Năm nay rét về muộn, tháng 11, 12-2012, thời tiết khá ấm áp, nhiệt độ không xuống thấp như mọi năm, mưa phùn lất phất, độ ẩm cao xen kẽ những ngày có nắng ấm. Ông Nguyễn Lê Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Đây là điều kiện để cây chè vụ đông năm nay phát triển tốt hơn so với cùng thời điểm của các năm trước.
Đúng như nhận định của anh Sơn, dù đang là mùa đông nhưng tới các vùng chè trọng điểm của tình như Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); Văn Hán, Minh Lập, Khe Mo, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); Phú Xuyên, Phú Thịnh, La Bằng (Đại Từ); Phúc Thuận (Phổ Yên)… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những đồi chè đang trổ búp non mỡn. Anh Hứa Ngọc Tú ở xóm Kẹm, xã La Bằng (Đại Từ) cho biết: 5 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng làm 4 sào chè vụ đông. Chưa năm nào tôi thấy chè vụ đông phát triển tốt như năm nay. Không phải tưới nhiều nước mà cây chè vẫn lên búp đều tăm tắp và non mỡn. Cùng chung với niềm vui của anh Tú, chị Nguyễn Thị Huyền, người có 10 năm làm chè vụ đông ở xóm Rộc Lầy, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Gia đình tôi có 7 sào chè cành giống TRI 777 có thể sản xuất trong vụ đông. Năm nay, búp chè lên tốt nên mỗi sào chè tôi thu hoạch được khoảng 5kg chè búp khô, cao hơn mọi năm khoảng 2kg. Vừa nói chuyện với chúng tôi, chị Huyền vừa đưa tay giới thiệu hệ thống phun tưới chè rất thuận tiện. Để có nước tưới cho chè, gia đình chị đã đào một cái ao khá to tích trữ nước, khi muốn tưới, chỉ cần bắc máy bơm đưa nước vào hệ thống ống tưới, mở van là cả vườn chè sẽ được tưới đẫm.
Nhằm nâng cao giá trị thu được từ 1ha chè, 10 năm trở lại đây, người dân trong tỉnh đã quan tâm sản xuất chè vụ đông. Đến tháng 12, toàn tỉnh có trên 18.600ha chè, trong đó có gần 2.000ha chè đang được người dân đầu tư thâm canh làm chè vụ đông, cao hơn những năm trước khoảng 300-400ha. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Làm chè vụ đông, yếu tố quan trọng nhất là đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho chè. Ngoài việc tận dụng các bãi chè nằm gần ao, hồ, sông, suối, người dân đã chủ động đào giếng khoan, đầu tư hệ thống phun tưới để sản xuất chè vụ đông. Nếu chè chính vụ thu được 10 tấn chè búp tươi/ha thì chè vụ đông chỉ thu được khoảng 3 tấn/ha. Năm nay, với xu hướng mùa đông ấm áp, rét đến muộn, chè vụ đông có thể thu được 5 tấn/ha. Vụ này, chè làm ra thường ngon, vị đậm và thơm hơn chè chính vụ nên người tiêu cùng rất ưa chuộng, giá bán ra luôn cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với chè chính vụ. Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên thì giá chè còn được bán ra với giá cao hơn rất nhiều.
Điều đáng nói là năm nay, dù diện tích chè vụ đông được mở rộng hơn, năng suất đạt cao hơn những năm trước nhưng giá bán chè lại không hề giảm. Chị Bùi Thị Thảo, một người dân ở xóm Rộc Lầy, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) nói: Gia đình tôi đầu tư làm 3 sào chè vụ đông, giống chè cành LDP1. Hiện tại, tôi bán với giá 200 nghìn đồng/kg chè búp khô. Nếu biết cách bảo quan, để được đến dịp Tết Nguyên đán mới bán, chè còn có thể bán được với giá 250-300 nghìn đồng/kg. Trong khi 3, 4 tháng trước tôi chỉ bán được với giá 70-100 nghìn đồng/kg.
Chè vụ đông đang phát huy hiệu quả, đây là một thực tế đáng mừng. Xu thế làm chè vụ đông ngày càng được mở rộng trên địa bàn. Tỉnh ta cũng đang khuyến khích nông dân phát triển chè vụ đông bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí cho bà con đầu tư làm hệ thống tưới chè, từ đó tăng giá trị của cây chè cũng như giá trị trên cùng một diện tích đất trồng trọt, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.