Trồng rau mở hướng làm giàu

15:14, 07/12/2012

Mùa này, trên các cánh đồng của xã Đông Cao (Phổ Yên) từ tờ mờ sáng đến xẩm tối luôn nhộn nhịp cảnh các bà, các chị người cuốc, người gánh nước tưới, chăm sóc và thu hoạch rau. Nghề trồng rau đã giúp cho nhiều hộ nông dân nơi đây có cuộc sống đủ đầy hơn.

Gia đình chị Trương Thị Thắm, ở xóm Việt Cường là một trong những hộ trồng rau lâu năm trong xã. Với 6 sào đất, trồng gối vụ mùa nào thức ấy nên rau của gia đình luôn có thương lái đến tận nơi thu mua. Chị xởi lởi: Từ năm ngoái đến nay, nhà tôi trồng thử nghiệm rau trong nhà lưới thấy có hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, vào mùa hè, trời nắng to, nhà tôi dùng lưới màu đen để che phủ cho rau đỡ bị táp lá; mùa đông ít nắng lại dùng lưới trắng để che mưa, sương, không làm nát rau. Trồng rau trong nhà lưới cũng đỡ bị các loại côn trùng như châu chấu, cào cào phá rau. Để hướng tới sản xuất lâu dài, gia đình tôi cũng như các hộ dân trong xã đang chuyển đổi sang sử dụng phân vi sinh an toàn và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Còn chị Trương Thị Hoa, người xóm Soi thì cho biết: Nhà tôi có 2 sào chân ruộng cao chuyên để trồng rau màu các loại như: Cải ngọt, cải canh, hành... Trung bình cứ khoảng 30 ngày cho thu hoạch 1 lứa; mỗi lứa được khoảng 2 triệu đồng, 1 sào đất 1 năm thu khoảng 24 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Nhờ trồng rau, gia đình tôi có điều kiện lo cho con cái ăn học.

 

Ngoài trồng rau thương phẩm, bà con nơi đây còn chuyên sản xuất rau giống, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hàng năm. Từ 20 đến 25 ngày người trồng có thể thu hoạch 1 lứa rau giống, với giá bán hiện tại từ 7- 8 nghìn đồng/50 cây su hào, súp lơ… thì mỗi lứa rau giống cho lãi bình quân từ 5-7 triệu đồng/sào. Hộ thâm canh hiệu quả cao hơn có thể đạt 9-10 triệu đồng/sào. Theo ước tính, chỉ trong 5 tháng cuối năm, người trồng rau giống có thể quay vòng trồng từ 4-5 lứa, thu lãi bình quân từ 30 - 40 triệu đồng/sào. Không chỉ sản xuất cây giống bảo đảm chất lượng mà những người trồng rau ở đây còn tích cực hướng dẫn bà con đến mua kỹ thuật trồng, chăm sóc từng loại cây giống phù hợp với từng loại đất để cho năng suất, hiệu quả cao nhất.

 

Được biết, từ những năm 2001 trở về trước, Đông Cao là một trong những xã kinh tế kém phát triển của huyện Phổ Yên, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, thiếu vốn. Thế nhưng với vị trí nằm ven con sông Cầu, đất đai màu mỡ, hệ thống kênh mương nội đồng đã cơ bản được hoàn thiện là những lợi thế để Đông Cao có thể phát triển nghề trồng rau. Chính vì thế từ năm 2004, một số hộ dân trong xã đã kết hợp cấy lúa với trồng rau. Để giúp nông dân trong xã xây dựng các mô hình cây trồng rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 300 lượt người/năm, xây dựng các mô hình, ô mẫu... Cùng với đó, xã cũng tạo điều kiện cho cá hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất rau mầu. Hiện, tổng dư nợ từ 2 Ngân hàng: Chính sách - Xã hội và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện trên địa bàn xã là hơn 9 tỷ đồng. Khi đã có vốn, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực cải tạo chân ruộng cao thiếu nước để trồng các loại rau màu cho thu nhập cao như: Bí xanh, bí đỏ, cà chua, mướp đắng... Điển hình như các hộ: Nguyễn Thị Hồng, ở xóm Việt Hồng, Đinh Văn Cát, Hồ Quý Hùng, ở xóm Soi. Hiệu quả từ trồng các loại rau màu ở Đông Cao đã cho thu nhập gấp 2-3 lần cấy lúa. Hiện nay, xã có khoảng 85% số hộ làm nông nghiệp, trung bình mỗi khẩu 1 sào, nhà nào cũng có diện tích trồng rau ăn, rau giống. Xã có trên 30% số hộ có thu nhập khá từ trồng rau màu. Nhờ trồng rau, kết hợp với cấy lúa và chăn nuôi, đời sống người dân xã Đông Cao đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 170/1.906 hộ, giảm 10% so với năm 2007.

 

Đồng chí Đinh Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường đó là sử dụng rau sạch, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới bà con kiến thức sử dụng vật tư nông nghiệp, chủ yếu là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng... Đồng thời, tiến hành quy hoạch trồng thử nghiệm 30ha rau an toàn ở các xóm: Việt Hồng, Trà Thị, Soi và xóm Hạ. Việc sản xuất rau an toàn sẽ hướng tới tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.