“Mổ xẻ” những trở ngại của doanh nghiệp nhỏ và vừa

10:47, 19/12/2012

98% số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Riêng năm 2012, số DN ngừng hoạt động, tạm nghỉ kinh doanh đã lên tới trên 660 DN, tăng tới 325,8% so với năm 2011. Hãy thử phân tích, “mổ xẻ” những hoạt động của khối các DN này để hiểu rõ hơn nguyên nhân sâu xa của vấn đề.

Luôn trong tình trạng khát vốn

 

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 90% số DNVVN trong tỉnh phải đi vay vốn ngân hàng, việc tiếp cận được nguồn vốn có vai trò quyết định đối với sự tồn tại của DN, nhất là trong lúc khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, một thực tế là hiện tại nếu DN có tiếp cận được vốn thì cũng chỉ là nguồn vốn ngắn hạn (khoảng 6 tháng). Nên mong mỏi của các DN chính là được các ngân hàng xem xét tạo điều điện cho vay nguồn vốn trung, dài hạn để bảo đảm quay vòng phát triển sản xuất bền vững. Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ một DNNVV có trụ sở tại phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Mặc dù lượng vốn hoạt động không quá lớn, khoảng 2 tỷ đồng, song việc vay được vốn ngân hàng không phải dễ, trong khi thời hạn vay quá ngắn. Chúng tôi chủ yếu kinh doanh hàng tiêu dùng nên rất cần thời gian để quay vòng vốn.

 

Phải nói rằng, thời gian qua hệ thống các ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất, nhất là trước thời điểm ngày 15/7/2012, lãi suất cho vay với các hợp đồng cũ cũng được đồng loạt giảm xuống, nhưng các DN sau một thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn nên ít đơn vị còn đủ điều kiện để các ngân hàng cho vay. Thực tế hiện nay nhiều DN không còn tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm để vay. Theo ông Đinh Văn Trung, Giám đốc một Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng ở huyện Đồng Hỷ thì dự án phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị mặc dù đã được các cấp, ngành có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa được ngân hàng giải ngân vì lý do thủ tục, quyết định cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các DNNVV khác nhau.

 

Mặt khác, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, phát triển hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư phát triển... nhưng có thể thấy các quỹ này đều là quỹ chuyên ngành, nhằm mục đích đẩy mạnh hoạt động của một ngành, lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, việc tiếp cận các quỹ này rất khó khăn do các DNNVV chưa phải là đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Việc thành lập Quỹ phát triển DNNVV là rất cần thiết đối với các DN trong tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thể hình thành.

 

Thiếu trình độ khoa học, công nghệ

 

Phải thừa nhận, DNNVV trên địa bàn tỉnh nhìn chung hiện nay đều hạn chế về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ. Trong khi đó số lượng các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ còn rất ít;  xu hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng lâu dài, bền vững chưa rõ ràng nếu không muốn nói là chưa có. Bởi vậy, chiến lược quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm, khơi thông kênh tiêu thụ hàng hoá… đã không được các DN quan tâm thực hiện. Đa phần các DN có công nghệ lạc hậu do không có lợi thế về tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động hay thị phần tiêu thụ hàng hóa. Cái mà các DN hiện đang làm chỉ là lựa chọn mục tiêu kinh doanh thế nào cho phù hợp với khả năng vốn có; ổn định, củng cố thị phần đã có hoặc phát triển thị trường từng bước... mà thôi. Do vậy, các DNNVV sẽ rất khó khăn trong tiếp cận cải tiến công nghệ mặc dù biết qua đó sẽ rút ngắn được thời gian lao động, giảm chi phí hay những yêu cầu ngày càng cao của đối tác và khả năng thích nghi với môi trường cạnh tranh gay gắt. Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến một số DN trên địa bàn nhập các dây chuyền công nghệ sản xuất công nghiệp vào loại lạc hậu nhất về lắp ráp và vận hành. Hậu quả là nguyên, nhiên liệu thì quá tốn kém, trong khi công suất đạt thấp, chất lượng sản phẩm lại không như mong muốn. Cụ thể có DNNVV trong ngành luyện kim thiếu hiểu biết và tham dẻ đã nhập dây chuyền tuyển khoáng và nấu luyện gang thép của Trung Quốc công nghệ cách đây cả nửa thế kỷ, mang về và gia công thêm một số bộ phận rồi đưa vào vận hành. Kết quả, càng vận hành DN càng lỗ, cuối cùng phải giải thể.

 

Làm gì để cứu DN?

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 3.317 DN được cấp phép hoạt động, trong đó chủ yếu là các DNNVV. Sự đóng góp cho nền kinh tế của các DNNVV từ trước đến nay là không thể phủ nhận, nên khi khối DN này gặp khó khăn, tất yếu nền kinh tế sẽ chịu tác động xấu. Chính vì thế mà sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp chính quyền đối với hoạt động của các DNNVV là rất quan trọng. Hiện tại, ngành Công Thương đang đề xuất với tỉnh phương án chỉ đạo các DN thực hiện tốt việc tổ chức lại sản xuất, tăng cường công tác quản lý để giảm chi phí đầu vào, chi phí gián tiếp, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn. Các DN cần thiết phải rà soát, điều chỉnh phương án sản xuất cho phù hợp với tình hình thị trường hiện tại; cơ cấu lại vốn sử dụng, tổ chức tốt hoạt động xúc tiến thị trường, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các DN, tổ chức tốt hoạt động xúc tiến thị trường, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm.

 

Về phía mình, các DN cũng kiến nghị: Đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao, đã được thẩm định, phê duyệt, rất mong tỉnh có cơ chế can thiệp cụ thể để các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn theo kế hoạch đã được phê duyệt. Cũng cần sớm đánh giá lại thực trạng hoạt động của những DN có nợ xấu tại các ngân hàng, để có cách can thiệp phù hợp, giúp họ tìm ra phương án sản xuất khả thi… và tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì sản xuất, kinh doanh, có thể trả nợ cũ. Kiến nghị ngân hàng không thu thêm bất kỳ loại phí gì đối với các DNNVV khi họ muốn trả gốc và lãi vay cũ mà chưa đến kỳ hạn trả, đồng thời giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay mới với lãi suất theo quy định. Hơn nữa, tỉnh cũng cần sớm giúp đỡ và định hướng cho DN tiếp cận với nguồn vốn ưu tiên cho sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tinh thần Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 09-5-2012 của Chính phủ.