Sản xuất công nghiệp giảm, tồn kho lớn

10:32, 25/12/2012

Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2012 đạt 4,8%, là mức thấp so với nhiều năm gần đây, trong khi tồn kho nhiều ngành vẫn cao.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2012 tăng 4,8% so với năm 2011, mức tăng này thấp so với một số năm trở lại đây (chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng 8,8%; năm 2011 tăng 7,3%), trong khi đó nhiều ngành còn tồn kho lớn.

 

Sản xuất công nghiệp thấp, kéo GDP thấp

 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đóng góp vào mức tăng trưởng 4,8% năm 2012 của chỉ số sản xuất công nghiệp, có công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,3%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

 

Sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm đang bắt đầu có chuyển biến tích cực và có xu hướng tăng dần (IIP các tháng cuối năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 như sau: tháng 9 tăng 101,9%; tháng 10 tăng 103,9%; tháng 11 tăng 104,9%; tháng 12 tăng 105,9%), chỉ số tồn kho giảm dần (chỉ số tồn kho các tháng cuối năm 2012 như sau: 01/7: 121,0%; 01/8: 120,8%; 01/9: 120,4%; 01/10: 120,3%; 01/11: 120,9%; 01/12: 120,1%.).

 

Về nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp năm nay giảm, theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục; sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sút cũng là nguyên nhân quan trọng khiến GDP năm 2012 không đạt mục tiêu đề ra (GDP cả năm chỉ đạt 5,03%, thấp hơn mức dự báo có thể đạt 5,2-5,3%).

 

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so với năm 2011, như: Đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 136,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 48,3%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 39,6%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 23,7%; sản xuất pin và ắc quy tăng 18% và sản xuất đường; thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuất, truyền tải và phân phối điện; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; khai thác khí đốt tự nhiên; khai thác dầu thô; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ; sản xuất bia.

 

Tuy nhiên, còn nhiều ngành có mức tăng thấp so với năm 2011 là: may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú); sản xuất sắt, thép, gang; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất thiết bị điện...

 

Các ngành sản xuất giảm như: vải dệt thoi; giày, dép; dây cáp, dây điện; sơn, vec ni; hàng may sẵn (trừ trang phục); xi măng; sản phẩm điện tử dân dụng; khai thác và thu gom than cứng; xe có động cơ; mô tô, xe máy; khai thác đá, cát, sỏi.

 

Tồn kho nhiều ngành còn cao

 

Mặc dù chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Nhưng tỉnh chung đến thời điểm 1/12/2012, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước.

 

 

Trong đó những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%; sản xuất dây, cáp điện tăng 56,8%; sản xuất bia tăng 44,5%; sản xuất thuốc lá tăng 42,2%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 42,1%; may trang phục tăng 41,5%.

 

Cạnh đó, nhiều ngành sản xuất khác cũng tồn kho tăng như: phân bón và hợp chất ni tơ; xi măng; chế biến và bảo quản thuỷ sản; mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa; sản xuất pin, ắc quy.

 

Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 so với giá trị sản xuất ước tính cả năm 2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 6,9%, trong đó một số ngành có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho cao như: chế biến và bảo quản thuỷ sản 12,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 10,6%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ 9,5%; sản xuất xe có động cơ 9,1%.

 

Thực trạng này, tại nhiều diễn đàn gần đây, nhiều chuyên gia đánh giá, tồn kho do có sự tích tụ từ thời gian trước, khi một số ngành không được định hướng rõ hoặc không tuân thủ quy hoạch chung như ngành thép, xi măng, bất động sản…

 

Ngay trong phiên làm việc sáng 22/10/2012, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2013. Trong đó, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị phải khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế, đó là là hàng hóa tồn kho và nợ xấu. Tồn kho hàng hóa càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên.

 

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế còn khẳng định: Giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, cần tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, chủ yếu sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, căn hộ nhà chung cư...