Phú Lạc phát triển chè vụ đông

09:14, 04/12/2012

Với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè, những năm gần đây, xã Phú Lạc (Đại Từ) đã triển khai nhiều dự án như đưa giống chè chất lượng cao vào trồng thử nghiệm, mở rộng diện tích trồng chè, khuyến khích bà con sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap... Nhờ đó, năng suất, sản lượng chè của xã đã tăng lên, đặc biệt là chè vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân…

 Trên đồi chè của gia đình, anh Nguyễn Hữu Quyết, xóm Lũng 1, xã Phú Lạc cho biết: Được Nhà được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật… gia đình tôi đã chuyển đổi được trên 50% diện tích (khoảng 0,5ha) sang trồng chè cành giống Kim Tuyên, diện tích chè trung du còn lại nhà tôi vẫn tiếp tục chăm sóc để thu hoạch vụ đông. Thay vì đốn chè vào dịp cuối năm để chuẩn bị cho vụ chè xuân như trước, cuối tháng 8, sau khi thu hái lứa chè cuối vụ, anh Quyết đã tiến hành cúp tán chè để thu thêm lứa chè vụ đông.

 

Theo anh Quyết, dù thời tiết vụ đông lạnh, có nhiều sương muối song do đảm bảo tưới tiêu thường xuyên, vườn chè của gia đình anh vẫn phát triển tốt, mỗi lứa thu từ 10-15kg chè khô. Tuy thời gian chăm sóc chè vụ đông thường dài hơn, sản lượng chỉ bằng 2/3 so với chè chính vụ nhưng với giá bán cao hơn 30-40 nghìn đồng/kg, chè lại dễ bán, người trồng chè cũng thấy phấn khởi. Thời điểm thu hoạch chè vụ đông trước Tết Nguyên đán, thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm. Cây chè vụ này cũng ít bị sâu bệnh nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Có kinh nghiệm làm chè gần chục năm nay, anh Lê Minh Khuê, xóm Đại Hà đã chuyển đổi 3ha chè của gia đình sang trồng chè cành giống LDP1, LDP2… mỗi lứa thu được 8 tạ chè khô, với giá bán bình quân 120 nghìn đồng/kg.

 

Được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 35 triệu đồng, gia đình anh Khuê bỏ thêm 60 triệu đồng đầu tư hệ thống van xoay tưới được trên 70% diện tích chè, nên vụ đông nào gia đình anh Khuê cũng có thêm nguồn thu nhập từ chè. Anh Khuê bảo: Để có nước tưới chè trong mùa khô, gia đình tôi đã đắp 3 đập tích giữ nước. Mỗi năm, gia đình tôi thu được khoảng 7 lứa chè chính vụ và 2 lứa chè vụ đông, mặc dù chè đông không cho năng suất cao như chè chính vụ nhưng dễ bán, lại được giá và dễ thuê người hái, công rẻ, không như vào thời điểm chính vụ nên nhà nông chúng tôi cũng có thêm động lực để làm chè vụ đông. Trừ chi phí, gia đình tôi thu được khoảng 400 triệu đồng/năm từ cây chè, từ đó, có vốn để đầu tư trở lại cho vườn chè và mua sắm máy móc đỡ sức người trong chế biến.

 

Nói về hiệu quả cây chè ở Phú Lạc, đồng chí Bùi Văn Đam, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây chè trung du đã có ở Phú Lạc vài chục năm nay. Những năm trước đây, bà con chưa quan tâm đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp, diện tích không được mở rộng. Xu hướng của xã là tập trung duy trì ổn định những diện tích chè hiện có, đồng thời khuyến khích các hộ nông dân tham gia trồng chè thay thế dần những diện tích chè cho thu hoạch kém, bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn, như giống chè LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên…

 

Vài năm trở lại đây, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, người dân cũng chủ động đầu tư chuyển đổi sang trồng chè cành thay thế giống chè trung du già cỗi. Vì thế, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, xã đều xây dựng chỉ tiêu phát triển cây chè, tăng diện tích trồng mới, trồng lại với các giống mới năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, để bổ sung kiến thức cho bà con nhân dân, xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè; phòng trừ sâu bệnh hại chè; sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap… Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang hỗ trợ bà con thực hiện mô hình chè cành giống mới (PH8, PH9) ở xóm Na Hoàn và Chợ Mới trên diện tích 3ha, hiện cây chè đang sinh trưởng phát triển tốt.

 

Hiện nay, xã có 479ha chè, trong đó có 57ha chè cành, năng suất bình quân đạt 97 tạ/ha (cao hơn từ 1-2 tạ so với năm trước), sản lượng chè búp tươi ước đạt 3.200 tấn/năm. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, bà con trong xã đã trồng mới, trồng lại được 27ha chè cành, đạt 110% so với kế hoạch đề ra. 100% hộ dân trong xã đều trồng chè và coi chè là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập chính cho gia đình, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ phá bỏ vườn tạp sang trồng chè. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của xã đạt 9,7 triệu đồng/năm, số hộ nghèo giảm 3% so với năm trước (hiện còn 29%).

 

Cùng với rà soát, quy hoạch, cải tạo diện tích chè già cỗi, hiện nay, Phú Lạc đang đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền người dân thực hiện chặt chẽ quy trình kỹ thuật, nhất là về đầu tư chăm sóc, thâm canh để nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng chè, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn chè an toàn, trong đó đặc biệt lưu ý từ khâu thu hái, đốn chè đúng thời vụ, đưa phân chất lượng cao để chăm sóc và cải tạo vườn chè. Theo đồng chí Bùi Văn Đam thì cần quy hoạch những vùng có đủ khả năng làm chè vụ đông để có sự hỗ trợ, đầu tư đúng mức, cũng như tạo điều kiện cho các hộ trồng chè được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư, thâm canh chè, nhằm giúp người nông dân làm chè vụ đông thực sự có hiệu quả.