Những mô hình sản xuất cho thu nhập cao ở La Hiên

08:43, 10/01/2013

Với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã La Hiên đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, những mô hình kinh tế cho thu nhập cao xuất hiện ngày càng nhiều…

Ông Giang Văn Kiểm, Trưởng xóm Hiên Minh cho biết: Hiện, xóm có 165 hộ, 596 nhân khẩu với hơn 60ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy là xóm thuần nông nhưng diện tích cấy lúa của Hiên Minh có rất ít (khoảng 3,3ha). Nguồn thu nhập chính của người dân trong xóm là từ cây na. Vụ thu hoạch quả năm 2012, người dân trong xóm đã có nguồn thu nhập khoảng gần 10 tỷ đồng từ 33,5ha na. Số hộ trồng na có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên chiếm khoảng trên 90% tổng số hộ. Nhờ đó, mức thu nhập bình quân đầu người của xóm hiện đã đạt trên 15 triệu đồng/năm...

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cây na đã được người dân của 7 xóm trong: Trúc Mai, Làng Lai, La Đồng, Hiên Bình, Hiên Minh, Cây Bòng, Xuân Hòa xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ cây na mà đời sống của người dân ở những xóm này ngày càng trở nên sung túc. Biểu hiện rõ nét nhất cho điều này là hình ảnh những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát ngày càng nhiều, đường giao thông trong xóm đã được mở rộng và đổ bê tông, nhiều hộ đã sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

 

Bên cạnh việc trồng na, nhiều hộ dân trong xã còn mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, gà theo hướng sản xuất hóa, điển hình như hộ gia đình ông Phạm Huy Thọ ở xóm Hiên Minh, Nguyễn Hải Đường, Phạm Huy Hòe (xóm Hiên Bình), Bùi Đức Tuấn (xóm Làng Lai), Nguyễn Thị Hiền (xóm Phố)... Ông Phạm Huy Thọ cho biết: Với khoảng 0,5ha na, cộng với việc nuôi thêm từ 10-15 con lợn thịt/lứa, mỗi năm, gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu mô hình chăn nuôi lợn hậu bị của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, tôi lại thấy đây là một hướng phát triển kinh tế hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho gia đình. Cho nên, tôi đã bàn với vợ con liên hệ với Công ty để nhận chăn nuôi lợn hậu bị. Tháng 8 năm ngoái, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại rộng 1.400m2 được trang bị đầy đủ hệ thống làm mát, thông gió, máng ăn, máng uống tự động, với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng, để chăn nuôi lợn hậu bị cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam; mua thêm đất mở rộng khuôn viên trang trại lên tới 2ha, mở đường giao thông để ô tô có thể vào được tận nơi. Hiện tại, trại chúng tôi đang nuôi 1.000 con lợn giống/lứa, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng...

 

Nhằm tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển, trong 2 nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ xã La Hiên đã xây dựng các nghị quyết chuyên về: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị cao theo hướng sản xuất hàng hoá và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ ruộng cấy lúa khó chủ động được nguồn nước sang trồng cây ăn quả. Để cụ thể hóa các nghị quyết này, UBND xã đã tiến hành khảo sát, quy hoạch lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã theo từng vùng phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của địa phương; khoanh vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng, vật nuôi; khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp công nghiệp với quy mô trang trại. Nhờ đó, đến nay, xã đã hình thành được vùng sản xuất tập trung trồng các loại cây ăn quả với quy mô gần 300ha, gồm các xóm Hiên Bình, Hiên Minh, Xuân Hoà, La Đồng. Các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập hàng trăm triệu đã xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài mô hình trồng na của nhân dân 7 xóm như đã nói ở trên, La Hiên còn có 2 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô mỗi trại 1.000 con/lứa, 2 trang trại chăn nuôi gà với quy mô mỗi trại hơn 9.000 con/lứa và hơn 30 hộ chăn nuôi với quy mô từ 20-30 con lợn/lứa. Các mô hình sản xuất này đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2012, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 13 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với năm 2008).

 

Ông Hoàng Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để góp phần nhân rộng các mô hình sản xuất cho thu nhập cao, trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiến hành thành lập các tổ hợp tác về trồng cây ăn quả, trồng chè và chăn nuôi; tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ dân; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa một số mô hình sản xuất cho thu nhập cao nhằm tăng thu nhập cho nhân dân; chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các nghề trồng trọt, chăn nuôi; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân được vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất...