Đóng góp của những doanh nghiệp ngành Công Thương

14:27, 23/01/2013

Năm 2012 đầy khó khăn đã qua đi trước sự nỗ lực vượt khó của công đồng các doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó nổi bật có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại (thuộc ngành Công Thương). Thực tế những năm qua cho thấy, sức mạnh nội tại to lớn của ngành kinh tế mũi nhọn này chính là các doanh nghiệp trong ngành.

Năm vừa qua là năm mà một số chỉ tiêu của ngành Công Thương chưa đạt được kế hoạch đề ra, trong đó nổi bật là chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì đó là thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì tỉnh ta. So với bình quân chung cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp của chúng ta còn có phần nhỉnh hơn. Khi đánh giá về kết quả này, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương.

 

Năm 2012 chứng kiến sự trưởng thành của nhiều đơn vị, đăch biệt chú ý là các đơn vị đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã bước đầu khẳng định vị thế. Đơn vị đầu tiên phải kể đến là Công ty Cổ phần xi măng Quan Triều, đơn vị đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Quan Triều công suất từ 600 nghìn đến 900 nghìn tấn/năm, khánh thành và chính thức đi vào hoạt động khoảng 2 năm nay. Vốn đầu tư theo phê duyệt của Dự án là khoảng 1.300 tỷ đồng, sử dụng nguyên, nhiên liệu tại chỗ. Dự án hoàn thành vừa giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương, vừa góp phần tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, đóng góp ngân sách và tạo nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của ngành Công Thương thì trước những đơn vị “đàn anh” là xi măng La Hiên, xi măng Quang Sơn…, xi măng Quan Triều không hề chịu lép vế. Đơn vị này đã bước đầu khẳng định thương hiệu và có những đóng góp ổn định cho ngành Công nghiệp của tỉnh.

 

Dù chưa đi vào khai thác nhưng trong thời gian vừa qua, nhất là trong năm 2012, Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo do Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nui Phao Mining) đã tạo dấu ấn quan trọng trong công tác bồi thường, tái định cư và các hoạt động mang tính xã hội cao. Hiện nay, Dự án này đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chủ đầu tư Dự án cho biết, họ đang đồng thời cùng triển khai các phần việc như: ổn định tái định cư, bố trí bồi thường GPMB, xây dựng và lắp đặt các thiết bị cần thiết của Nhà máy. Chính sự quy củ, thực hiện đúng các quy trình đầu tư khai thác mỏ của nhà đầu tư đã tạo uy tín không chỉ cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương mà cho cả ngành chủ quản. Nhà đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành và vận hành khai thác trong năm 2013. Từ đó, không chỉ tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương mà con đóng góp vào giá trị sản xuất cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thời gian tới.

 

TNG là cái tên quen thuộc, là một thương hiệu khá nổi trong ngành công nghiệp dệt may của tỉnh và trong nước. Đây là thương hiệu của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Nguyên và cũng là một trong những "con cưng" của tỉnh và ngành Công Thương. Công ty này đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ bằng chất lượng sản phẩm và uy tín với khách hàng. Năm 2012, Công ty đã đóng góp tới 60, 70% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Cùng hoạt động trong ngành may mặc, lại mới ra đời, nhưng Công ty Shinwon Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư xây dựng Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Shinwon-Hàn Quốc tại T.X Sông Công vẫn được ngành Công Thương nhắc đến khá nhiều trong năm qua. Với Dự án đầu tư khoảng 15 triệu USD, diện tích 8ha, năm qua doanh nghiệp này đã đóng góp một phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

 

Trong năm 2012, có lẽ cái tên được nhắc tới nhiều nhất chính là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Bởi lẽ, đây là doanh nghiệp có quy mô, chiếm một phần lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hàng năm. Năm vừa qua, đơn vị này cùng một lúc phải chịu nhiều tác động, từ việc lo giải quyết các vấn đề sụt lún, sạt lở đất đá đến việc lo giải quyết khó khăn về nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Tuy vậy, năm vừa qua đã đánh dấu sự nỗ lực vượt bậc của toàn Công ty khi đơn vị này vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho khoảng 6.000 lao động. Với giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.000 tỷ đồng, Công ty xứng đáng là đầu tầu trong các doanh nghiệp ngành Công Thương Thái Nguyên.  Cùng hoạt động trong lĩnh vực này, cũng cần phải nhắc đến tên Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng. Đây là đơn vị có bề dày truyền thống và nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sắt, thép. Mặc dù gặp khó khăn nhưng kết thúc năm 2012, Công ty không những đạt mà còn về trước kế hoạch gần 30 ngày.

 

Qua một số trường hợp nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, chính sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong thời gian qua là sức mạnh nội tại không thể thay thế của ngành Công Thương mà qua đó đã góp phần tạo đà cho cả nền kinh tế của tỉnh phát triển, nhất là trong lúc khó khăn hiện tại.