Một doanh nghiệp nhỏ hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế

08:46, 15/01/2013

Năm 2012, UBND huyện Đại Từ đã quyết định khen thưởng 10 doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế xuất sắc nhất trên địa bàn. Trong đó, Doanh nghiệp Khánh Loan là doanh nghiệp duy nhất thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp được tuyên dương.

Khánh Loan là doanh nghiệp nhỏ, có trụ sở ở xóm Phú Hạ, xã Bản Ngoại, chuyên sản xuất gỗ keo xẻ xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sản xuất gỗ ba lét (gỗ thanh đóng thành các kiện hàng) cho thị trường nội địa. Năm 2012, doanh nghiệp đạt doanh thu trên 300.000 USD cho các sản phẩm gỗ xuất khẩu và hơn 3 tỷ đồng đối với các sản phẩm nội địa. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã hoàn thành nghĩa vụ đóng hơn 300 triệu đồng tiền thuế VAT cho địa phương.

 

Thành lập năm 2009, Doanh nghiệp Khánh Loan ban đầu là một xưởng sản xuất nhỏ với 4 đầu máy chính. Khi đó, cả lãnh đạo và công nhân của doanh nghiệp chỉ có gần 10 người với mức lương bình quân 1,5 đến 2 triệu đồng. Sau 3 năm đi vào sản xuất, đến nay, Doanh nghiệp Khánh Loan đã có 10 đầu máy chính; tạo việc làm ổn định cho hơn 40 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/người. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng luôn đi đầu trong các công tác từ thiện, đóng góp cho các hoạt động đoàn thể của địa phương.

 

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Khánh Loan cho biết: “Năm nay, Doanh nghiệp chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nên sẽ tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn về vốn để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm”. Năm 2012, Doanh nghiệp đã lập dự án xây dựng lò sấy gỗ công nghiệp. Dự án hứa hẹn sẽ tạo ra sản phẩm gỗ chất lượng cao, không nấm mốc, giúp tăng giá thành gỗ lên hơn 1 triệu đồng/khối. Sản phẩm gỗ đã qua sấy khô cũng giảm khối lượng do đó giảm giá cước vận chuyển đáng kể. Thêm vào đó, doanh nghiệp có thể tận thu toàn bộ nguồn mùn cưa, gỗ phế phẩm tạo thành nhiên liệu và các sản phẩm có giá trị cao. Tuy nhiên, kinh phí để xây dựng hệ thống máy sấy khoảng 3 đến 3,5 tỷ đồng. Đồng thời phải lắp đặt trạm biến áp với chi phí khoảng 400 - 500 triệu đồng vì nguồn điện ở đây không đảm bảo.

 

Như vậy, bài toán kinh tế lớn nhất của Doanh nghiệp Khánh Loan hiện nay là nguồn vốn. Khách hàng trong nước của doanh nghiệp nhận sản phẩm sau 1 tháng mới trả tiền, còn khách hàng nước ngoài thì khoảng 3 tháng. Trong khi đó, người dân thì phải nhận đủ tiền mới bán gỗ, nên vốn lưu động của doanh nghiệp quay vòng không đủ. Doanh nghiệp nằm tại xã Bản Ngoại, là xã 135 nên giá thế chấp đất để vay vốn ngân hàng thấp, trung bình mỗi năm doanh nghiệp chỉ vay được 500 đến 700 triệu đồng/5.000 m2 đất. Dự án xây dựng lò sấy hoặc mở rộng sản xuất cũng chưa được ngân hàng phê duyệt.

 

Nhận xét về doanh nghiệp Khánh Loan, ông Lưu Văn Toán, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đại Từ cho biết: “Doanh nghiệp Khánh Loan là doanh nghiệp nhỏ năng động, biết tìm hướng phát triển trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ông Toán cũng cho biết thêm: “Xác định nguồn vốn là cơ hội lớn nhất để phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nên chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp với các ngân hàng trong huyện họp bàn các giải pháp nhằm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nên rất khó thực hiện”.

 

Cũng như Doanh nghiệp Khánh Loan, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trong địa bàn tỉnh cũng đang gặp các khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng, thiết bị. Hy vọng, chính quyền và các ngành các cấp sẽ đẩy mạnh việc thực hiện những chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp phát triển.