Giúp người dân tăng thu nhập.

10:35, 05/01/2013

Thu nhập được xem là một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất trong xây dựng nông thôn mới. Giải quyết vấn đề này là bài toán đầy thử thách khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Để hoàn thành tiêu chí trên, chính quyền xã Bá Xuyên (T.X Sông Công) đã có những giải pháp hữu hiệu để giúp người dân tăng thu nhập.

Xã Bá Xuyên hiện có 12 xóm, với 965 hộ, trên 4 nghìn nhân khẩu. Kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa, trồng mầu, trồng chè và chăn nuôi; xã không có nghề truyền thống. Vì vậy, vào thời điểm năm 2010, thu nhập bình quân trong xã chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm. Làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân? Câu hỏi ấy luôn thôi thúc cấp ủy, chính quyền địa phương. Tháng 8/2010, Bá Xuyên được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Xác định đây là cơ hội để Bá Xuyên phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), thành lập Ban chỉ đạo gồm 16 đồng chí. Qua rà soát ban đầu, xã còn 16/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới chưa đạt, cần phải hoàn thành trước năm 2015, trong đó khó nhất thực hiện là tiêu chí về thu nhập. Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để đưa ra giải pháp tăng thu nhập cho nông dân là: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích người dân tham gia học nghề nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động.

 

Ông Đặng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã cũng là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM cho biết: Bá Xuyên có đất đai màu mỡ, nguồn nước phục vụ cho sản xuất thuận lợi do có sông Công chạy qua, đây là ưu thế khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Từ đó, chúng tôi đã vận động người dân thay thế những diện tích trồng màu, lúa hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng chè cành, bí xanh, khoai tây, chuối tiêu hồng vì trên thực tế. Bên cạnh đó, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp với các tổ chức, các hội mở được gần 40 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lúa,  khoai tây, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật chăn nuôi; kỹ thuật trồng chè cho trên 2 nghìn lượt nông dân. Từ những lớp dạy nghề, tập huấn này, nông dân của xã đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

 

Gia đình ông bà Đồng Văn Dinh và Dương Thị Dâng ở xóm Chúc xã Bã Xuyên là một ví dụ. Nhiều năm liền, gia đình ông bà là hộ nghèo, 6 nhân khẩu chỉ trông vào 8 sào ruộng và 8 sào đất trồng lạc, đỗ nên chật vật vất vả quanh năm vẫn không đủ ăn. Từ năm 2007, được hội nông dân xã vận động, ông bà đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư, chuyển 8 sào trồng lạc đỗ sang trồng chè cành. Ông, bà cũng được tham dự các lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng chè nên đã áp dụng tốt vào thực tế sản xuất. Vì vậy đến hết năm 2011, gia đình ông đã trả hết nợ ban đầu, thoát nghèo bền vững và xây được nhà kiên cố. Ông Dinh chia sẻ: Tôi thấy chuyển sang trồng chè là một bước tiến lớn trong phát triển kinh tế của gia đình, vì vẫn diện tích đất và công lao động như thế nhưng mức thu nhập lại tăng gấp 9 lần so với trồng lạc, đỗ như trước. Mỗi năm gia đình tôi sản xuất được khoảng 700kg chè búp khô, bán với giá trung bình 180 nghìn đồng/kg, cho thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, được tham dự các lớp học về kỹ thuật trồng chè, chúng tôi đã nắm vững kiến thức trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè, trong đó, quan trọng nhất là biết sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh đúng thời điểm để an toàn cho sức khỏe của chính gia đình mình và người tiêu dùng. Từ đó, làm ra được sản phẩm chè an toàn, thơm ngon, có nhiều bạn hàng ưu tiên chọn lựa. Có thể nói, chúng tôi vươn lên thoát nghèo được là từ nỗ lực của gia đình và sự đồng hành của chính quyền địa phương.

 

Gia đình ông Đồng Văn Dinh là một trong hơn 600 hộ ở xã Bá Xuyên đã chuyển đổi những diện tích đất trồng không hiệu quả sang trồng chè cành và thực sự tăng thu nhập gia đình gấp từ 6 đến 8 lần so với trồng các cây mầu như trước. Bên cạnh trồng chè, người dân ở xã Bá Xuyên cũng đã trồng thành công cây bí xanh trên đồng đất của mình. Mô hình này đã cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 10 lần so với trồng các cây màu như trước. Diện tích trồng bí xanh đã được người dân mở rộng từ 7 sào ban đầu (năm 2007) thành 15 ha vào năm 2012. Hiện tại, chính quyền xã đang tích cực vận động bà con trồng thêm chuối tiêu hồng, khoai tây để thực hiện tốt hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

 

Bên cạnh vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã Bá Xuyên cũng khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời, thông qua quản lý của các tổ vay vốn, xã đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng với dư nợ hết năm 2012 là 11,2 tỷ đồng de đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, bà con đã thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi gia đình chỉ vài chục con gà, con lợn như trước kia. Bà con đã bắt tay với các công ty chăn nuôi để phat trien trang trại nuôi gia công gà công nghiệp quy mô từ 4 nghìn đến 15 nghìn con và mạnh dạn đầu tư gia trại chăn nuôi lợn quy mô từ 70 đến 150 con. Hiện tại, xã Bá Xuyên có gần 20 trang trại gà, lợn như vậy đã cho hiệu quả kinh tế cao. Một số gia đình có thu lãi từ 200 triệu đồng/năm như gia đình anh Nguyễn Đình Phiến ở xóm Chùa, anh Đỗ Văn Nga ở xóm Đớ, bác Trương Văn Oanh ở xóm Chúc, anh Dương Văn Bản, xóm Lý Nhân.

Từ những nỗ lực như trên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Bá Xuyên, tính đến hết năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã Bá Xuyên đã là 15 triệu đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,5% vào năm 2010 còn 11% vào cuối năm 2012. Ông Đặng Văn Cảnh cho biết: Với những giải pháp tích cực như trên, chúng tôi tin rằng sẽ thực hiện được mục tiêu của là đưa thu nhập của bà con đạt mức 25 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 để đạt được tiêu chí về thu nhập trong chương trình xây dựng NTM.