Phát huy tiềm năng thế mạnh từ đất rừng, những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền xã Tân Thành (Phú Bình) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác trồng rừng và phát triển kinh tế rừng. Nhờ đó, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn xã liên tục tăng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ rừng.
Tân Thành là xã miền núi có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế rừng với 1.879 ha đất lâm nghiệp, chiếm hơn 65% diện tích đất tự nhiên. Nhưng trước đây, do lợi ích từ rừng đem lại còn thấp nên người dân không mấy mặn mà với việc trồng rừng khiến cho nhiều ha đất lâm nghiệp của xã bị bỏ hoang. Từ năm 2010 trở lại đây, khi Dự án trồng rừng theo Quyết định số 147 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai về địa phương, với sự hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả của Nhà nước cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, người dân xã Tân Thành đã nhận thức được vai trò và hiệu quả của công tác trồng rừng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn xã trong 3 năm qua liên tục tăng, góp phần quan trọng vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nếu như trước đây, mỗi năm chỉ trồng mới được khoảng 50 ha thì năm 2010 diện tích rừng trồng mới của xã đã tăng lên 125 ha; năm 2011 là 190 ha và năm 2012 là 200 ha (bằng 180% kế hoạch). Sau 3 năm thực hiện Dự án trồng rừng 147, đến nay xã Tân Thành đã tăng độ che phủ của rừng lên trên 65% và trở thành địa phương dẫn đầu trong công tác trồng rừng của huyện Phú Bình.
Ông Đinh Văn Phượng, Chủ tịch xã Tân Thành cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng mang lại, mấy năm gần đây, chính quyền địa phương đã chú trọng việc giao đất giao rừng cho nhân dân quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm xây dựng chỉ tiêu kế hoạch giao cho các hộ gia đình triển khai trồng rừng theo các dự án; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người trồng rừng. Nhờ đó, diện tích rừng trồng ở địa phương năm sau tăng đáng kể so với năm trước. Hiện nay toàn xã có trên 1.000 ha rừng sản xuất, trong đó có hàng trăm ha keo lai đã sắp đến tuổi khai thác. Trồng rừng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, vì vậy mà người dân càng bám rừng và gắn bó mật thiết với rừng.
Theo chân cán bộ nông - lâm nghiệp xã, chúng tôi đến gia đình bà Vũ Thị Bắc, xóm Non Tranh, một trong những hộ có nguồn thu nhập cao từ trồng rừng. Hiện nay gia đình bà Bắc đang có 3 ha keo lai vừa cho thu hoạch và 6 ha keo lai mới trồng theo Dự án 147. Bà cho biết: Cây keo lai phù hợp với chất đất ở đây nên phát triển rất nhanh. Chỉ sau 6 năm chăm sóc, 3 ha keo lai của gia đình tôi đã bán được 200 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn được lãi 150 triệu đồng. Năm 2010, gia đình tôi lại tiếp tục đăng ký trồng 6 ha keo lai theo Dự án 147. Tham gia Dự án, gia đình tôi được hỗ trợ toàn bộ cây giống và phân bón, ngoài ra vì là người dân tộc thiểu số nên còn được hỗ trợ thêm 2,2 triệu đồng/ha. Toàn bộ diện tích keo trong 2 năm đầu gia đình tôi trồng xen canh với sắn cao sản nên mỗi năm cũng thu về khoảng 100 triệu đồng từ cây sắn. Hiện nay, cây keo đã được 3 năm tuổi, một số cây to đã có thể chặt tỉa để bán.
Điển hình thu nhập cao từ trồng rừng ở Tân Thành còn có hộ gia đình anh Lê Hoài Thanh, xóm Non Tranh, với 5 ha rừng keo lai trồng từ năm 2005, vừa qua toàn bộ diện tích này đã cho khai thác. Gia đình anh thu về hơn 400 triệu đồng, nhờ vậy mà kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá, cuộc sống ổn định. Anh Thanh trở thành một trong những hộ nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Năm 2012, anh Thanh lại tiếp tục đăng ký trồng mới 5 ha keo lai theo Dự án 147. Hiện nay, toàn bộ diện tích keo lai của gia đình anh đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%...
Ngoài việc trồng các loại cây như: keo lai, bạch đàn, thông… hiện nay người dân xã Tân Thành còn trồng các loại cây như tre Bát độ, nứa, luồng… Dưới tán cây rừng, người dân còn kết hợp chăn nuôi gà, nuôi ong để tăng thêm giá trị kinh tế. Theo thống kê của UBND xã Tân Thành, hiện nay toàn xã có 1.390 hộ thì có gần 1.000 hộ tham gia trồng rừng kinh tế (chiếm trên 70%). Năm 2012, xã có 2 gia đình được công nhận trang trại trồng rừng với quy mô trên 10 ha và giá trị kinh tế lên tới trên 500 triệu đồng/năm… Có thể nói, từ trồng rừng nhiều hộ gia đình ở Tân Thành có cuộc sống ngày càng ổn định, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2007 là gần 40% thì năm 2012 đã giảm xuống còn 18%.