Năm 2012, nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng một thập kỷ trở lại gần đây, ngoại trừ hai năm khủng hoảng 2008-2009. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu mạnh lên trong quý I, yếu đi trong quý II và phục hồi chậm trong quý III cho thấy tính chất mong manh và bấp bênh của quá trình hồi phục.
Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 dự kiến vào khoảng 2,3%, trong đó các nước có thu nhập cao tăng trưởng khoảng 1,3% và các nước đang phát triển khoảng 5,2%. Tương ứng với tốc độ tăng trưởng này, khối lượng thương mại của kinh tế thế thế giới ước tính chỉ tăng 3,6% trong năm 2012.
Tác động của chính sách
Sự phục hồi yếu ở các nền kinh tế có thu nhập cao chủ yếu do tác động của chính sách khi các nhà đầu tư và các hộ gia đình vẫn chưa tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ có khả năng hành động một cách quyết đoán để quay trở lại với lộ trình tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định hơn. Ở Mỹ, thị trường lao động và nhà đất có dấu hiệu hồi phục (đây là dấu hiệu tích cực cho các nước như Việt Nam, là nước chủ yếu xuất khẩu hàng tiêu dùng sang thị trường Mỹ). Song, hoạt động đầu tư và sản xuất công nghiệp lại thể hiện sự yếu kém bất thường. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở châu Âu không còn sụt giảm với tốc độ báo động, nhưng tăng trưởng vẫn rất yếu do khả năng có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng ở khu vực đồng Euro là không thể coi nhẹ. Ở Nhật Bản, nền kinh tế có dấu hiệu sụt giảm một phần do những tác động đối với hoạt động kinh tế xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng về chủ quyền trên một số hòn đảo và do chính sách hỗ trợ mua xe ô tô mới đã chấm dứt.
Các nước đang phát triển đã thành công trong việc lấy cầu trong nước mạnh để bù đắp cho tác động sụt giảm từ môi trường yếu kém bên ngoài. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu tính đến giữa năm đều ở mức thấp, song các nước đang phát triển vẫn là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu, với kim ngạch nhập khẩu dự kiến ước tính tăng khoảng 5,9% trong năm 2012. Tương tự, doanh thu bán lẻ của các nước này tăng 13,9% và sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,6%. Kết quả tương đối tốt ở các nước đang phát triển đã góp phần giảm nhẹ tình trạng suy thoái ở khu vực đồng Euro và các nước thu nhập cao khác. Trên thực tế, từ năm 2011, các nước đang phát triển tiếp nhận đến 2/3 mức gia tăng xuất khẩu ra ngoài châu Âu của các doanh nghiệp Pháp và Đức. Đồng thời, trong xu hướng tăng cường kết nối Nam - Nam, trên một nửa số hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển từ năm 2010 là xuất sang các nước đang phát triển khác, dần dần làm cho kết quả kinh doanh dài hạn của họ bớt đi sự lệ thuộc vào các thị trường thu nhập cao.
Tình hình tài chính được cải thiện
Các điều kiện được nới lỏng trên thị trường tài chính toàn cầu đã làm giảm mức độ rủi ro và cải thiện tình hình tài chính ở các nước đang phát triển. Mức độ lạc quan của thị trường đã được cải thiện nhờ vào quyết định của ngân hàng trung ương các nước như Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản sẽ tiếp tục nới lỏng định lượng đáng kể trong việc tái cấp vốn các ngân hàng thương mại cả ở Mỹ và châu Âu, thỏa thuận thành lập cơ quan giám sát ngân hàng liên Âu và quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ các nền kinh tế rơi vào khó khăn. Các hành động này đã làm giảm mức độ rủi ro trên toàn cầu, trong đó có cả các nước đang phát triển.
Một số yếu tố cho thấy tăng trưởng sẽ mạnh lên và tăng tốc nhẹ trong giai đoạn 2013 - 2015. Ở Mỹ, việc tái cấu trúc thị trường nhà đất dường như đã đạt được bước ngoặt và dự kiến sẽ đóng góp tích vực vào tăng trưởng trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Ở khu vực đồng Euro, mức độ thắt chặt tài khóa sẽ giảm bớt và qua đó tác động tiêu cực của chính sách này đối với tăng trưởng sẽ giảm, góp phần nâng cao tăng trưởng trong năm 2013. Nhìn chung, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2013 dự báo sẽ vào khoảng 2,6% và dần dần tăng lên đến khoảng 3,5% vào năm 2015. Tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển dự báo vào khoảng 5,6% trong năm 2013 và dần dần tăng lên đến 5,9% vào năm 2015. Ngược lại, tăng trưởng GDP ở các nước có thu nhập cao dự báo sẽ tăng không đáng kể, chỉ ở mức 1,5% năm 2013 và tăng lên 2,4% vào năm 2015.
Với nhu cầu từ bên ngoài yếu, các nước khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) ngày càng dựa nhiều hơn vào cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả thương mại ở khu vực EAP khá đa dạng, trong đó Indonesia, Malaysia và Thái Lan suy giảm cán cân thương mại trong ba quý đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Trung Quốc và Việt Nam có cán cân thương mại tăng. Đồng thời, ở các nước lớn thuộc khu vực ASEAN, cầu nội địa tăng 9,4% trong quý II, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nói chung. Lý do chính của việc mở rộng chi tiêu đầu tư xuất phát từ các vấn đề trong nước như: chi tiêu liên quan đến bầu cử ở Malaysia; chi tiêu cho hoạt động tái thiết sau trận lụt năm 2011 ở Thái Lan và đầu tư FDI vào Indonesia tăng vọt. Ngược lại với xu hướng của cả khu vực, tốc độ đầu tư của Việt Nam giảm, một phần do chính sách chống lạm phát.
Tăng trưởng sẽ ở mức độ vừa phải trong năm 2012, do việc lấy lại thăng bằng sẽ dẫn đến suy giảm có tính chất cơ cấu ở một số nền kinh tế lớn ở khu vực EAP. GDP dự kiến tăng trưởng chậm ở mức 7,4% trong năm 2012, chủ yếu là do cầu từ bên ngoài yếu và các hành động chính sách của Trung Quốc hướng tới điều hòa cầu trong nước và kiểm soát lạm phát. Trong tương lai, tăng trưởng GDP trong khu vực này dự kiến tăng lên 7,8% trong năm 2013 trước khi bình ổn ở mức 7,6% vào năm 2014-2015. Tăng trưởng GDP ở các nước khác trong khu vực dự báo ở mức trung bình 5,8% trong giai đoạn 2013-2015 trên cơ sở tăng trưởng thương mại toàn cầu và khôi phục cầu trong khu vực hướng đến tiêu dùng. Thu nhập khả dụng trong khu vực dự báo sẽ tăng nhờ tăng tỉ giá thực, tăng trưởng tiền lương cao ở Trung quốc và ASEAN-4 (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia) và chính sách tiền tệ điều tiết trong bối cảnh lạm phát thấp trong cả khu vực.
Cần chủ động ứng phó thách thức
Dự báo tăng trưởng chỉ tăng nhẹ trong năm 2013 còn phụ thuộc vào một số rủi ro đáng kể. Mặc dù khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế trên toàn châu Âu đã giảm đi đáng kể, song nó vẫn có thể xảy ra và có khả năng làm cho GDP của các nước đang phát triển giảm đi 4,0% hoặc cao hơn. Thứ hai, nếu như nền kinh tế Mỹ rơi vào vực thẳm tài khóa thì mức độ thâm hụt tài khóa có thể sẽ lên đến 4,6% GDP. Trong trường hợp đó, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và làm cho sản lượng của các nước đang phát triển giảm theo từ 0,2 đến 0,8 điểm phần trăm tùy thuộc vào quan hệ thương mại của các nước này với Mỹ…
Các nhà hoạch định chính sách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cần chuẩn bị tâm thế đón nhận một môi trường quốc tế tiếp tục bất ổn và tăng trưởng chỉ ở mức yếu ớt trong trung hạn. Chuẩn bị sẵn sàng trước khủng hoảng tiếp diễn vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong khi mọi dấu hiệu về luồng vốn quay trở lại đều phải đặt vào trong bối cảnh chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách an toàn vĩ mô phù hợp để tránh làm cho rủi ro trong nước gia tăng quá mức. Các nước vốn đã có kinh nghiệm tăng trưởng tín dụng cao cần đặc biệt cảnh giác, đồng thời các nhà nhập khẩu hàng hóa cơ bản cần tiếp tục có biện pháp và xây dựng thể chế để tránh lệ thuộc quá mức vào doanh thu từ hàng hóa cơ bản và tăng khả năng thích ứng, chống chịu với các cú sốc giá cả đối với các mặt hàng này. Triển vọng kém lạc quan về các nền kinh tế tiên tiến tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của cầu trong nước, và qua đó việc tái cân đối vẫn là một ưu tiên quan trọng đối với hầu hết các nước trong khu vực.
Trong trung hạn, tăng năng suất ở Đông Á - Thái Bình Dương, khu vực hiện nay đang trở thành khu vực có thu nhập trung bình, sẽ là động lực cho tăng trưởng. Tiếp tục cải cách cơ cấu trên thị trường sản phẩm và hàng hóa, tiếp tục hội nhập khu vực, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục sẽ trở thành những yếu tố quan trọng hơn đối với tăng trưởng. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, khu vực EAP sẽ nhanh chóng đô thị hóa, đồng thời sự bất bình đẳng về thu nhập và áp lực môi trường ngày càng gia tăng và trở nên rõ rệt hơn. Mặc dù những quan ngại trước mắt vẫn là những vấn đề chính trên bàn nghị sự, các nhà hoạch định chính sách vẫn cần tập trung vào những vấn đề mang tính cơ cấu rất quan trọng này.