Doanh nghiệp chế biến sâu khoáng sản: Nỗi lo “đói” nguyên liệu

08:16, 14/01/2013

Từ năm 2008, thực hiện chủ trương của Nhà nước về hạn chế xuất khẩu quặng thô, tập trung chế biến sâu khoáng sản trong nước, một số doanh nghiệp của tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy luyện kim. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp chế biến sâu đang trong tình trạng thiếu chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào do chưa được cấp mỏ khoáng sản tương ứng.

 Có thể điểm tên một số doanh nghiệp chế biến sâu đang rơi vào tình cảnh này: Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi, Nhà máy Luyện gang Hoa Trung, Công ty Luyện gang thép Gia Sàng… Ngay cả Công ty CP Gang thép Thái Nguyên giai đoạn này cũng đang lo lắng khi nguồn nguyên liệu chính là quặng sắt tại Mỏ Ngườm Tráng (Cao Bằng) đang phải dừng khai thác.

 

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu một trường hợp cụ thể là Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi với Dự án Nhà máy luyện xỉ titan Cây Châm (Phú Lương). Sở dĩ vậy, bởi đây gần như là đơn vị đầu tiên của tỉnh và của cả miền Bắc đã mạnh dạn đầu tư chế biến sâu khoáng sản titan khi nền kinh tế đang gặp khó khăn. Hơn nữa, thời gian gần đây, ngoài việc duy trì vận hành 2 lò hồ quang luyện titan và gang hợp kim, doanh nghiệp này đã đưa thêm 2 lò còn lại vào hoạt động, nâng công suất lên 100% theo thiết kế. Trong khi đó, đơn vị vẫn chỉ khai thác quặng titan tại một điểm mỏ là Cây Châm (cấp phép từ năm 2006) với trữ lượng còn lại chẳng đáng kể, khoảng 30.000 tấn, đủ cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy vận hành khoảng 01 năm. Ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty cho biết: “Trước những khó khăn này, chúng tôi đã lập hồ sơ xin thăm dò quặng titan tại khu vực Làng Lân - Hái Hoa (Phú Lương) gửi Cục Địa chất và Khoáng sản (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ năm 2010, tức là trước thời điểm Luật Khoáng sản mới có hiệu lực. Trong đó, có Đề án thăm dò đã được Hội đồng thẩm định đề án của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt”. Cũng theo ông Trương Đình Việt thì nếu được cấp phép thăm dò quặng ti tan tại Làng Lân - Hái Hoa cũng phải mất khoảng 2 năm để Công ty tiến hành các thủ tục thăm dò, trình Hội đồng đánh giá trữ lượng Quốc gia thẩm định và phê duyệt, sau đó mới được cấp phép khai thác. Như vậy, với nguồn nguyên liệu ít ỏi hiện có, chắc chắn trong khoảng thời gian chờ cấp phép, Nhà máy luyện xỉ titan của Công ty sẽ phải dừng hoạt động. Và như vậy là không chỉ hiệu quả đầu tư của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà việc làm, đời sống của trên 250 công nhân cũng chịu tác động, đấy là chưa kể nguồn đóng góp ngân sách địa phương sẽ bị thụt giảm theo.

 

Khi chúng tôi đặt vấn đề là tại sao đơn vị không tính đến việc mua nguyên liệu của các doanh nghiệp khác thì được biết, giá khoáng sản hiện đang xuống rất thấp, các chủ mỏ sẽ không xuất hàng ở thời điểm này. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp được cấp mỏ đều có hướng đầu tư chế biến sâu nên việc giao dịch là khó khăn. Việc mua nguyên liệu sẽ mang tính bị động cao trong khi dây chuyền luyện kim phải được vận hành liên tục. Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, thời gian qua Công ty Công đã có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương đề nghị được tạo điều kiện cấp phép thăm dò khoáng sản theo quy định. Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản tiếp nhận, đề nghị và ủng hộ. Tại Công văn số 4907/BTNMT-ĐCKS ngày 20/12/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Theo tài liệu địa chất và qua khảo sát địa hình cho thấy, việc thăm dò, khai thác khoáng sản tại khu vực Làng Lân – Hái Hoa sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, môi trường, đường giao thông trong vùng…Hồ sơ đề nghị thăm dò quặng titan của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi đã đủ điều kiện để cấp phép thăm dò, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”.

 

Được biết, Dự án xây dựng Nhà máy luyện xỉ titan Cây Châm của Công ty có tổng đầu tư lên tới 235 tỷ đồng, công suất 20.000 tấn xỉ ti tan và 10.000 tấn gang hợp kim mỗi năm. Việc mạnh dạn đầu tư chế biến sâu khoáng sản của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi nói riêng và các doanh nghiệp tương tự khác trên địa bàn nói chung đã và đang góp phần quan trọng tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giải quyết lao động địa phương. Bởi vậy, qua đây cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các đơn vị nói trên không còn nỗi lo phải đóng cửa Nhà máy vì “đói” nguyên liệu.