Cùng với chè Tân Cương, chè Đại Từ đang dần chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài tỉnh. Cây chè được trồng trên đất Đại Từ từ khi nào không ai nhỡ rõ, chỉ biết rằng, trên địa bàn huyện hiện vẫn đang còn tồn tại một số cây chè cổ có tuổi thọ hàng trăm năm. Điều này cho thấy, cây chè đã gắn bó với con người và vùng đất nơi đây từ rất lâu đời và không chỉ góp phần hình thanh nên nét văn hóa trà đặc trưng mà còn trở thành nguồn thu nhập chính, giúp người dân bản địa xóa nghèo và vươn lên làm giàu.
Qua kết quả phân tích, đánh giá, chất lượng nguyên liệu chè Đại Từ có đặc điểm khác biệt so với các vùng chè khác. Cụ thể, hàm lượng tanin chiếm dưới 30%, thấp hơn đáng kể so với chè ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái (chè ở các tỉnh này, hàm lượng tanin chiếm tới trên 31%). Theo đó, hàm lượng đường khử trong chè Đại Từ lại cao hơn các tỉnh vừa kể trên nên khi chế biến sẽ tạo mùi hương cốm cho sản phẩm. |
Qua hằng trăm năm gắn bó với cây chè, người dân Đại Từ tạo dựng được cả một vùng chè lớn nhất tỉnh với diện tích đến hết năm 2012 là trên 6.200ha. Bằng việc đưa các giống chè cành năng suất, chất lượng như LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… vào trồng mới, trồng lại những diện tích chè đã thoái hóa, xuống cấp, hiện nay, địa phương có hơn 2.000ha chè chất lượng cao, góp phần đưa sản lượng chè năm 2012 “vượt ngưỡng” 56 nghìn tấn (cao nhất từ trước đến nay).
Theo ông Nguyễn Lê Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đạt được kết quả khả quan như kể trên là do những năm qua, Đại Từ đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới trong thâm canh, cải tạo và trồng mới chè; tổ chức tập huấn kỹ thuật đi đôi với xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Kéo theo đó là xây dựng các vùng sản xuất chè chất lượng cao bằng cách đưa các giống chè chất lượng cao vào trồng mới, trồng lại, từng bước hình thành một số vùng sản xuất chè chất lượng cao tại các xã La bằng, Phú Thịnh, Hùng Sơn và sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hệ thống thủy lợi phục vụ cho phát triển chè cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. 10 năm trở lại đây, huyện đã tập trung xây dựng nhiều công trình thủy lợi, vừa phục vụ sản xuất lúa, kết hợp tưới cho chè, trong đó có 4 công trình hồ phục vụ cho tưới chè là Đèo My, xã Minh Tiến; Ao Mật, xã Hoàng Nông; Nước Đục, xã Phú Lạc và Vai Cái, xã Văn Yên.
Nhằm nâng cao chất lượng chè, huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tập huấn sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ kinh phí để các hộ dân mua tôn quay chè bằng I nox, máy đóng gói hút chân không… Điều đáng mừng là đến nay, 98% hộ trồng chè đã sử dụng thiết bị bán công nghiệp trong chế biến chè.
Thời điểm này, huyện Đại Từ có 13 doanh nghiệp và 7 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè. Để sản phẩm chè của Đại Từ bay cao, bay xa tới mọi miền đất nước, những năm qua, UBND huyện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tham một số hột động như: hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Thái Nguyên; xây dựng lô gô, đăng ký mẫu mã hàng hóa… Vấn đề cơ cế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè cũng được Đại Từ thực hiện hiệu quả. Huyện chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện tranh thủ các nguồn vốn với lãi xuất ưu đãi để cho các hộ trồng chè vay phát triển sản xuất…
Tập trung phát triển cây chè, cây kinh tế mũi nhọn một cách bền vững là mục tiêu mà huyện Đại Từ đang hướng tới. Do đó, từ nay đến năm 2015, huyện đã đề ra rất nhiều giải pháp quan trọng. Đối với sản xuất chè, huyện tiếp tục triển khai trồng mới, trồng thay thế chè theo quy hoạch, trong đó hỗ trợ 100% giá giống; hỗ trợ triển khai xây dựng các vươn cây đầu dòng giống chè mới và các vườn ươm giống; chọn một số cây chè trung du làm cây đầu dòng để bảo tồn; tăng cường kiểm tra chất lượng giống chè đưa vào sản xuất… Trong chế biến, từng bước thay thế cơ bản các thiết bị thủ công lạc hậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng các thiết bị chế biến mới; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến quy mô nhỏ và vừa với thiết bị đồng bộ, hiện đại, chế biến theo công nghệ chè xanh; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng với thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng cho các HTX, hộ gia đình đầu tư mua máy móc, thiết bị tưới chè, đóng gói bảo quản để đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại và nâng cao chất lượng sản phẩm. Về kinh doanh, tiêu thụ, địa phương tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhất là triển khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa chè Đại Từ; hỗ trợ nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất thông qua công tác khuyến nông, khuyến công; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hoạt động hội chợ triển lãm, liên hoan trà quốc tế…