Nằm xen với những đám ruộng bị bỏ hoang còn trơ gốc rạ do không chủ động được nguồn nước sản xuất vụ đông ở xóm Cây Thị, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) là vài khoảnh mang màu vàng của hoa cúc, màu xanh mướt của những đám cây hoa lay ơn đang thời kỳ phát triển…
Gia đình chị Phùng Thị Tuyết có 3 sào đất màu thì đều dùng để trồng hoa cúc và hoa lay ơn vào vụ đông từ năm 2008. Trước đây, cũng diện tích đó, chị thường trồng rau, ngô hoặc có khi bỏ hoang do thiếu nước tưới. Theo chị Tuyết thì hoa cúc là loại cây tương đối dễ trồng và dễ bán, trong khi vốn đầu tư thấp. Chỉ vào ruộng hoa cúc đang nở rộ, chị Tuyết nói: Giá bán hoa cúc hiện tại thấp (trung bình 1 nghìn đồng/bông) nhưng 1 sào hoa cúc này cũng cho gia đình tôi thu lãi khoảng 8 triệu đồng, nếu được giá như năm ngoái thì có thể lãi tới 40 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng rau, ngô vụ đông. 2 năm gần đây, nhà tôi trồng thêm hoa lay ơn phục vụ thị trường tết, hy vọng năm nay hoa sẽ nở đúng dịp và được giá hơn.
Cách đó không xa, chị Đặng Thị Trúc đang nhanh tay “cấy” giống hoa cúc trên diện tích 300m2, chị cho biết: Trồng dịp này sẽ có hoa bán vào thời điểm ra tết, giá có thể không cao lắm nhưng thường dễ tiêu thụ. Gia đình tôi cũng đang tập trung chăm bón hoa lay ơn, nếu thuận lợi thì vào dịp tết sẽ có thêm nguồn thu không nhỏ…
Cây Thị lâu nay vốn là xóm thuần nông, đồng ruộng trũng thấp, mỗi năm 2 vụ lúa bấp bênh, diện tích trồng màu hạn chế, trong khi đất pha cát bạc màu nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện ý tưởng tìm hướng phát triển kinh tế, ông Dương Văn Quyền (Trưởng xóm) đã nhiều lần đến vùng hoa phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) tham quan, học hỏi kinh nghiệm và là người đầu tiên đưa cây hoa về trồng tại xóm. Vụ hoa năm nay, gia đình ông Quyền trồng hơn 3 sào hoa cúc, hoa lay ơn và hoa ly, ruộng trồng màu của nhà hạn chế, ông mượn thêm đất của hàng xóm để trồng hoa.
Thấy vậy, nhiều người trong xóm nhận thấy lợi nhuận từ trồng hoa cao hơn các loại cây khác, họ học hỏi kinh nghiệm của ông Quyền và mua giống về trồng thử. Cứ như vậy, số hộ trồng hoa trong xóm năm sau cao hơn năm trước, tổng diện tích cũng tăng khá nhanh, diện tích đất bị bỏ hoang trong vụ đông giảm dần (vụ năm nay, xóm Cây Thị có 20/62 hộ trồng hoa, nhiều hơn năm 2011 5 hộ). Được biết, từ mô hình trồng hoa của ông Dương Văn Quyền mà xóm Cầu Đá, xã Thịnh Đức đã có trên 10 hộ thường xuyên trồng hoa vào vụ đông.
2 năm trở lại đây, các hộ trồng hoa ở xóm Cây Thị và Cầu Đá được Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên hỗ trợ giống, phân bón theo Chương trình khuyến nông, được tập huấn và tư vấn kỹ thuật trồng hoa. Theo ông Dương Văn Quyền thì đó là sự quan tâm, động viên rất kịp thời và góp phần quan trọng bổ trợ kiến thức cần thiết cho người trồng hoa. Trong thời gian tới, bà con nông dân mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng thời được tư vấn, định hướng để phát triển khu vực này thành một vùng hoa chuyên canh…