Quỹ Bảo vệ môi trường: Vốn ít, doanh nghiệp thiếu mặn mà

10:13, 12/12/2012

Do vốn điều lệ chỉ có 10 tỷ đồng nên hạn mức mà Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh có thể hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp vay vốn đầu tư công trình, dự án bảo vệ môi trường tối đa là 1,5 tỷ đồng. Thực tế thì với lượng vốn vay quá ít đó sẽ rất khó cho việc đầu tư “ra tấm, ra món” đối với các công trình, dự án quy mô. Bởi vậy, thời gian qua thay vì mặn mà, các doanh nghiệp đã thờ ơ với nguồn vốn này.

Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh được thành lập từ giữa năm 2010 trên cơ sở không vì mục đích lợi nhuận, tạo nguồn vốn đầu tư cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường. Với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, đáng lẽ Quỹ Bảo vệ môi trường phải là nơi thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia, nhưng sau hơn 2 năm hoạt động hiện tại mới chỉ có 2 đơn vị chính thức vay vốn. Đó là Công ty CP Tiến Mạnh (vay 900 triệu đồng) và Công ty CP Chế biến thực phẩm Thái Nguyên (vay 850 triệu đồng). Đây là hai doanh nghiệp thực hiện các dự án xử lý môi trường ở quy mô nhỏ với tổng vốn đầu tư từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng nên mới tham gia vay vốn ưu đãi tại Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh. Tuy vậy, đại diện 2 doanh nghiệp này cũng thừa nhận mặc dù số lượng vay ít, nhưng thủ tục vay còn quá khắt khe, thời hạn vay lại ngắn.

 

 Bà Đoàn Thị Nhung, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Theo quy định dù vay ít hay nhiều, các đơn vị tham gia đều phải lập dự án và phải được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, trong khi đó thời hạn cho vay chỉ 2 năm. Bởi thế, cho dù có phù hợp với lượng vay của các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ, nhưng lại không mấy đơn vị tham gia. Cũng theo bà Đoàn Thị Nhung thì nhu cầu vay vốn thực hiện mục đích bảo vệ môi trường hiện tại là khá lớn, nhưng mức vay của Quỹ quá ít nên các doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ khó tham gia. Công ty CP Nhiệt điện Cao Ngạn khi triển khai Dự án xử lý môi trường với tổng vốn trên 10 tỷ đồng cũng đã đặt vấn đề vay vốn tại Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh, nhưng do hạn mức vay quá ít nên đã không tham gia. Hợp tác xã (HTX) Bao bì Quân Thành ở huyện Phổ Yên cũng có ý định vay vốn từ nguồn Quỹ này, song cũng vì hạn mức vay thấp, thời hạn vay lại quá ngắn nên đã tìm đến các ngân hàng thương mại cổ phần, mặc dù phải chịu lãi suất cao hơn.

 

Năm 2012, Quỹ Bảo vệ môi trường đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký vay vốn của một số đơn vị, song hiện tại vẫn chưa thể xuất vốn bởi nhiều nguyên do. HTX Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi đã ký hợp đồng tín dụng vay 1,5 tỷ tại Quỹ để thực hiện Dự án Xây dựng cơ sở xử lý chất thải công nghiệp (tổng đầu tư 10 tỷ đồng), tuy nhiên, do HTX không có tài sản thế chấp nên hiện tại Quỹ đang chờ bảo lãnh từ phía Chi nhánh Ngân hàng Công thương Thái Nguyên mới có thể xuất vốn. Được biết, nhu cầu thực vay của đơn vị này là khoảng 7 tỷ đồng. Công ty CP Phụ tùng máy số 1 đã xây dựng Dự án Thu gom tách nước mưa và Trạm xử lý nước thải, có nhu cầu vay 1,5 tỷ đồng, hiện đang chờ thủ tục đề nghị Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt. Một đơn vị nữa là Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Hồng Hà với Dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải và ống thu gom chất thải rắn, mặc dù đã được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, song phía doanh nghiệp còn khó khăn về bảo đảm tiền vay…

 

Theo Quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh thì vốn điều lệ của Quỹ là 10 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp, tương đương với hạn mức cho vay tối đa là 1,5 tỷ đồng. Vốn điều lệ sẽ được bổ sung thêm 10 tỷ đồng nữa khi Quỹ đã giải ngân hết số vốn ban đầu. Theo bà Đoàn Thị Nhung thì chắc chắn nguồn vốn không thiếu, nhưng quy định vốn điều lệ như vậy là quá thấp, nếu tăng vốn lên 30 hoặc 50 tỷ đồng thì hạn mức vay sẽ được tăng theo ở mức từ 4,5 đến 7,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thời hạn vay cũng cần kéo dài từ 4 đến 5 năm (Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đang triển khai vay vốn thời hạn 5 năm). Như vậy, các doanh nghiệp, đơn vị mới thực sự mặn mà với nguồn vay ưu đãi của Nhà nước, từ đó thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Theo quy định thì Quỹ được phép cho đơn vị, doanh nghiệp vay tới 70% tổng vốn đầu tư của công trình, dự án bảo vệ môi trường mà đơn vị, doanh nghiệp đó thực hiện.

 

Ngoài được trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm của tỉnh, mỗi năm Quỹ còn được bổ sung vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn; phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản và các loại phí bảo vệ môi trường khác; từ tiền đền bù thiệt hại về môi trường của các tổ chức, cá nhân; tiền đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ; tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, hiện tại gần như các nguồn này đều chưa có hoặc nếu có thì không đáng kể. Riêng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, hàng năm Quỹ vẫn được bổ sung khá đều đặn, song chưa rõ ràng về mặt tỷ lệ trích phần trăm.

 

Quỹ Bảo vệ môi trường được thành lập là để giúp các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đầu tư và có điều kiện đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường do tác động từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi các đơn vị, doanh nghiệp không còn mặn mà với nguồn vốn này cũng chính là lúc tỉnh nên xem xét, điều chỉnh, bổ sung các điều kiện cần thiết sao cho phù hợp không chỉ đối với nguồn vốn, hạn mức vay mà với cả thời gian cũng như các thủ tục vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường.