Lâu nay, xã Minh Lập được mệnh danh là “vựa” chè của huyện Đồng Hỷ và rất nổi tiếng bởi chè Trại Cài. Cùng với việc đưa vào trồng những giống chè chất lượng cao, cải tạo diện tích chè già cỗi… nông dân nơi đây còn tập trung vào làm chè vụ đông bởi chúng có những ưu điểm vượt trội mà chè chính vụ không có được.
Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè xanh mướt của các xóm Trại Cài, Cà Phê, Sông Cầu…, ông Nguyễn Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: Toàn xã có hơn 1.600 hộ thì có tới trên 90% số hộ trồng chè. Trong 19 xóm của xã có 4 xóm được công nhận là Làng nghề chè truyền thống (Trại Cài, Cà Phê 1, Cà Phê 2, Sông Cầu). Toàn xã hiện có gần 350ha chè kinh doanh thì diện tích làm được chè vụ đông chiếm khoảng 80% với giống chè trung du và chè lai như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, TRI 777, LDP1... Mỗi năm vùng chè Minh Lập cung cấp cho thị trường trên 600 tấn chè búp khô. Trước đây, người dân trong xã chủ yếu chỉ tập trung làm chè trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9, đó là lúc trời mưa nhiều chè cho nhiều búp.
Xóm Cà Phê 1 là xóm có số hộ làm chè vụ đông nhiều nhất xã. Toàn xóm có khoảng 45ha chè thì diện tích chè vụ đông chiếm trên 35 ha. Dạo bước qua những đồi chè trổ búp tua tủa đang được các bà, các chị thu hái vào bao, ngắt thử một búp chè non bóng nhấm nhè nhẹ trong miệng, chúng tôi cảm nhận được vị chè tươi hơi chan chá t, bùi bùi, ngòn ngọt đọng lại nơi cuống họng. Chị Đàm Thị Luyến, một người dân trong xóm đang thoăn thoắt hái chè gần đấy vui vẻ nói: Vụ đông này do trời ít mưa nên lá chè rất dày và có vị đậm, thơm ngon hơn chè chính vụ nhiều. Gia đình tôi có 12 sào chè trung du đều làm vụ đông, tuy mỗi sào chỉ được khoảng 15kg chè khô/lứa (ít hơn chè chính vụ từ 5-7kg chè khô) nhưng lại bán được từ 180-220 nghìn đồng/kg (cao hơn chè chính vụ từ 50-70 nghìn đồng/kg). Vào dịp Tết thì giá bán có thể lên tới 250 nghìn đồng/kg vì lúc đó nhu cầu dùng chè của người tiêu dùng nhiều hơn.
Qua trò chuyện với bà con nông dân, chúng tôi được biết chè vụ đông bắt đầu được tính từ đầu tháng 10 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Mỗi lứa chè vụ đông thường kéo dài từ 50 đến 55 ngày (dài hơn khoảng 20 ngày so với chè chính vụ) nên thường chỉ được thu hoạch 2 lứa/vụ. Chăm sóc chè vụ đông khác hơn so với chè chính vụ ở chỗ ngoài việc phun thuốc bảo vệ thực vật còn cần phải giữ độ ẩm cho cây, trung bình mỗi lứa chè phải tưới khoảng 3 lần thì mới cho nhiều búp. Xã Minh Lập là địa phương được thiên nhiên ưu ái là có dòng sông Cầu chảy qua nên người dân nơi đây luôn chủ động được nguồn nước tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ưu điểm lớn nhất của việc làm chè vụ đông là ít bị sâu bệnh, chè thành phẩm thường ít bị chát, có vị đậm, nhiều hương hơn so với chè chính vụ. Ông Lưu Văn Sỹ, ở xóm Làng Chu có 10 sào chè vụ đông, trồng giống TRI 777 và giống chè trung du cho biết: Gia đình tôi làm chè vụ đông đã được gần chục năm. Tuy năng suất thấp nhưng chất lượng lại cao nên sản phẩm làm ra đến đâu thường tiêu thụ hết ngay đến đó. Tính trung bình mỗi kg chè có giá khoảng 180 nghìn đồng thì chỉ với 2 lứa chè vụ đông gia đình tôi cũng thu được gần 60 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với chè chính vụ.
Đối với Minh Lập, cây chè đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Trung bình mỗi năm, xã giảm được từ 60-70 hộ nghèo, thu nhập bình quân hiện đạt 19 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 3 triệu đồng so với năm 2011). Để mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng chè, xã Minh Lập đang tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện trồng mới, cải tạo lại những diện tích chè già cỗi bằng những giống chè lai chất lượng cao. Năm 2012, toàn xã đã trồng mới được 17ha chè (tăng gấp đôi diện tích so với năm 2011), đạt trên 120% kế hoạch đề ra.
Kết thúc cuộc hành trình tìm hiểu về cách làm chè đông, chúng tôi được người dân nơi đây mời thưởng thức những chén nước chè xanh trong, thơm nồng. Tin rằng với sự ưu đãi của thiên nhiên về điều kiện đất đai, thời tiết thích hợp và tập quán, kinh nghiệm nhiều năm sản xuất chè của người dân nơi đây, diện tích và chất lượng của chè vụ đông sẽ ngày càng được nhân rộng.