Doanh nghiệp với nỗi lo nợ nần cuối năm

09:47, 07/01/2013

Không ít món nợ phải chi trả đang dồn vào dịp quyết toán cuối năm đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng. Nào nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ tiền điện, tiền than, nợ bảo hiểm xã hội… rồi cả nợ lương công nhân. Với một năm vô vàn khó khăn như 2012, việc có thể trụ vững được đã là một thành công đối với nhiều doanh nghiệp.

Không ít món nợ phải chi trả đang dồn vào dịp quyết toán cuối năm đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng. Nào nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ tiền điện, tiền than, nợ bảo hiểm xã hội… rồi cả nợ lương công nhân. Với một năm vô vàn khó khăn như 2012, việc có thể trụ vững được đã là một thành công đối với nhiều doanh nghiệp.

 

Chủ một DN hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và luyện kim có tên tuổi vào bậc nhất nhì của tỉnh (vì vấn đề tế nhị nên xin không nêu tên) đã không giấu nổi lo lắng và buồn rầu khi trò chuyện với chúng tôi về việc đơn vị đang phải gồng mình lo toan chi trả các khoản nợ dịp cuối năm. Chủ DN này cho biết, chưa nói đến việc trả lãi ngân hàng thì các khoản nợ cần phải trả lúc này của đơn vị đã lên đến vài chục tỷ đồng rồi. Hiện tại, DN đang ưu tiên trả nợ trước những khoản “không thể đừng” như tiền vay ngân hàng, tiền thuế, tiền điện và nhất là lương công nhân. Năm nay, DN quyết định không thưởng Tết như mọi khi để lo giải quyết những tồn đọng đó. Ông chủ DN này cũng chia sẻ thêm: Làm gì thì làm nhưng riêng lương công nhân dứt khoát phải thanh toán đủ trước khi nghỉ Tết. Ổn định thu nhập cho người lao động thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mới bền vững được.

 

Hiện nay, không ít DN đang tồn tại trên địa bàn có chung nỗi lo nợ nần, tất nhiên là theo từng cấp độ, nhiều ít khác nhau. Phổ biến nhất là các DN hoạt động sản xuất công nghiệp. Ngành Thuế, Ngân hàng, Điện lực, Bảo hiểm, Tài nguyên - Môi trường… của tỉnh cũng đã có những thống kê sơ bộ về số lượng DN đang còn các khoản nợ, đồng thời đôn đốc thu nợ liên tục những ngày vừa qua. Theo danh sách mà chúng tôi biết được (tất nhiên là không công bố rộng rãi), tỷ lệ các DN nợ đọng tiền thuế, tiền điện và tiền Bảo hiểm xã hội chiếm tới 20 đến 30% tổng số DN đang hoạt động. Đặc biệt có DN nợ lên tới cả chục tỷ đồng mỗi khoản, nhất là nợ tiền thuế.

 

Tìm hiểu thực tế tại một số DN sản xuất sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, khai khoáng…, chúng tôi mới thấy hết được những lo lắng khó chia sẻ của những người “đứng mũi chịu sào” ở các DN. Một DN sản xuất thép quy mô lớn trên địa bàn đã phải hạ quỹ lương, cắt giảm tiền thưởng, tiền du lịch, nghỉ mát và những phụ phí khác trong năm để đảm bảo duy trì sản xuất và giải quyết bài toán nợ nần. Tuy nhiên, việc nợ nần chồng chất vẫn không tránh khỏi. Điều đó cũng là dễ hiểu bởi với tổng tiền điện phải nộp mỗi tháng của đơn vị này lên tới 40, 50 tỷ đồng, tiền thuế khoảng gần chục tỷ đồng, lương công nhân khoảng 40 tỷ đồng trong khi hàng làm ra không tiêu thụ được, để tồn kho quá lớn…, nên việc trả nợ đúng thời hạn quả là bài toán khó với DN. Ngoài ra, DN phải cùng một lúc giải quyết cả núi công việc liên quan như đầu tư tái sản xuất, nhập nguyên, nhiên liệu đầu vào, thực hiện các chương trình an sinh, từ thiện xã hội... Cách đây không lâu, khi làm việc với chúng tôi, giám đốc một DN sản xuất xi măng tâm sự: Ngoài gánh nặng trả lãi ngân hàng mỗi tháng ngót 1 tỷ đồng thì hiện tại đơn vị đang nợ khoảng 6 tỷ đồng tiền thuế, 5 tỷ đồng tiền điện. DN đang vận dụng hết khả năng để giải quyết các khoản nợ này xong trước Tết Nguyên đán.

 

Nói về vấn đề trên, ông Trần Anh Thắng, Giám đốc DN Anh Thắng chia sẻ: Những DN đầu tư vốn lớn, giải quyết việc làm nhiều lại gặp lúc kinh tế khó khăn như hiện nay (tiền mặt khan hiếm, hàng hóa ứ đọng) thì nợ nần là điều hiển nhiên. Đây là lúc “sức khỏe” của DN được “thăm khám” kỹ lưỡng nhất. Tuy vậy, trong lúc khó khăn hiện nay, cộng đồng các DN rất cần sự cảm thông, chia sẻ và cả những linh động của tỉnh cũng như các ban, ngành liên quan. Có thể nghiên cứu cho DN hoãn, giãn thời gian trả nợ... Ông Đinh Huy Chiến, Chủ nhiệm HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cũng tâm tư: Gần như chưa lúc nào các DN lại rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Thật tình chẳng DN nào muốn mang nợ cả, chỉ vì hoàn cảnh mà họ phải chậm trả để tồn tại. Chủ mỗi DN đều rất đau đáu chuyện nếu phá sản thì hàng trăm, có khi cả nghìn lao động đã và đang gắn bó tại DN sẽ bị thất nghiệp, mất thu nhập. Do vậy, rất cần sự động viên, khích lệ, cùng tháo gỡ khó khăn cho DN của các ngành, các cấp.

 

Gần đây báo chí thông tin nhiều về việc thưởng Tết tại các đơn vị, DN trong cả nước. Năm nay hầu như các đơn vị đều giảm tối đa số tiền thưởng Tết. Có những đơn vị lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay Ngân hàng Sacombank cũng đã thông báo sẽ giảm, thậm chí cắt thưởng Tết năm nay. Ngoài ra, nhiều DN còn tuyên bố không chi phí cho các hoạt động tham quan, nghỉ mát, các chương trình đi trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; hoãn mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại; tăng cường tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng… Cùng với đó, mỗi DN đều tự tìm cho mình phương án tối ưu cả về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tất cả đều hướng tới mục tiêu thanh toán các khoản nợ nần cần thiết, đảm bảo đời sống cho người lao động, giúp DN vững vàng hơn trước khi bước sang năm mới 2013 với nhiều cam go, thử thách mới.