Thu hút đầu tư ở Phổ Yên: Khâu đột phá quan trọng

09:33, 17/12/2012

Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ được huyện Phổ Yên xác định là 1 trong 5 khâu đột phá quan trọng để xây dựng huyện trở thành thị xã công nghiệp, một trung tâm, cửa ngõ đối ngoại về kinh tế phía Nam của tỉnh theo hướng hiện đại.

Với những lợi thế về vị trí địa lý và giao thông (là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội; hạ tầng giao thông của huyện có cả đường sắt, đường bộ, cảng sông) cộng với những cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng trong thu hút đầu tư, tình hình thu hút đầu tư của huyện Phổ Yên đang có những khởi sắc đáng kể. Tính đến nay, huyện đã thu hút được gần 70 dự án đầu tư trên các lĩnh vực với tổng vốn đăng ký trên 60.000 tỷ đồng. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả với những sản phẩm có tính cạnh tranh cao như: sữa Elovi; gạch Prime; giấy Trường Xuân; dụng cụ y tế xuất khẩu… Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn tính từ năm 2005 đến nay đều tăng trung bình trên 20%/năm. 

 

Gần đây, Phổ Yên tiếp tục là điểm “dừng chân” của một số dự án lớn, điển hình là Dự án Nhà máy rượu Avinaa, Dự án xây dựng Cụm công nghiệp và khu dân cư Đa Phúc,  những dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khu công nghiệp Trung Thành… Có thể nói, Phổ Yên đã không còn là huyện thuần nông, dần mang dáng dấp của một huyện công nghiệp. Nếu như năm 2005, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu GDP của huyện mới chiếm 37,8% thì nay tăng lên 65%; nông, lâm, thủy sản chỉ còn 13,5%. Triển vọng phát triển ngành công nghiệp của huyện rất khả quan khi trên địa bàn được quy hoạch các khu công nghiệp lớn (nam Phổ Yên, tây Phổ Yên, Điềm Thụy) cùng với Tổ hợp Yên Bình và 6 cụm công nghiệp đã và đang được triển khai.

 

Theo ông Bùi Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên thì về phía huyện, việc đẩy mạnh GPMB được xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để thu hút đầu tư (cùng với phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị; thực hiện cải cách hành chính và một số cơ chế ưu đãi). Tính từ đầu năm, huyện đã triển khai công tác bồi thường GPMB cho 15 dự án mới; phê duyệt phương án bồi thường GPMB cho trên 30 dự án với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng, đã chi trả được gần 100 tỷ đồng… Những năm gần đây, Phổ Yên luôn được coi là một trong những “điểm sáng” về GPMB của tỉnh, phần nào thể hiện quyết tâm cao của địa phương đối với công tác này.

 

Để có được kết quả đó, trước tiên, vai trò lãnh đạo Đảng đối với công tác GPMB được tăng cường và phát huy - những dự án trọng điểm, huyện đều thành lập ban chỉ đạo GPMB do Bí thư Huyện ủy trực tiếp làm Trưởng ban, ở cấp xã do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, đồng thời các cấp ủy đảng đều ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác GPMB, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Người dân có đất trong vùng dự án được công khai các thông tin liên quan, được tuyên truyền, giải thích thông qua các buổi họp phổ biến, nhất là qua đối thoại trực tiếp…


 

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Phổ Yên còn một số dự án bị chậm tiến độ đáng kể do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc về mặt bằng: Dự án của Công ty ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (xã Thuận Thành), Dự án Khu công nghiệp Trung Thành (xã Trung Thành) và một số dự án khu dân cư, khu đô thị… Điều này đang gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong nhân dân. Theo lãnh đạo huyện thì ở những nơi đó, một phần do công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, chính quyền, nhà đầu tư và người dân chưa tìm được “tiếng nói chung”, hoặc do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ cam kết… Thực trạng này (dù không phổ biến) đang ảnh hưởng không tốt tới môi trường đầu tư của huyện Phổ Yên.

 

 Những tồn tại, vướng mắc trên đang được huyện Phổ Yên tập trung giải quyết bằng việc tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết thỏa đáng những thắc mắc trên cơ sở đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của người dân. Trong quá trình này, huyện tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và các chủ đầu tư, đồng thời sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính theo quy định trước khi buộc phải tiến hành cưỡng chế - ông Bùi Văn Lương cho biết.

 

Về phía người dân, chúng tôi xin trích nêu ý kiến của ông Trương Công Phận: “Chúng tôi không mong muốn gì hơn là chủ đầu tư khẩn trương triển khai để dự án sớm đi vào hoạt động, thực hiện đầy đủ cam kết, nhất là ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương. Nếu dự án chậm, thậm chí bị “treo” thì người dân sẽ bị ảnh hưởng và chịu thiệt thòi nhiều nhất…”.

 

Ông Hoàng Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Yên Bình: “Việc GPMB 150ha của Khu công nghiệp Yên Bình I đang diễn ra thuận lợi, đảm bảo tiến độ. Chúng tôi ghi nhận sự cố gắng và quyết tâm cao của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của người dân trong vùng Dự án…”