Mía đã ngọt trên đất cằn Lân Vai

10:20, 29/01/2013

Chúng tôi đến bản Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai), đúng vào thời điểm bà con đang thu hoạch mía để nấu đường. Nhìn những phên đường vàng ươm, thơm phưng phức vừa ra lò khiến những ai có mặt đều nghĩ đến một mùa xuân no ấm ở miền sơn cước này.

Giữa cánh đồng trồng mía không mấy bằng phẳng, bốn bề được bao quanh bởi núi đá, một chiếc lán nhỏ được dựng lên, trên mái lán nghi ngút khói, đó là nơi nhiều hộ dân ở Lân Vai đang nấu đường. Càng lại gần, mùi mật mía càng ngào ngạt. Mùi thơm mát của mía xộc vào mũi, khiến người ta như cảm nhận được cả vị ngọt, thanh chạm tận nơi cuống họng. Hơi nóng tỏa ra từ những chiếc chảo đang sôi ùng ục, mật mía vàng sóng sánh làm át đi cái tê lạnh của tiết trời cuối đông.

 

Luôn tay kéo những cây mía đã được vắt hết nước từ chiếc máy ép, chị Lý Thị Chua tươi cười: "Nhà mình trồng được 5 sào mía, trừ chi phí được lãi khoảng 6 triệu đồng. Vậy là Tết có đủ tiền sắm sửa và mua quần áo mới cho các cháu rồi”. Phía trong lán, anh Hầu Văn Dũng chồng chị Chua vừa luôn tay với 3 chảo mật mía đang trong công đoạn cô thành đường phên, vừa vui vẻ chỉ cho chúng tôi từng công đoạn trong quy trình nấu mật: Đồ nghề dùng để nấu bao gồm một máy ép mía, hệ thống ống dẫn nước mía từ máy ép về lò đun được làm bằng những thân cây mai bổ dọc. Nước mía trước khi chảy vào chảo nấu được lọc bằng một chiếc vợt inox có mắt dày nhằm gạn bỏ bã mía còn sót lại. Mỗi mẻ đường thường được đun trong vòng 3 giờ đồng hồ, nguyên liệu để đốt lò chính bằng thân cây mía tươi vừa được ép lấy nước. Một người đứng ở vị trí cửa lò làm nhiệm vụ cho bã mía vào đun và giữ cho lửa cháy đều. Người đứng nấu luôn tay khuấy đều các chảo nước mía, sao cho nước mía sôi đến thời điểm thích hợp nhất, có như vậy đường thành phẩm mới có độ giòn. Mật mía đã nấu xong được đổ ra khuôn để tạo thành phên đường thành phẩm. Sau khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ, những phên đường đủ độ đông cứng sẽ được chia ra thành từng miếng nhỏ 1 hoặc 2kg. Đường phên ở đây được tư thương rất ưa chuộng, do chất lượng thơm ngon nên đều vào tận bản thu mua với giá 19 nghìn đồng/kg.

 

 

Ông Hoàng Văn Khình, Trưởng bản Lân Vai cho biết: Toàn bản hiện có 56 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông, chủ yếu di cư về từ Chiêm Hóa, Tuyên Quang từ năm 1997, cũng kể từ đó, cây mía bắt đầu bén rễ ở Lân Vai. Cây mía chiếm gần một nửa diện tích đất canh tác ở Lân vai. Vì phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên mía ở Lân Vai ngọt cho tỷ lệ đường cao hơn so với những nơi khác.

 

Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đất canh tác có hạn, cả bản chỉ có vỏn vẹn 12ha đất sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng là lúa, ngô và mía. Việc canh tác lúa nước ở đây không thuận lợi nên cây mía dần trở thành cây trồng chủ lực và là nguồn thu đáng kể của bà con. Theo cách tính của bà con, mỗi sào mía cho thu nhập cao hơn so với trồng ngô hoặc lúa khoảng 500 đến 700 nghìn đồng. Chính vì vậy, từ 2ha trồng mía ban đầu của 2 hộ gia đình, đến nay, đã có 15 hộ trồng mía, với diện tích 5ha. Cây mía đã góp phần đáng kể vào việc khi giảm tỷ lệ hộ nghèo của bản xuống còn 49 hộ (năm 1997, 100% các hộ trong bản đều thuộc diện hộ nghèo).

 

Mỗi vụ mía thường kéo dài 1 năm và cho thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Ở đây, các gia đình thường luân phiên thu hoạch mía vì cả bản chỉ có 1 máy nấu đường do một số hộ dân đầu tư rồi cho thuê. Mỗi lần thuê dụng cụ nấu, các hộ phải trả cho chủ máy 10% tổng giá trị đường thành phẩm. Theo kinh nghiệm của bà con, những mảnh đất trồng mía 2 vụ liên tiếp phải chuyển đổi sang trồng ngô 1 năm rồi lại quay lại trồng mía, như thế sẽ có tác dụng cải tạo đất, nâng cao hiệu quả cây trồng. Ông Khình chia sẽ: Ở Lân Vai, gia đình có thu nhập chục triệu đồng từ trồng mía không còn hiếm nữa. Như gia đình ông Lý Văn Dê và bà Hòng Thị Mỷ, năm nay trồng 7 sào mía, nấu được gần 1 tấn đường phên, trừ mọi chi phí, còn thu lãi 13 triệu đồng. Tuy đây không phải là mức thu nhập cao so với ở nhiều nơi nhưng ở Lân Vai thì đây là nguồn thu đáng kể (bình quân thu nhập của đầu người ở Lân Vai hiện chỉ đạt chưa đến 300 nghìn đồng/người/tháng).

 

Tuy là xóm có 100% đồng dân tộc Mông nhưng từ lâu người dân Lân Vai chỉ đón Tết Nguyên đán giống như cả nước. Nhìn bà con hối hả thu hoạch và cho ra lò những mẻ đường vàng óng, chúng tôi như thấy Tết ở đây đến sớm và rộn ràng hơn thành phố. Trên diện tích mía vừa thu hoạch, bà con lại hối hả làm đất để trồng vụ mía mới. Không khí lao động khẩn trương, mọi người rôm rả vừa làm vừa hào hứng trao đổi, dự định chọn ngày thịt lợn để ăn Tết, gói bánh. Thanh niên trong bản thì giục nhau chuẩn bị "sân bãi" để sẵn sàng cho những trận đá bóng khai xuân, còn những cô gái thì í ới hẹn nhau làm quả còn để tung trong ngày Tết...

 

Dù đất trời chưa chuyển sang Xuân nhưng không khí ngày xuân đã ngập tràn trên bản người Mông thanh bình này. Lân Vai đang đón chờ một mùa Xuân mới với niềm tin vào cuộc sống ngày mai no ấm  hơn.