Chuyên gia kinh tế nói về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế

10:33, 26/02/2013

Nói về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét Đề án đáp ứng những đòi hỏi cấp bách và lâu dài của thực tiễn đặt ra, đồng thời tập trung vào những nỗ lực cơ bản để có bước đột phá phát triển giai đoạn 2013 – 2020.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW Võ Trí Thành: Sự cải tổ mạnh mẽ

 

 

 

Đề án phản ánh một tư tưởng rất cơ bản rằng Việt Nam phải thay đổi cách thức tăng trưởng, phát triển và về bản chất, đó chính là sự cải tổ mạnh mẽ, tạo ra một hệ thống động lực mới (kết hợp cơ chế thị trường, cam kết hội nhập và những chính sách “khôn ngoan”) và thể chế thực thi mới để các nguồn lực đang có và sẽ có được phân bổ thật sự hiệu quả.

 

 

 

Đề án tập trung vào những nỗ lực cơ bản để có bước đột phá phát triển giai đoạn 2013-2020. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu 3 lĩnh vực đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), tài chính-ngân hàng (trọng tâm là các tổ chức tín dụng), doanh nghiệp (trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) và các ngành, có tính đến kinh tế vùng.

 

Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện Đề án không đơn giản, phát sinh không ít phức tạp, đòi hỏi phải xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội gắn với cải cách thể chế, tương tác giữa trong và ngoài nước, quan hệ lợi ích và chi phí cũng như trước mắt và lâu dài.

 

Để thực hiện thành công Đề án, cần chú ý 3 vấn đề mấu chốt:

 

 

- Trước hết là sự quyết tâm và sự đồng thuận chính trị, xã hội. Đây là điều hết sức cần thiết song vẫn chưa đủ. Nó cần được chuyển hóa thành thể chế thực thi có hiệu lực, với khả năng giải trình và tính minh bạch cao, được giám sát chặt chẽ.

 

 

- Hai là việc tiếp tục hoàn thiện những nội dung cơ bản của Đề án. Không phải mọi ý tưởng, yêu cầu của Đề án đã hoàn hảo; cần tiếp tục có những mổ xẻ thấu đáo hơn. Cũng rất cần khẩn trương thiết kế chương trình hành động cụ thể với những giải pháp chính sách, bước đi và mức độ ưu tiên thực thi.

 

 

 

- Ba là, phải rất quyết liệt hành động để ngay trong năm 2013-2014 có được những thành quả thật sự có ý nghĩa trong tái cấu trúc kinh tế, đối với cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, và đầu tư công.

 

 

Song song với thực hiện Đề án, cũng cần có tầm nhìn dài hạn hơn, chẳng hạn đến năm 2030. Thế giới đang biến đổi nhanh chóng và không ngừng sáng tạo, cải cách. Việt Nam rất cần một tầm nhìn, một công cuộc cải tổ và chiến lược gắn đầy đủ nhất với mục đích phát triển bền vững. Đó là sự phát triển dựa trên một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt trước các cú sốc lớn, công bằng trong phân phối lợi ích từ tăng trưởng, và thân thiện với môi trưởng.

 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên: Định hướng đúng

 

 

Đề án có mục tiêu rộng lớn, bao quát nhiều mặt, hướng tới việc thay  đổi toàn bộ mô hình tăng trưởng kinh tế. Đây là định hướng đúng.  Nó thể hiện quyết tâm tạo ra sự thay đổi căn bản và triệt để trong  cách thức phát triển kinh tế mà tình hình mấy năm qua chứng tỏ, nếu  không thay đổi như vậy thì nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng.

 

Tuy nhiên, Đề án cần xác định rõ “tọa độ lửa” để tập trung hành  động. Tọa độ đó, theo tôi là hệ thống phân bổ nguồn lực trong nền  kinh tế.

 

Hiện nay, tiềm lực kinh tế của ta đã bị suy yếu nhiều, năng lực quản trị, điều hành cũng không phải là “dồi dào”. Vì thế, càng phải biết chọn mục tiêu ưu tiên, trọng điểm để “quyết chiến”. Hơn thế, tập trung vào “tọa độ” đó thì sẽ có “trục” kết nối cả ba mảng tái cơ cấu cụ thể đang được ưu tiên triển khai. Hiện nay, ba mảng này đang khá rời rạc, khó phối hợp, mà đây cũng là một nguy cơ.

 

 

Thứ hai, ta đã bàn luận quá lâu về vấn đề này nhưng mãi vẫn chưa có hành động gì thực sự đúng tầm để đáp ứng nhu cầu thực tiễn nóng bỏng. Nói như vậy có hàm ý rằng việc Chính phủ phê duyệt Đề án là một bước tiến quan trọng hướng tới thực tiễn. Việc bây giờ là phải ráo riết triển khai, vừa triển khai, vừa chỉnh sửa, bổ sung. Không thể cứ bàn mãi, chờ hoàn thiện rồi mới làm. Cần phải “tái cơ cấu” ngay cách hành xử chiến lược, chính sách thông thường lâu nay “vạch ra mà không làm”, thỏa mãn với việc bàn luận mà không hành động với trách nhiệm rõ ràng.

 

 

Thứ ba, cần lưu ý đến lộ trình triển khai. Như đã nói, nền kinh tế đang rất yếu, năng lực bộ máy thực thi có hạn, mà nền kinh tế thì lại đang phải đáp ứng nhiều yêu cầu sinh tử - vừa chống lạm phát, tái lập ổn định, lại phải bảo đảm tăng trưởng cao “hợp lý” trong bối cảnh phải xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, rồi lần này phải dốc sức cho tái cơ cấu trên đủ mọi mặt trận...

 

Theo tôi, cần đặt lợi ích tái cơ cấu lên ưu tiên hàng đầu – ưu tiên nguồn lực tài chính, ưu tiên năng lực trí tuệ để triển khai, đạt được những kết quả thực tiễn rõ ràng. Nếu không sẽ rất nguy hiểm vì lòng tin xã hội đang bị suy yếu hiện nay sẽ không khôi phục được. Lúc đó, bất ổn vĩ mô sẽ tăng, các cơ sở tăng trưởng cũng bị suy yếu thêm.

 

Kinh nghiệm các năm gần đây cần được suy ngẫm nghiêm túc để áp dụng trong năm 2013, năm được coi là bản lề - theo đúng nghĩa năm có cơ may xoay chuyển tình thế.

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Cơ sở khoa học và thực tiễn cao

 

Trước hết cần khẳng định rằng về tổng thể và cơ bản, đây là một Đề án được  soạn thảo công phu, có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, đáp ứng được nhiều đòi hỏi cấp bách và lâu dài của thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới.

 

 

Để thực hiện thành công Đề án, cần đặc biệt chú ý 2 nhóm vấn đề: Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước các cấp và tập trung trọng tâm đầu tư công; khuyến khích sự năng động thích ứng của doanh nghiệp.

 

Việc đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc có thể đối diện với áp lực về lao động theo cả 2 hướng: Một mặt, sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao theo yêu cầu cơ cấu kỹ thuật mới mà không thể tạo ra trong ngày một ngày hai; Mặt khác, sự dư thừa đội ngũ lao động không còn phù hợp từ các cơ sở triển khai tái cấu trúc và kéo theo những gánh nặng về thất nghiệp và an sinh xã hội.

 

 

Hơn nữa, dưới góc độ đầu tư, nếu thiếu kiểm soát thì tái cấu trúc kinh tế cả cấp vĩ mô hay vi mô, quy mô lớn hay nhỏ đều có thể làm tăng rủi ro khi doanh nghiệp từ bỏ sản phẩm, thị trường và sở trường kinh doanh cũ để tham gia kinh doanh trên thị trường mới, với những áp lực mới không dễ vượt qua về sức cạnh tranh, kinh nghiệm, đối tác và kỹ năng phản ứng thị trường; từ đó có thể kéo theo các rủi ro về nợ nần mới hoặc thiếu hụt nguồn vốn và áp lực vay mới.

 

Đồng thời, nếu thiếu thận trọng, quá trình tái cấu trúc kinh tế còn có thể tạo cớ gây lãng phí các dự án đầu tư dở dang theo mô hình đầu tư cũ, gia tăng sự lạm dụng, thất thoát và tham nhũng mới những dự án đầu tư mới nhân danh tái cấu trúc, nhất là khu vực đầu tư công…

 

 

Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh hậu tái cấu trúc cũng có thể là kênh dẫn truyền những tác nhân bất ổn ngoại nhập mới hoặc làm phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn mới về môi trường sống trên địa bàn diễn ra các hoạt động này.