Hàng bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán: Bảo đảm cả lượng, chất và giá

08:51, 10/01/2013

Theo thông tin từ Sở Tài chính, hôm 9/1, tỉnh Thái Nguyên đã chính thức giải ngân 20 tỷ đồng vốn vay không lãi cho các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa bình ổn giá phục vụ nhu cầu của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Trước đó, 3 đơn vị dự kiến tham gia bình ổn giá của tỉnh đã chủ động tích trữ hàng hóa thiết yếu để kịp thời cung ứng ra thị trường dịp cuối năm.

 

Dự kiến toàn tỉnh sẽ có gần 200 quầy hàng cung ứng hàng hóa bình ổn giá phục vụ Tết tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Các quầy hàng, mặt hàng đều được đăng ký theo quy định tại Sở Tài chính. Ở mỗi quầy hàng đều có gắn băng zôn, khẩu hiệu và bảng niêm yết giá.

Các mặt hàng bình ổn giá năm nay gồm: gạo (380 tấn), dầu ăn (70.000 lít), bánh, kẹo (115 tấn), đường RE (197 tấn), muối iốt (469 tấn) và một số mặt hàng khác (giá trị luân chuyển khoảng trên 66 tỷ đồng).

 

Những ngày này, tại khu vực kho chứa hàng của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Dũng Minh - một trong 3 đơn vị tham gia bình ổn giá - các loại hàng hóa thiết yếu là gạo tẻ, thức ăn gia súc và gia cầm đã được tích trữ khá nhiều. Đủ các loại xe vận tải từ công-ten-nơ đến xe 5 tấn, 10 tấn ra vào tấp nập. Hàng hóa được bốc xếp ngay ngắn, phân loại từng kho chứa để dễ dàng xuất bán ra thị trường. Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện tại ở kho của đơn vị đã trữ được khoảng 200 tấn gạo tẻ các loại, trong đó chủ yếu là gạo Khang dân, Bao thai và Tẻ thường. Đơn vị đang tiếp tục nhập gạo về để đủ cung ứng theo nhu cầu của người dân. Công ty cũng đã tích trữ trên 1.000 tấn ngô, sắn, cám mỳ, mạch, cám gạo và trên 2.000 tấn cám hỗn hợp để phục vụ chăn nuôi dịp cuối năm.

 

Khi được hỏi về chất lượng, giá cả và quy trình cung ứng các mặt hàng bình ổn, ông Nguyễn Thế Dũng khẳng định: Toàn bộ hàng hóa mà Công ty nhập về và cung ứng ra thị trường đều đã qua kiểm định chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn cho phép, giá bán đúng với quy định của Nhà nước, không thay đổi kể cả khi giá ngoài thị trường có tăng vọt. Giá gạo tẻ trên thị trường hiện nay đang có xu hướng tăng từ 10 đến 15%, nhưng đơn vị vẫn bán với giá bình quân 12 nghìn đồng/kg, trong đó có loại rẻ nhất bán với giá 8,5 nghìn đồng/kg. Công ty có một trung tâm phân phối tại xã Sơn Cẩm (Phú Lương) và hàng trăm đại lý, cửa hàng tham gia cung ứng hàng hóa ở 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Giá các mặt hàng bình ổn đều được niêm yết cẩn thận tại tất cả các cửa hàng giao dịch. Giám đốc Công ty chia sẻ thêm: Chúng tôi thực hiện quy trình cung ứng khá nghiêm ngặt, chỉ bán lẻ cho dân, tuyệt đối không bán buôn để tránh các đối tượng khác đầu cơ kiếm lợi gây khó cho thị trường.

 

Cũng như Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Dũng Minh, thời gian gần đây lượng khách hàng đến giao dịch, mua sắm tại Công ty CP Lương thực Thái Nguyên – Siêu thị Minh Cầu (đơn vị tham gia dự trữ bình ổn giá hàng hóa thiết yếu dịp Tết) đông hơn rất nhiều so với trước. Các loại hàng hóa trong diện bình ổn giá bán tại đây như: gạo, dầu ăn, bánh kẹo, đường, thực phẩm… rất được khách hàng quan tâm. Là đơn vị được tham gia cung ứng hàng bình ổn giá hàng năm nên Công ty CP Lương thực Thái Nguyên nắm bắt rất rõ tâm lý cũng như nhu cầu của khách hàng, nhất là trong dịp cuối năm này. Bởi thế, trước khi tiếp nhận kinh phí, Công ty đã chủ động tích trữ đủ hàng hóa cần thiết cung ứng dần cho nhân dân. Theo một lãnh đạo Công ty thì với hệ thống siêu thị hiện đại trên địa bàn T.P Thái Nguyên và các mối quan hệ khách hàng lâu bền với nhiều cửa hàng, đại lý khác ở cơ sở sẽ giúp Công ty rất nhiều trong việc thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường. Trong đợt tích trữ và cung ứng hàng bình ổn giá cuối năm nay, dự kiến mức luân chuyển hàng hóa của Công ty sẽ đạt trên 12 tỷ đồng.

 

Là một trong 3 đơn vị được tham gia lần này, Công ty TNHH Quang Trung cũng sẽ cung ứng một số sản phẩm thiết yếu như bánh, kẹo, dầu ăn, đường với dự kiến mức luân chuyển hàng hóa trên 43 tỷ đồng. Theo đó có khoảng 35 tấn bánh, kẹo, 30.000 lít dầu ăn, 50 tấn đường. Đơn vị này cũng đã chủ động tích trữ hàng hóa từ rất sớm để có thể cung ứng kịp thời cho nhân dân.

 

 

Theo ông Đôn Văn Thủy, Trưởng Phòng Kế hoạch của Sở Công Thương thì năm nay tình hình khó khăn nên nguồn vốn bố trí của tỉnh cho công tác bình ổn giá chỉ bằng 50% năm trước, số lượng đơn vị tham gia cũng ít hơn. Tuy vậy, theo nhận định chuyên môn, lượng hàng hóa bình ổn giá trên thị trường dịp Tết này vẫn đảm bảo không thiếu, chất lượng được nâng lên, giá thành hợp lý. Đó là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia năm nay. Các đơn vị cung ứng đều có mạng lưới bán hàng tốt ở cả khu vực thành thị lẫn khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có năng lực sản xuất, kinh doanh và đầy đủ bộ máy tổ chức, kế toán…

 

Có thể nói, tuy không mang lại lợi ích kinh tế lớn, nhưng chủ trương cung ứng hàng bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán sẽ tạo dư luận xã hội tích cực, không chỉ góp phần loại bỏ tình trạng đầu cơ, tích trữ kiếm lợi, gây lũng đoạn thị trường của một số đối tượng cơ hội mà còn giúp cho người tiêu dùng trong tỉnh được sử dụng các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cả về chất lượng lẫn giá cả trong dịp cuối năm này.