Vượt qua bao khó khăn trong năm 2012, bức tranh kinh tế - xã hội của Phú Lương vẫn toát lên gam màu tươi sáng. Nổi bật trong gam màu ấy là công tác thu hút đầu tư.
Thực trạng trong thu hút đầu tư
Nhiều năm trước, Phú Lương đã thực hiện các chương trình thu hút đầu tư vào địa bàn, nhưng lại không đạt được yêu cầu đề ra. Nói về nguyên nhân của thực trạng ấy, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước đây, vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn huyện còn khá phức tạp; hạ tầng chưa được xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3 còn chậm nên gây trở ngại cho các nhà đầu tư… Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) còn nhiều hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ chưa cao. Tất cả những điều đó gây khó khăn trở ngại cho các nhà đầu tư khi tiếp cận vào địa bàn.
Những năm gần đây, chương trình thu hút đầu tư của Phú Lương đã có những chuyển biến đáng kể. Bởi, ngoài lợi thế về giao thông có tuyến Quốc lộ 3, đường tỉnh 268 đi qua thì hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, công tác thu hút đầu tư đã được cải thiện hơn. Do đó, đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến với Phú Lương để thực hiện dự án như: Dự án Khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Phố Giá, dự án Xây dựng cụm công nghiệp Sơn Cẩm, cụm công nghiệp Đu - Động Đạt của Hợp tác Công nghiệp và Vận tải Chiến Công; Dự án xây dựng Nhà máy gạch Tuynel và kết cấu thép của Doanh nghiệp Phú Đạt (Sơn Cẩm); Dự án luyện than cốc và chế biến quặng sắt của Công ty TNHH kim khí Gia Sàng... Tuy nhiên, do vướng mắc về bồi thường, GPMB; năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn về nguồn lực tài chính; chính quyền sở tại, nhà đầu tư và người dân chưa tìm được “tiếng nói chung” nên hầu như các dự án trên rơi vào tình trạng: chậm tiến độ, để dở dang, có dự án chủ đầu tư đã trả lại cho huyện. Thực trạng này đã ảnh hưởng tới môi trường thu hút đầu tư của huyện Phú Lương, gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong nhân dân.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo “đột phá”
Trước thực trạng trên, Phú Lương đã đẩy mạnh công tác CCTTHC, trong đó khâu đột phá là điều chỉnh lề lối làm việc; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ; thực hiện xây dựng, triển khai Đề án Thực hiện cơ chế một cửa từ huyện tới cơ sở. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thu hút đầu tư trong đội ngũ cán bộ cũng như người dân; bồi thường, GPMB; đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động… Do đó, từ năm 2010 đến nay, Phú Lương đã có 10 dự án về luyện than cốc, chế biến quặng, khai thác than, sản xuất gạch, may mặc…vào địa bàn. Tổng diện tích đất được mở rộng thực hiện các dự án khoảng 15ha, với tổng vốn đăng ký xây dựng ban đầu gần 300 tỷ đồng. Trong số các dự án trên, có 50% dự án được triển khai hoạt động. Sau khi đi vào hoạt động đã đóng góp đáng kể vào thu ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Riêng năm 2012, đóng góp trên 1 tỷ đồng vào ngân sách của huyện; gần 15 tỷ đồng vào ngân sách cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; giải quyết việc làm cho gần 2 nghìn lao động trong địa phương… Đơn cử như: Dự án Xây dựng Nhà máy gạch Tuynel Phú Lộc (xã Cổ Lũng) của Công ty TNHH Quang Trung được xây dựng trên diện tích 30 nghìn m2, với vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng. Năm 2012, Nhà máy sản xuất và tiêu thụ được 30 triệu viên gạch, doanh thu đạt khoảng 26 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 800 triệu đồng. Tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, Công ty có kế hoạch thuê 4ha để mở rộng mặt bằng Nhà máy, đầu tư dây chuyền sản xuất gạch đỏ lát nền và ngói đỏ. Và khi hoàn thành dây chuyền sản xuất, Nhà máy sẽ có nhu cầu sử dụng thêm 50 lao động là người địa phương. Hay như Dự án khai thác than tại mỏ Đồi Cò, thuộc tiểu khu Giang Bình (thị trấn Giang Tiên) của Doanh nghiệp Ngọc Tú, vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Năm 2012, Doanh nghiệp khai thác được trên 1 nghìn tấn than cám, doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng, đóng góp ngân sách địa phương 200 triệu đồng. Giải quyết việc làm cho trên 40 lao động, với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng…
Ngoài các dự án trên, năm 2012 được gọi là năm “đột phá” trong thu hút đầu tư nước ngoài vào huyện Phú Lương. Đó là Công ty TNHH Banpo Việt Nam (Tập đoàn Banpo Hàn Quốc), 100% vốn FDI. Trao đổi với chúng tôi, ông Hyung Hun Kim, Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi được địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ rất nhiều nên chỉ mất có 2 tuần để tiến hành xây dựng Nhà máy. Giai đoạn I, Công ty đã hoàn thành xây dựng Nhà máy may tại tiểu khu Dương Tự Minh (thị trấn Đu) trên diện tích hơn 40.000 m2, tổng vốn đầu tư đăng ký 3 triệu USD (khoảng 60 tỷ đồng). Với quy mô 4 xưởng sản xuất hàng may mặc, lều trại và các sản phẩm phục vụ leo núi. Sau 3 tháng chính thức đi vào hoạt động (từ tháng 9 đến tháng 12-2012), Nhà máy đã sản xuất, xuất khẩu được trên 30 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt 36 triệu USD (khoảng 720 tỷ đồng). Đóng góp 8 tỷ đồng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tạo việc làm cho 1.200 lao động địa phương, với mức lương bình quân từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, Công ty đặt ra kế hoạch sản xuất khoảng 50 triệu sản phẩm, tuyển dụng thêm 1.500 công nhân. Đồng thời, mở rộng nhà máy may Banpo thêm 3.500m2 (khu sản xuất, khu nhà ở và công viên) với tổng vốn xây dựng khoảng 10 triệu USD.
Ghi nhận những nỗ lực của huyện Phú Lương trong thu hút đầu tư, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: So với vị trí địa lý, Phú Lương không được thuận lợi như một số địa phương khác trong tỉnh. Nhưng, với sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đổi mới trong cách thu hút, vận động, mời gọi xúc tiến đầu tư nên đã có nhiều nhà đầu tư đến với Phú Lương, góp phần tác động thiết thực đến sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ để các dự án đầu tư vào Phú Lương và tỉnh được thuận lợi nhất.
Để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào huyện trong năm 2013 và những năm tới, đồng chí Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước mắt huyện sẽ tạo điều kiện để Công ty TNHH Banpo tiếp tục mở rộng Nhà máy may thêm 3.500m2. Đề nghị UBND tỉnh giúp đỡ để đốc thúc chủ đầu tư thực hiện cơ sở hạ tầng tại cụm công nghiệp Đu - Động Đạt (25ha). Tiến hành quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Sơn Cẩm (25ha) để tạo quỹ đất sẵn có cho các doanh nghiệp đến tham khảo đầu tư. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát huy tốt nhất "cơ chế một cửa" ngay từ việc GPMB cho các nhà đầu tư vào địa phương. Cụ thể là tổ chức tuyên truyền về chính sách thu hút đầu tư, vận động nhân dân GPMB; tổ chức giao kế hoạch cho các ngành để thực hiện các thủ tục hành chính khi chủ đầu tư vào địa bàn…