ thiệt hại về kinh tế.
Có thể thấy, nuôi con đặc sản có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu người dân có thị trường tiêu thụ ổn định và được tập huấn khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng, chữa dịch bệnh. Mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện sẽ có những giải pháp quảng bá, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân, nhất là đối với những loài vật nuôi mới, có hiệu quả kinh tế cao; cùng đó là định hướng cơ cấu vật nuôi phù hợp, mang tính ổn định và lâu dài.