Quyết liệt xử lý nợ xấu với nhóm ngành rủi ro cao

09:19, 13/01/2013

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2013 của BIDV ngày 12/1, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, năm 2013, Ngân hàng phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế là 4.720 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ quyết liệt xử lý nợ xấu đối với khách hàng thuộc nhóm ngành có rủi ro cao, không có khả năng phục hồi. Bên cạnh đó sẽ đẩy nhanh kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư để phát hành trái phiếu kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi.

 

Bên cạnh đó, BIDV cũng phấn đấu huy động vốn tăng 16,5%; dư nợ tín dụng tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%; các chỉ số ROA (tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản) đạt 0,7%, ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) đạt 12%; tỷ lệ chi trả cổ tức khoảng 9%/năm…

 

Ông Tú cho biết, để đạt được những kết quả trên, trong năm 2013, BIDV sẽ tập trung ưu tiên tăng trưởng tín dụng đối với các khách hàng xếp loại A trở lên, cho vay các lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao).

 

Ngân hàng cũng dành tỷ trọng tín dụng nhất định để cho vay xây dựng nhà ở xã hội và cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ cho vay cá nhân mua nhà để tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những đóng góp của BIDV cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong việc hỗ trợ cho một số ngân hàng yếu thanh khoản, đến nay, các ngân hàng đã dần ổn định, thanh khoản đã được cải thiện. Riêng ngân hàng hợp nhất là Ngân hàng Sài Gòn (Ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín nghĩa), đây là 3 ngân hàng thương mại rất khó khăn, được Chính Phủ cho phép hợp nhất tự nguyện dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ của BIDV, bước đầu ngân hàng này đã hoạt động ổn định đóng góp vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

 

Bà Ngân nhấn mạnh, BIDV cùng với các ngân hàng thương mại trong hệ thống, bám sát các giải pháp tạo cầu của Chính phủ, tập trung triển khai mạnh mẽ các biện pháp, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Bên cạnh đó, BIDV cần tiếp tục đẩy mạnh lộ trình kế hoạch tái cấu trúc toàn diện hoạt động theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Coi đây là trọng tâm năm 2013, cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai quyết liệt, hiệu quả bắt đầu từ năm nay.

 

Năm 2012, tổng tài sản của BIDV đạt xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt 322 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%; cho vay các tổ chức cá nhân đạt gần 312 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8%.

 

Đặc biệt trong năm qua, Ngân hàng đã 9 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay áp dụng lãi suất thấp hơn 1% cho các đối tượng ưu tiên. Từ 15/7/2012 đến nay BIDV đã thực hiện giảm 98,3% dư nợ của các khoản vay cũ có mức lãi suất cao hơn 15% xuống chỉ còn từ 10-12%/năm.