Khép lại năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt hơn 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so năm 2011, đưa xuất siêu toàn ngành đạt con số kỷ lục 10,6 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong kết quả xuất siêu năm 2012 của cả nước. Từ kết quả ấy, hy vọng năm 2013, ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò "mặt trận hàng đầu", làm trụ đỡ vững chãi cho nền kinh tế nước nhà phát triển.
Năm của nhiều kỷ lục
Bước vào năm 2012, những dự báo không mấy sáng sủa về tình hình kinh tế trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng đến phần lớn các ngành hàng, trong đó có ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn và thách thức, ngành nông nghiệp đã cán đích thành công. Nhất là xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng với bảy mặt hàng đạt kim ngạch hơn một tỷ USD, gồm: lúa gạo, cà-phê, cao-su, đồ gỗ, hạt điều, sắn và thủy sản. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh gồm cà-phê (36%), sắn và sản phẩm sắn (40,6%), rau quả (29%), chè (11,5%), đồ gỗ và lâm sản (17,6%). Ðáng chú ý là gạo và cà-phê đã vươn lên vị trí số một thế giới về sản lượng xuất khẩu, đánh dấu bước phát triển mới của hai mặt hàng chiến lược và chủ lực của ngành nông nghiệp.
Riêng cà-phê, sự vươn lên của mặt hàng này được đánh giá là một phép màu của nền kinh tế khi nước ta chính thức vượt Bra-xin, trở thành quốc gia xuất khẩu cà-phê số một thế giới với sản lượng xuất khẩu 1,6 triệu tấn, kim ngạch hơn ba tỷ USD trong niên vụ 2011- 2012. Năm 2012 là năm thứ năm liên tiếp diện tích thu hoạch cà-phê vượt qua mốc 500 nghìn ha, sản lượng và khối lượng xuất khẩu vượt qua mốc một triệu tấn. Trong nhiều năm, cà-phê là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao, luôn nằm trong nhóm kim ngạch xuất khẩu từ hai tỷ USD trở lên. Cùng với việc tăng sản lượng qua các niên vụ, những năm gần đây, do chủ động tham gia điều tiết thị trường, nên người trồng cà-phê đã có thu nhập ổn định và ngày càng cao, hạn chế tình trạng thua thiệt trong mua bán.
Tương tự, mặt hàng lúa gạo, ba năm trở lại đây Việt Nam có những bước bứt phá ngoạn mục trong sản xuất, kinh doanh. Ðáng chú ý, năm 2009, xuất khẩu gạo vượt qua ngưỡng sáu triệu tấn/năm, tăng gần 1,4 triệu tấn so năm 2008. Sang năm 2010, xuất khẩu đạt 6,75 triệu tấn, chiếm 21,4% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Năm 2011, mức xuất khẩu là 7,1 triệu tấn gạo, đạt giá trị 3,6 tỷ USD. Kết thúc năm 2012, xuất khẩu gạo vươn lên con số kỷ lục hơn tám triệu tấn, tăng 13,9% so năm 2011, kim ngạch đạt 3,7 tỷ USD- ghi dấu ấn đậm nét cho ngành lúa gạo Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới và hướng tới một tương lai không xa trở thành trung tâm lúa gạo toàn cầu. Trong khi đó, ngành thủy sản cũng vượt qua nhiều thách thức để đạt kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6,12 tỷ USD. Có thể nói năm 2012 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với ngành thủy sản. Dịch bệnh hoành hành trên tôm, cá tra cũng lắm gian truân trên thương trường quốc tế, có lúc tưởng như sóng gió đã nhấn chìm hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành. Nhưng với những nỗ lực không ngừng và bứt phá vào những tháng cuối năm, xuất khẩu cá tra vẫn chạm mức gần 1,8 tỷ USD, tương đương năm 2011. Xuất khẩu tôm dù giảm 6,3% so năm 2011 nhưng kim ngạch vẫn đạt 2,25 tỷ USD.
Ghi lại những con số nêu trên để thấy nhiều lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành nông nghiệp đã trở thành những điểm sáng của nền kinh tế năm 2012. Với những thành tựu đó, ngành nông nghiệp xứng đáng được vinh danh. Tuy nhiên, vui với những thành quả mới, nhưng vẫn hiện hữu nhiều trăn trở cho bước đi tiếp theo của lĩnh vực xuất khẩu nông sản nước nhà.
Cần có tầm nhìn và chiến lược
Giá trị xuất khẩu nông sản tăng cao năm 2012 là điều không thể phủ nhận. Nhưng nhìn lại một cách sâu sắc thì giá trị ấy tăng mạnh chủ yếu nhờ vào sự gia tăng sản lượng. Còn thực chất, giá xuất khẩu của từng mặt hàng lại liên tục giảm mạnh trong năm 2012. Ðó là giá sắn và sản phẩm sắn giảm 16,8%; giá cà-phê giảm 6,2%; giá hạt điều giảm 15%; giá gạo giảm 7,1%. Ðây chính là nghịch lý trong xuất khẩu nông sản của nước ta, khi nhiều mặt hàng thuộc tốp đầu thế giới nhưng sức cạnh tranh yếu và không thể hiện được vị thế, không quyết định được giá xuất khẩu của thị trường thế giới. Ðiều này đã được các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài cảnh báo từ nhiều năm nay, rằng: nông sản Việt Nam chỉ chạy theo giá rẻ sẽ thất bại. Xuất khẩu nông sản chỉ chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng sẽ chịu thiệt thòi. Cảnh báo đó đã được chứng minh trong suốt quá trình sản xuất và xuất khẩu nông sản của nước ta. Ðó là nền sản xuất cho ra nhiều sản phẩm nhưng giá cả bấp bênh, được mùa mất giá, mất mùa được giá. Trong khi đó, tham gia vào thương trường quốc tế thì liên tiếp gặp phải các rào cản kỹ thuật từ phía đối tác về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa kể các sản phẩm phần lớn là xuất khẩu thô, không có thương hiệu riêng đã khiến hầu hết nông sản khi ra thị trường tiêu thụ phải núp bóng dưới những thương hiệu hào nhoáng của các nhà nhập khẩu. Ngay như cà-phê và gạo, hai mặt hàng giữ ngôi vương về sản lượng xuất khẩu nhưng vẫn bặt tăm trên thương trường về thương hiệu. Nguyên nhân do cà-phê Việt Nam chủ yếu được dùng để chế biến các loại cà-phê hòa tan giá rẻ. Còn gạo thì có tới 70% lượng xuất khẩu thuộc vào loại phẩm cấp thấp. Mà chất lượng thấp thì đi kèm giá rẻ, kim ngạch xuất khẩu thu về ít, mức độ hưởng lợi của doanh nghiệp và nông dân cũng hạn chế hơn rất nhiều. Có chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng nếu cứ tiếp tục xuất khẩu nông sản theo hướng này thì đồng nghĩa với việc ta đang sản xuất và xuất khẩu bao cấp cho nước ngoài. Ðó là điều đáng tiếc cho nông sản Việt Nam.
Năm 2013 được dự báo sẽ còn khó khăn hơn với sự khắc nghiệt của thời tiết, thị trường cạnh tranh gay gắt. Theo đó, xuất khẩu nông sản cần có những bước đi cụ thể, định hướng rõ nét hơn. Theo ý kiến của Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Ðặng Kim Sơn, thì phải bắt đầu từ việc thay đổi cách làm cũ thiên về sản lượng bằng cách tiến đến nền sản xuất hàng hóa trọng chất lượng trên cơ sở chuyển từ tận dụng khai thác tài nguyên sang huy động chất xám, gia tăng giá trị cho sản phẩm. Việc cần thiết là tập trung vào công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, cung cầu thế giới để điều chỉnh sản xuất, kinh doanh một cách phù hợp. Ðồng thời hướng tới những thị trường chất lượng cao thay vì những thị trường giá rẻ. Ðiều này đòi hỏi cả một ngành công nghiệp dịch vụ phát triển đi kèm để triển khai xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn các mặt hàng nông sản xuất khẩu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Ðồng thời xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực. Những công việc đó không dễ nhưng không thể không làm với quyết tâm cao của ngành nông nghiệp và cả quyết tâm chính trị của Nhà nước, Chính phủ. Trong cuộc họp tổng kết ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã nhấn mạnh: Việc đầu tư vào những ngành xuất khẩu nông sản chủ lực cần được tính đến như một bài toán chiến lược lâu dài, làm từng bước nhưng chắc chắn và hiệu quả. Ðồng thời tạo ra cơ chế thuận lợi, ưu đãi để thu hút lực lượng đông đảo doanh nghiệp và tư nhân có tiềm lực kinh tế và trí lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư nâng cao giá trị nông sản.
Trước thềm năm mới, nhìn lại hoạt động xuất khẩu nông sản năm cũ để tự hào với những thành quả đạt được, thắp thêm niềm tin và quyết tâm cho năm mới vững vàng hơn trong mọi khó khăn, vì sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.