Gian nan đường tiêu thụ nông sản ở Văn Hán

09:35, 21/01/2013

Văn Hán là một trong những xã có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn nhất huyện Đồng Hỷ với gần 700ha chè kinh doanh, trên 3.700ha rừng. Đây là một thế mạnh góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương, nhưng hiện nay, phần lớn nông sản của bà con làm ra luôn phải bán với giá thấp hơn so với thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các tuyến đường của xã vẫn là đường đất, nhỏ hẹp, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản dẫn đến việc tư thương ép giá.

Một ngày đầu năm, chúng tôi đến xã Văn Hán để “mục sở thị” những con đường ở đây. Ngay từ Trạm y tế dẫn vào UBND chúng tôi đã cảm nhận được phần nào sự vất vả của bà con nơi đây khi phải đi trên đoạn đường đất nhỏ hẹp, lồi lõm. Nói về thực trạng đường giao thông của xã, ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Văn Hán có tổng diện tích tự nhiên trên 6.500ha và có gần 2.600 hộ dân sinh sống tại 17 xóm. Hiện nay, toàn xã có trên 21km đường liên xã; 21,5km đường trục xóm, gần 186km đường nội xóm, 22km đường nội đồng thì mới chỉ có 13,8km đường liên xã được trải nhựa và hơn 8km đường trục xóm được bê tông hóa, còn lại vẫn là đường đất nhỏ hẹp. Là xã thuần nông nên việc đi lại khó khăn đã làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản và trở thành lực cản phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt khoảng 13 triệu đồng/người/năm (thấp hơn 9 triệu đồng so với thu nhập bình quân đầu người của huyện).

 

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi thực tế ở một số xóm vùng sâu của xã, anh Phạm Văn Tuấn, cán bộ phụ trách nông, lâm nghiệp của xã không quên dặn chúng tôi cần chuẩn bị tinh thần trước bởi trên đường đi sẽ phải vượt qua khá nhiều con suối và có thể chiều muộn mới ra đến Ủy ban.

 

Cho xe chạy trên con đường đất đỏ gồ ghề với những đoạn dốc cao, dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng chúng tôi vẫn bị mấy phen “giật mình” vì những ổ gà, sống trâu nằm trên đường. Đi được chừng 2km, con suối đầu tiên đã xuất hiện với những viên đá lởm chởm dưới lòng suối khiến chúng tôi phải xuống dắt xe. Anh Tuấn chỉ cây cầu tạm bắc qua con suối được ghép từ những đoạn tre ngắn, chiều rộng chỉ đủ cho một người đi và cho biết: May mà mình đi vào mùa khô nên vẫn đưa xe qua suối được, chứ mùa mưa nước dâng cao thì chỉ có cách đi bộ qua cây cầu tạm này thôi.

 

Chúng tôi ghé vào La Đùm xóm 135 có các hộ người dân tộc Nùng sinh sống, xóm nằm cách trung tâm xã chỉ khoảng 5km nhưng để vào được đến xóm, chúng tôi phải khá vất vả bởi đường vào xóm chủ yếu là đường đất quanh co, nhỏ hẹp và nhiều dốc cao. Anh Hoàng Văn Khánh, Trưởng xóm La Đùm cho biết: Xóm có khoảng 22km đường nội xóm thì hiện mới bê tông hóa được 1km từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, còn lại vẫn là đường đất. Đây được coi là một trong những xóm gần trung tâm xã nhưng do đường đi lại quá khó khăn nên người dân trong xóm vẫn thường phải mua thức ăn về dự trữ. Các sản phẩm nông sản nếu bán cho các đầu mối đến thu mua thì bị ép giá bởi ô tô chỉ vào được trục đường chính của xóm, còn nếu đem ra chợ trung tâm xã bán thì bà con phải rất vất vả mới ra đến nơi. Hiện nay, toàn xóm có hơn 160 hộ thì vẫn còn 50 hộ nghèo.

 

Rời xóm La Đùm, chúng tôi đến Vân Hán - xóm xa nhất của xã. Đường vào xóm hoàn toàn là đường đất, nhấp nhô sỏi đá và nhiều đoạn lồi, lõm. Để đi được hết tuyến đường liên xóm này, chúng tôi còn phải vượt qua không dưới chục con suối nằm vắt ngang đường. Càng đi, chúng tôi càng cảm nhận được cái khó, cái khổ của người dân nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nông Văn Triệu, Trưởng xóm Vân Hán cho biết: Toàn xóm có 247 hộ, gần 950 nhân khẩu thì 100% số hộ đều làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng rừng và trồng chè. Xóm có diện tích tự nhiên khoảng 800ha, trong đó diện tích rừng sản xuất là 550ha, diện tích chè là trên 100ha và diện tích đất cấy lúa là gần 60ha. Đây là xóm tập trung diện tích đất nông nghiệp nhiều nhất xã và cũng là xóm có đường giao thông khó đi nhất. Bà con ở Vân Hán nuôi được con lợn, con gà nào hầu như rất ít tiêu thụ ra ngoài mà chỉ để cải thiện bữa ăn gia đình hoặc phục vụ nhu cầu trong xóm, còn các loại nông sản khác như gỗ, chè thì thường phải bán với giá thấp hơn so với thị trường mới tiêu thụ được. Cụ thể, mỗi m3 gỗ ở đây thường có giá thấp hơn so với thị trường khoảng 200 nghìn đồng, chè có giá thấp hơn từ 15- 20 nghìn đồng/kg. Giao thông đi lại khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của địa phương mà còn làm hạn chế sự tiếp cận với các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của bà con, việc đến trường của hơn 100 em học sinh của xóm cũng trở nên gian nan hơn, nhất là vào mùa mưa lũ. Ở đây, phần lớn các em học sinh của xóm chỉ học hết THCS là nghỉ ở nhà.

 

Tìm hiểu nguyên nhân khó thực hiện bê tông hóa đường giao thông ở Văn Hán, chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Hiền cho biết: Văn Hán là xã vùng sâu, vùng xa nên đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, việc huy động tiền đối ứng để làm đường là rất khó thực hiện. Hơn nữa, địa hình của xã khá rộng, nhiều đồi núi, dân cư lại sống không tập trung nên nếu muốn làm được đường thì cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Hiện tại, xã không có kinh phí để làm đường nên chúng tôi chỉ có thể cùng bà con cố gắng khắc phục khó khăn trước mắt và mong sẽ được Đảng, Nhà nước quan tâm để sớm có con đường mới chắc chắn hơn.

 

Rời xóm Vân Hán khi trời đã gần tối, qua những đoạn đường lồi lõm khiến chiếc xe máy cứ chồm lên, tụt xuống như con ngựa bất kham, chúng tôi ai nấy đều mong rằng trong thời gian gần nhất, những con đường đầy “ổ gà, sống trâu” này sẽ được trải bê tông phẳng phiu để đem lại no ấm cho người dân nơi đây.