Lập nghiệp trên đất quê hương

09:54, 03/01/2013

Về xóm Tân Thái, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ), chợt nghe giữa làng lúa có tiếng máy cắt, mài sắt, tiếng búa va đập tròn gọn khiến tôi chú ý. Tìm đến nơi phát ra những âm thanh ấy, trước mắt tôi là cơ sở gia công các mặt hàng cơ khí, chủ yếu là then hoa cửa, khung kèo mái tôn, cửa nhôm kính và một số đồ dùng gia dụng như chạn đựng chén đĩa, phích nước, giá để sách báo của anh Vũ Xuân Trường.

Nhìn những sản phẩm đã hoàn hiện, dù không hiểu biết gì về kỹ thuật cơ khí, nhưng tôi có cảm giác đó là những sản phẩm đẹp, bền, chắc. Như đoán được sự tò mò của tôi, anh Trường khiêm tốn: Chúng em chỉ làm lấy công thôi. Còn Hoàng Cao Cường, người cùng đứng ra làm nghề với Trường bảo: Do vốn ít, nên chúng em chỉ nhận được những công trình nhỏ là dựng khung cột, bắn mái tôn, làm các mặt hàng từ vật liệu sắt, kẽm, inox theo đơn đặt hàng của người dân trong vùng. Song cũng có lúc chúng em tham gia làm phần cửa, cổng sắt ở các công trình nhà 5, 7 tầng có trị giá vài chục triệu đồng, nhưng chỉ nhận lại việc của các chủ xây dựng khác. Còn thu nhập của em, khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng.

 

Trường và Cường có chung tâm niệm: Ngày công có thể không cao nhưng đã làm theo đơn đặt hàng thì phải coi trọng chất lượng, đúng mẫu hàng do khách yêu cầu. Nhiều trường hợp gia đình khó khăn, phải vay mượn bà con chòm xóm làm nhà ở, các anh sẵn lòng làm giúp, chỉ lấy lại tiền vật liệu, tiền công vận chuyển. Trong xã, nhiều nông dân khi hỏng cái cày, bừa, chiếc sọt thồ rau cũng đến nhờ các anh giúp cho mối hàn.

 

Làm thợ, không ngại khó, ngại khổ, có những lúc khách đặt hàng với số lượng lớn, lại yêu cầu thi công nhanh, các anh tìm thuê thêm nhân công là người trong vùng. Trực tiếp hướng dẫn cho họ làm những công việc sức vóc, như mang vác, đồng thời qua đó các anh hướng dẫn cho nhiều lao động trẻ trong xã làm quen với nghề cơ khí. Nhờ đó, nhiều người được các anh hướng dẫn đã thành thạo việc đo, cắt vật liệu chính xác, sử dụng thuần thục các loại máy hàn, máy mài để làm ra sản phẩm. Trường kể: Trước khi vào nghề cơ khí, em từng đi phụ vữa cho các nhóm thợ xây, rồi theo bạn lên Quảng Ninh làm thuê cho nhóm thợ đóng tàu biển. Em có năng khiếu làm cơ khí nên được các bác thợ cao tuổi quý mến truyền nghề. Sau nữa, em đi làm phụ cho một số cơ sở sản xuất hàng cơ khí, trong suốt 6 năm, từ 1999 đến hết năm 2004, em chú tâm làm việc để học hỏi một số bí quyết trong kỹ thuật làm hàng cơ khí, nhất là kỹ thuật hàn que, hàn hơi và việc thực hành hàn trên các vật liệu ống kẽm mỏng, vì nếu non tay, làm hỏng vật liệu, nhà chủ bắt đền.

 

Năm 2005, khi đã học thạo việc, Trường mang toàn bộ số tiền hơn 30 triệu đồng dành dụm được trước đó để mua máy hàn, máy cắt, máy mài và một số dụng cụ cần thiết cho công việc và mở cơ sở gia công hàng cơ khí tại nhà. Còn Cường tâm sự: Em và Trường cùng tuổi, sinh năm 1986. Em phải bươn trải đi làm thuê từ lúc mới hơn 15 tuổi. Trong xã, nhiều bạn cùng lứa theo các anh chị lên bãi vàng tìm vận may, em bảo với Trường: Mình ở nhà làm thợ, đi phụ hồ, bốc vác thuê, miễn là có thu nhập chính đáng. Vậy là cả 2 cùng “dấn thân” đi làm thuê cho các công trình xây dựng,  rồi vào nghề cơ khí, mỗi đứa học một thầy, học trực tiếp tại các cơ sở gia công cơ khí. Có những năm em đi làm công, mỗi ngày được chủ cơ sở trả cho 5.000 đồng/ngày. Vì thế khi có chút vốn, em đầu tư mua máy, tự làm nghề. Nhiều thanh niên theo em học nghề đều được em chỉ bảo tận tình, không giấu mẹo kỹ thuật và trả công cho họ - ít nhất là bằng tiền công của người lao động phổ thông, từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/người/ngày.

 

Hiện cơ sở của họ có đủ các loại máy cắt, hàn, mài và cơ sở gia công hàng cơ khí có tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Họ có đầy đủ các điều kiện về thiết bị máy, kỹ thuật để thực hiện trên các loại vật liệu khác nhau, kể từ nhôm, kính, sắt, inox. Bằng kinh nghiệm nghề, khi nhận các công trình của người dân, do không có bản thiết kế, họ tư vấn cho gia đình nên làm như thế nào để tiết kiệm được giá thành mà bảo đảm thẩm mỹ. Cũng nhờ chất phác, chân thành, khiêm tốn, sản phẩm của họ làm ra bền, đẹp, giá cả hợp lý nên họ thường xuyên có việc làm. Ngoài ra, Cường và Trường còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 đến 5 lao động trong vùng, với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng.