Thực phẩm và nỗi lo không an toàn

10:03, 03/12/2012

Khi cám tăng trọng được sử dụng nhiều trong chăn nuôi; phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bị lạm dụng trong trồng trọt thì nhu cầu về các loại thịt, rau, củ, quả sản xuất theo quy trình an toàn được nhiều người dân quan tâm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, những điểm bán thịt, rau, củ, quả an toàn, được cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy chứng nhận hầu như chưa có. Hiện tại, chỉ có 2 quầy hàng rau an toàn đang bán sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất tốt) ở số 3, đường Chu Văn An, thuộc tổ 31, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) và ngay sát cổng Trường Đại học Nông lâm, thuộc xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên).

Có mặt tại quầy bán rau an toàn ở số 3, đường Chu Văn An, chúng tôi nhận thấy lượng người mua hàng khá đông. Tuy nhiên, quầy hàng rất nhỏ, khó phát hiện nên chỉ những người mua quen mới biết ở đây có bán rau an toàn. Chị Phạm Hồng Thanh, chủ quầy hàng này cho biết: Tôi bán hàng rau ở đây được 1 năm rồi. Lúc mới bán mặt hàng này, khách chưa quen mua vì họ không tin tưởng vào sản phẩm của mình. Hơn nữa, giá bán lại cao hơn 20-30% so với rau bán ngoài chợ. Dần dần, khách hàng cũng quen với mặt hàng này nên lượng rau bán được nhiều hơn. Hiện nay, tôi có khoảng 100 khách quen, cộng với cung cấp rau cho Trường Tiểu học Đội Cấn, cửa hàng lẩu băng chuyền trên đường Minh Cầu…, mỗi ngày bán được trên 1 tạ rau các loại. Chị Thanh cho biết thêm: Nhu cầu về rau an toàn của người dân là rất lớn, tuy nhiên, do vẫn còn tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” nên nhiều người chưa tin vào sản phẩm an toàn. Bởi vậy, chúng tôi rất mong được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ trong khâu quảng bá sản phẩm cũng như tạo điều kiện để chúng tôi có địa điểm thuận lợi cho việc bán hàng…

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phẩm rau an toàn được bày bán ở quầy hàng của chị Thanh và ở quầy hàng ngay gần cổng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên có nguồn gốc từ xóm Cậy, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) và Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Hai cửa hàng này đều đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các loại rau như: cà chua, đỗ cô-ve, rau cải ngồng, cải xanh, cải bao, dưa chuột… Như vậy, với trên 1 triệu dân, trong đó số dân ở T.P Thái Nguyên hơn 330 nghìn người, số rau an toàn được cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy chứng nhận tiêu thụ trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở khu vực thành thị là rất ít.

 

Còn đối với các loại thịt, nhất là những loại thịt được người dân sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày như gà, lợn… thì chưa có trang trại hay hộ gia đình nào được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, trên địa bàn T.P Thái Nguyên vẫn có rất nhiều cửa hàng bày biển bán thịt lợn, gà “sạch”. Chị Lê Thị Lộc, gần ngõ 366, đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên), người chuyên bán thịt lợn “sạch” nói: Tôi lấy thịt lợn từ tận các chợ ngược (Bắc Kạn, huyện Định Hóa…) về bán. Chủ yếu cung cấp cho người quen nên cũng phải giữ chữ tín làm đầu.

 

Còn chị Nguyễn Thị Hoan, ở tổ 33, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), chủ cửa hàng bán gà “sạch” cho hay: Trung bình mỗi ngày, tôi bán gần chục con gà, vào các ngày lễ có thể bán 20-30 con, chủ yếu cho khách quen. Vì đây là gà “chạy bộ”, được lấy từ tận xã Quân Chu (Đại Từ) về nên giá bán rất cao, khoảng 140 nghìn đồng/kg, cao hơn ở ngoài chợ từ 40-60 nghìn đồng/kg. Quầy hàng của chị Hoan duy trì được gần 1 năm và ngày càng có nhiều người đến hỏi mua. Nhiều hàng xóm của chị, có lần mua 2-5 con gửi về Hà Nội cho người thân.

 

Chia sẻ với chúng tôi về các loại thực phẩm an toàn, chị Nguyễn Thu Hà, tổ 34, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Chính người bán hàng cũng không biết rõ con lợn hay gà mà họ mua về bán cho khách hàng có nuôi theo quy trình an toàn hay không. Người chăn nuôi nói thế nào, họ biết thế chứ bản thân người bán hàng cũng không phân biệt được đâu là lợn nuôi bằng cám tăng trọng và đâu là lợn được nuôi theo quy trình an toàn.

 

Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư nông nghiệp hàng hóa tỉnh nhận định: Người tiêu dùng đang hiểu sai về khái niệm an toàn. Họ cho rằng lợn, gà thả rông mới là loại thực phẩm an toàn. Trên thực tế không phải vậy, chính các loại vật nuôi thả rông, ăn nhiều các tạp chất mất vệ sinh, trong thịt thường có một số loại ký sinh trùng như sán gây nguy hại cho sức khỏe con người. Thịt lợn, gà chỉ được coi là an toàn, “sạch” khi chúng được nuôi theo đúng quy trình VietGAP và được cấp giấy chứng nhận.

 

Rõ ràng, người dân Thái Nguyên chưa tiếp cận được với các loại thực phẩm an toàn theo đúng nghĩa. Lâu nay, họ mua các sản phẩm thịt, rau mà họ cho là “sạch” chủ yếu dựa trên niềm tin với người mua hàng. Trong khi đó, nuôi 1 con lợn hay gà đến lúc xuất chuồng phải mất 6, 7 tháng, thậm chí hằng năm; trồng 1 luống rau cũng cần đến cả tháng trời và người mua thì chỉ có mặt ở nhà người chăn nuôi, trồng rau trong chốc lát để mua hàng. Thực tế này đang đặt ra câu hỏi là bao giờ thực phẩm an toàn thật sự, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới đến được với người tiêu dùng Thái Nguyên?

 

 

Anh Nguyễn Văn Quang, tổ 33, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên): Mua sản phẩm của các cửa hàng gà, lợn “sạch” về sử dụng, tôi thấy thịt thơm, ngon nhưng nếu nói là có an toàn hay không thì tôi cũng không dám chắc. Tôi cũng muốn mua sản phẩm được các cơ quan Nhà nước chứng nhận là an toàn nhưng không biết mua ở đâu.